Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng lãnh đạo, cán bộ các đơn vị chức năng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Về phía Ca-na-đa có giáo sư Jeremy De Beer, chuyên gia về sở hữu trí tuệ tham gia dưới hình thức trực tuyến.
Đại diện phía Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo, nêu rõ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm là một trong những vấn đề được quy định trong chương Sở hữu trí tuệ của CPTPP, các nước tham gia CPTPP, trong đó có Việt Nam, cam kết dành sự bảo hộ cao hơn cho dữ liệu thử nghiệm và các dữ liệu bí mật dùng trong đăng ký hoặc cấp phép lưu hành nông hóa phẩm. Cụ thể là cơ quan có thẩm quyền phải dành cho người tạo ra dữ liệu độc quyền sử dụng dữ liệu sử dụng trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm trong vòng 10 năm.
Trong phần nội dung của Hội thảo, đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm trong các điều ước quốc tế quan trọng như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS); Hiệp định về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; Hiệp định CPTPP. Bài trình bày cũng đề cập đến dự thảo các nội dung về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng các cam kết trong CPTPP.
Trong khuôn khổ phi dự án, Giáo sư Jeremy De Beer, đã xây dựng một báo cáo nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm bảo hộ dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm của Ca-na-đa, đồng thời đưa ra đề xuất xây dựng, sửa đổi quy định pháp luật của Việt Nam về bảo hộ đối tượng này. Tại Hội thảo, Giáo sư Jeremy De Beer giới thiệu tóm tắt kinh nghiệm của Ca-na-đa và một số nước, đồng thời đưa ra các khuyến nghị dựa trên kinh nghiệm của các nước để Việt Nam tham khảo trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật và thực tiễn thi hành nghĩa vụ đã cam kết.
Các đại biểu đến từ các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, như Cục Chăn nuôi, Tổng Cục Thủy sản, Cục Bảo vệ Thực vật… từ góc độ các quy định pháp luật chuyên ngành và thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này nêu ra những vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp trong quy định pháp luật để xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia. Chuyên gia Ca-na-đa và các đại biểu đã rất tích cực thảo luận về những vấn đề vướng mắc và nhận định còn nhiều nội dung mà các bên cần quan tâm, triển khai những nghiên cứu sâu hơn.
Kết thúc Hội thảo, Phó Cục trưởng Trần Lê Hồng đánh giá cao những chia sẻ rất hữu ích của chuyên gia và cảm ơn sự hỗ trợ của Ca-na-đa đối với các hoạt động trong khuôn khổ phi dự án. Cục Sở hữu trí tuệ mong muốn trong tương lai sẽ tăng cường hợp tác và nhận được sự hỗ trợ từ phía Ca-na-đa để giải quyết những vấn đề về sở hữu trí tuệ mà hai bên cùng quan tâm. Đồng thời, Cục Sở hữu trí tuệ cũng mong muốn trong thời gian tới các đơn vị có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục phối hợp với Cục để thực hiện tốt công tác hoàn thiện pháp luật và quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có liên quan.