Thứ hai, 15/03/2021 10:57 GMT+7

Nghiên cứu tính đa dạng và xây dựng cơ sở dữ liệu siêu âm của họ Dơi lá mũi (Chiroptera: Rhinolophidae) ở Việt Nam

Họ Dơi lá mũi Rhinolophidae được xác định là một trong những họ Dơi có số lượng loài nhiều nhất ở Việt Nam, bao gồm 19 loài trong tổng số 123 loài dơi đã được ghi nhận (Furey và cộng sự, 2009a; Kruskop, 2013; Gorfol và cộng sự, 2014; Nguyen Truong Son và cộng sự, 2015; Vuong Tan Tu và cộng sự, 2015, 2017b). Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về dơi, nhưng vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu riêng về họ Dơi lá mũi ở Việt Nam, nhiều loài dơi lá mũi đã được ghi nhận ở Việt Nam có vị trí phân loại chưa rõ ràng; một số tổ hợp loài và dạng loài cần được xác định rõ về phân loại học (Vu Dinh Thong, 2011). Ngoài ra, thông tin về đặc điểm nhận dạng, phạm vi phân bố và hiện trạng của nhiều loài còn rất hạn chế. Vì vậy, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội do ThS. Hoàng Trung Thành làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tính đa dạng và xây dựng cơ sở dữ liệu siêu âm của họ Dơi lá mũi (Chiroptera: Rhinolophidae) ở Việt Nam” trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2018.


 

Đề tài nhằm mục tiêu: Kiểm kê, đánh giá tính đa dạng và hệ thống phân loại của họ dơi lá mũi ở Việt Nam làm cơ sở khoa học cho công tác nghiên cứu, giám sát và bảo tồn đa dạng sinh học; Mô tả chi tiết các đặc điểm nhận dạng của các loài thuộc họ Dơi lá mũi ở Việt Nam; Xây dựng bộ mẫu đại điện và bộ dẫn liệu cơ bản về siêu âm của các loài dơi lá mũi làm cơ sở cho việc định loại; và Xác lập bản đồ phân bố của mỗi loài dơi lá mũi ở Việt Nam.

Một số kết quả của đề tài nghiên cứu:

Họ Dơi lá mũi ở Việt Nam đã được xác định gồm 20 loài với 7 dạng loài có đặc điểm khác lạ với những mô tả đã công bố về cả hình thái, tiếng kêu siêu âm và di truyền phân tử; Độ tương đồng về trình tự gene COI giữa các loài dơi lá mũi đã được ghi nhận ở Việt Nam với các loài tương ứng được công bố trên GenBank nằm trong khoảng 94 - 99%. Khoảng cách di truyền trong trình tự gene COI giữa các loài khác nhau chủ yếu nằm trong khoảng 2,3 % đến 22,0%;

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bộ mẫu đại diện của 21 dạng loài thuộc 17 loài dơi lá mũi có ở Việt Nam. Đã xác định được tần số tiếng kêu siêu âm của 24 dạng loài thuộc 18 loài dơi lá mũi ở Việt Nam, xây dựng được bộ dữ liệu gồm 300 file tiếng kêu siêu âm của 24 dạng loài. Tần số tiếng kêu siêu âm của các loài dơi lá mũi ở Việt Nam nằm trong khoảng từ 24 kHz đến 112 kHz. Việc sử dụng tần số tiếng kêu siêu âm có thể định loại được hầu hết các loài thuộc họ Dơi lá mũi hiện biết ở Việt Nam; Trong họ Dơi lá mũi ở Việt Nam, 6 loài có phân bố rộng, 4 loài có phân bố tương đối rộng, 4 loài có phân bố trung bình, 5 loài có phân bố hẹp, 1 loài có phân bố rất hẹp. Trong số các loài dơi lá mũi cần ưu tiên bảo tồn ở Việt Nam, loài R. thomasi hiện không còn phù hợp ở mức xếp hạng VU trong Sách đỏ Việt Nam. Loài R. paradoxolophus nên được tiếp tục đánh giá theo tiêu chí VU-D1. Loài R. osgoodi và loài R. luctus có số lượng ít, cần sớm được đánh giá về hiện trạng bảo tồn trong thời gian tới.

Như vậy, họ dơi lá mũi ở Việt Nam gồm 20 loài, với 7 dạng loài có đặc điểm khác lạ với những mô tả đã công bố, một số trong số này có thể là những taxon mới. Có thể sử dụng đặc điểm di truyền phân tử và tần số tiếng kêu siêu âm để định loại hầu hết các loài dơi lá mũi hiện biết ở Việt Nam. Trong họ Dơi lá mũi ở Việt Nam, 6 loài có phân bố rộng, 4 loài có phân bố tương đối rộng, 4 loài có phân bố trung bình, 5 loài có phân bố hẹp, 1 loài có phân bố rất hẹp. Trong thời gian tới, các nhà khoa học cho rằng cần đánh giá lại tình trạng bảo tồn của các loài R. thomasi s.l., R. osgoodi, R. paradoxolophus s.l. và R. luctus ở Việt Nam, theo các tiêu chí cập nhật trong hướng dẫn của IUCN.


*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14914/2017) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1276

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)