Thứ tư, 17/03/2021 10:21 GMT+7

Dư luận xã hội đối với vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam

Xuất phát từ thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn đề đáng báo động, Đề tài “Dư luận xã hội đối với vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay” được thực hiện với mục tiêu góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho các cơ quan xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, qua đó có thể đưa ra sự điều chỉnh kịp thời trong các chính sách liên quan.

Vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề xã hội bức xúc cần được giải quyết

Ngày 15/3, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra buổi nghiệm thu Đề tài trọng điểm cấp nhà nước “Dư luận xã hội đối với vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay” mang mã số KX.01.40/16-20 thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước KX.01/16-20 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế- xã hội”.
 

TS. Nguyễn Ngọc Trung, chủ nhiệm Đề tài báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu.
 

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, TS. Nguyễn Ngọc Trung, Viện Nghiên cứu Con người - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chủ nhiệm Đề tài chia sẻ, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay, lương thực thực phẩm có một vị trí rất quan trọng đối với nền an ninh lương thực của quốc gia, ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế còn có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chính trị, xã hội.

Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn đề đáng báo động và đang gây bức xúc cho người dân hiện nay. Mất vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, làm tăng chi phí khám chữa bệnh, hệ lụy của nó dẫn tới làm giảm thu nhập, sinh kế của người dân, giảm cơ hội tiếp cận với giáo dục có nghĩa là làm giảm trình độ phát triển con người. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ chế và biện pháp để giải quyết một cách triệt để vấn nạn này. Nếu không giải quyết tốt được vấn đề này thì không thể nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe của người dân, đảm bảo phát triển con người một cách bền vững.

Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Ngọc Trung nhấn mạnh, mối quan tâm về an toàn thực phẩm trở thành mối quan tâm chưa bao giờ hết nóng trong các diễn đàn, các phương tiện truyền thông. Vì vậy, hơn bao giờ hết một lần nữa có thể khẳng định an toàn thực phẩm có tầm quan trọng rất lớn đối với sức khỏe của con người nói chung và an ninh sức khỏe nói riêng.

Về khía cạnh tác động của dư luận xã hội đến vấn đề sản xuất an toàn thực phẩm, nhóm nghiên cứu Đề tài cho biết, tựu chung lại, người dân ở khu vực nông thôn tham gia khảo sát đều có điểm số trung bình tích cực cao hơn ở khu vực thành thị. Có thể suy luận rằng ở nông thôn, mức độ liên hệ và giao tiếp giữa người dân lớn hơn so với khu vực thành thị nên áp lực của dư luận cũng sẽ lớn hơn. Về khía cạnh tiêu cực, người ở khu vực thành thị cho rằng dư luận xã hội có tác động mạnh và tiêu cực đến quá trình sản xuất trong khi đó người ở khu vực nông thôn lại khá trung dung trong việc đánh giá liệu dư luận xã hội có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất.

Đề tài cũng đưa ra con số thống kê, những người càng trẻ thì càng cho số điểm đồng ý cao hơn so với những người lớn tuổi về tác động tích cực của dư luận xã hội đến vấn đề tiêu dùng an toàn thực phẩm. Người trẻ tuổi thể hiện mức độ đồng ý cao bởi có thể họ dễ dàng tiếp cận thông tin và dễ dàng trang bị kiến thức cho mình để có thể tiêu dùng thực phẩm một cách thông minh. Tương tự, những người có thu nhập càng cao thì càng đồng ý mức độ cho rằng tác động tích cực của dư luận xã hội đến vấn đề tiêu dùng an toàn thực phẩm.

Đề tài mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn
 

Toàn cảnh buổi nghiệm thu Đề tài.
 

Với những kết quả đạt được, Đề tài “Dư luận xã hội đối với vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay” đã góp phần cung cấp thông tin, số liệu và các luận cứ khoa học cho các cơ quan thực thi chính sách ở trung ương và địa phương, bộ/ngành về dư luận xã hội đối với vấn đề an toàn thực phẩm từ đó có những hành động kịp thời nhằm kiểm soát xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm, hướng đến mục tiêu phát triển xã hội lành mạnh.

Cùng với nguồn dữ liệu, số liệu thu thập được những kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được công bố, qua đó giới nghiên cứu khoa học, những người làm chính sách và mọi người có quan tâm cùng sử dụng, từ đó, góp phần nâng cao nhận thức mọi người dân cũng như cán bộ quản lý về vai trò dư luận xã hội trong việc phản biện, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm.

Nhận xét về Đề tài, Hội đồng đánh giá nghiệm thu cho rằng, đề tài có ý nghĩa lý luận thực tiễn cao, đã tập hợp được tài liệu khá công phu bao quát được vấn đề, các nội dung về an toàn thực phẩm như chất lượng, hình thức, thông tin sản phẩm, nhận thức của cán bộ quản lý, người tiêu dùng,… đều được tổng quan và phân tích một cách tích cực cũng như tiêu cực.

Báo cáo tổng hợp của Đề tài cũng đã nói lên được số liệu quan trọng có tính đại diện của các tỉnh: Bình Dương, Đắc Lắc, An Giang, Cà Mau, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai,… Nhìn chung các số liệu thu thập được từ các địa phương được sử dụng khá tốt, các khái niệm thuật ngữ, văn phong được trình bày gọn gàng, sáng sủa, tổng hợp các kết quả nghiên cứu rõ ràng.

Đặc biệt, phần phân tích lập luận khoa học của Đề tài đã đi theo hướng phân tích xã hội học, sử dụng phương pháp hiện đại, bao gồm cả những phân tích định lượng và phân tích định tính, các phương pháp và các mô hình phân tích hợp lý, phân tích hàng loạt để tìm ra sự khác biệt chủ đạo của các nhóm từ đó nhận dạng được sự khác biệt của các nhóm xã hội theo lứa tuổi, thu nhập, trình độ, nơi cư trú,… rất có hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Hội đồng, Đề tài cũng cần bổ sung một số thiếu sót để hoàn thiện hơn như: cần lập bảng cơ cấu mẫu của từng tỉnh - nơi điều tra xã hội học, cần lập bảng so sánh về sự tương đồng và khác biệt ý kiến giữa các tỉnh để so sánh từng vấn đề về sản xuất, tiêu dùng, phân phối sản phẩm, quản lý an toàn thực phẩm đã được điều tra…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5797

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)