Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa vải thiều vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản Việt khác tại thị trường khó tính này.
Thông tin công bố về vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
Trên Cổng thông tin của Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản, từ các đặc tính của vải thiều Lục Ngạn cho tới các đặc điểm địa lý đặc thù, quy trình canh tác vải được mô tả rõ. Cụ thể, vải to hơn, vị ngọt đậm hơn so với vải tại các vùng canh tác khác của Việt Nam: trọng lượng của vải Lục Ngạn nặng hơn ít nhất 10%, chiều cao trung bình từ dưới lên trên của quả dài hơn ít nhất khoảng 11%, giá trị Brix trung bình của vải thiều Lục Ngạn cao hơn khoảng 2-3% so với vải thiều ở các vùng canh tác khác ở Việt Nam, và hàm lượng đường tổng trung bình cao hơn khoảng 2-5%. Vải thiều Lục Ngạn có đặc tính quả to, vị ngọt đậm nhờ vị trí vùng trồng vải nằm ở “phần lõm” của cánh cung Đông Triều, ít chịu ảnh hưởng của mưa bão lớn, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch cao, người dân sử dụng kỹ thuật canh tác truyền thống khoanh (siết) cành (cắt một khoanh vòng qua thân hoặc nhánh chính của cây) để kích thích ra hoa...
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí và Cục trưởng Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản - ông Koji Inoue ký Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý
Đây đều là những nội dung mà đội ngũ cán bộ tại Cục Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN Bắc Giang phải dày công xây dựng dựa trên các nghiên cứu về đặc tính cũng như quy trình canh tác riêng của quả vải thiều Lục Ngạn.
Từ năm 2017, vải thiều Lục Ngạn có một vị trí khác biệt khi trở thành một trong ba sản phẩm của Việt Nam (bên cạnh thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột) được lựa chọn để đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN Việt Nam) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm & Ngư nghiệp Nhật Bản) để quảng bá chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đến người tiêu dùng Nhật Bản. “Chúng tôi đã cân nhắc, xem xét đến rất nhiều yếu tố về chất lượng, vùng nguyên liệu, độ ổn định… để chọn ra 3 sản phẩm này. Trong đó, chúng tôi đánh giá cao vải thiều Lục Ngạn về tính tiêu biểu, điển hình cho sản phẩm Việt Nam để bước chân sang Nhật Bản", ông Lưu Đức Thanh, Giám đốc Trung tâm Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) nhận xét trong một buổi làm việc về xây dựng chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn do Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang tổ chức vào tháng 5/2020.
Nhân viên của Công ty xuất nhập khẩu Toàn cầu, Bắc Giang đang bóc vỏ vải để làm cùi cấp đông. Ảnh: Hoàng Nam/ Báo KHPT
Trước đó, vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vào năm 2008 (Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00015 được cấp theo Quyết định số 1012/QĐ-SHTT ngày 25/06/2008 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ), và cũng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020.
Để góp phần hỗ trợ, nâng cao năng lực của các địa phương nhằm đưa các sản phẩm chủ lực bước vào các thị trường “khó tính”, trong năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp tục triển khai một số hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó phối hợp với Hiệp hội Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPA) xây dựng Biểu tượng Chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam; đề nghị KIPA hỗ trợ pha 2 Dự án xây dựng và phát triển thương hiệu lụa Mã Châu; phối hợp với Cục Công nghiệp Thực phẩm Nhật Bản (FIAB) đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho 3 sản phẩm của Việt Nam (vải thiều Lục Ngạn, cà phê Buôn Ma Thuột và thanh long Bình Thuận)… Những dự án này góp phần nâng cao thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp của Việt Nam, tạo tiền đề cho các sản phẩm đó tiếp cận được với thị trường nước ngoài.
|