Hình thành mạng lưới tổ chức KH&CN công lập theo hướng mở, phát huy tối đa lợi thế về KHCN&ĐMST.
Việc lập quy hoạch phù hợp, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 và các quy hoạch, chiến lược khác có liên quan trong cùng giai đoạn phát triển, đảm bảo phát huy tối đa lợi thế về KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của đất nước; đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước. Đồng thời, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập; thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển cho tổ chức KH&CN công lập.
Đối tượng quy hoạch gồm các tổ chức KH&CN công lập do các cơ quan có thẩm quyền thành lập quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 1 Điều 12 Luật KH&CN năm 2013. Các tổ chức KH&CN công lập là cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức KH&CN công lập thuộc bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo các văn bản khác.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển KHCN&ĐMST; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia; Hình thành mạng lưới tổ chức KH&CN công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực KH&CN, bảo đảm tính khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN; hướng tới mục tiêu tự chủ hoàn toàn của các tổ chức KH&CN công lập.
Nội dung lập quy hoạch thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch, gồm các nội dung chủ yếu: Phân tích, đánh giá yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bổ, sử dụng không gian của mạng lưới tổ chức KH&CN trên phạm vi cả nước; dự báo xu thế phát triển và xây dựng các kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong thời kỳ quy hoạch.
Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng trong việc phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ; những cơ hội và thách thức đối với quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập.
Xác định các quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập trong thời kỳ quy hoạch; phương án phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ; danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành và thứ tự ưu tiên thực hiện trong hệ thống tổ chức KH&CN công lập; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán của dự án và lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện lập quy hoạch theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả.
Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ KH&CN lập Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định, bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký ban hành.