Thứ ba, 02/03/2021 21:16 GMT+7
Hội thảo giới thiệu tiêu chuẩn áp dụng cho phương pháp thấm lỏng theo ISO 25107
Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống chất lượng đào tạo kỹ thuật viên NDT phù hợp tiêu chuẩn quốc tế - ĐTCB.09/20/TTNDE”, ngày 18/02/2021 tại Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tổ chức hội thảo trình bày tiêu chuẩn theo ISO 25107 cho phương pháp kiểm tra thấm (PT).
Tham dự hội thảo có: Ông Đào Duy Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, bà Đặng Thị Thu Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm cùng các cán bộ nhân viên trong Trung tâm NDE. Hội thảo đã được nghe ông Đào Duy Dũng, chuyên gia NDT bậc III trình bày về : “Hệ thống tiêu chuẩn ISO 3452 cho phương pháp kiểm tra thấm”. Trong bài trình bày, chuyên gia Đào Duy Dũng đã chỉ ra các điểm tương đồng và khác biệt giữa hai chương trình đào tạo của hai hệ thống chứng nhận theo ISO 9712 và SNT-TC-1A. Nội dung của tiêu chuẩn bao gồm:
- Phần 1: Các nguyên tắc chung
- Phần 2: Thử nghiệm các vật liệu thấm
- Phần 3: Các khối thử đối chứng
- Phần 4: Thiết bị
- Phần 5: Kiểm tra thấm tại nhiệt độ cao hơn 500C
- Phần 6: Kiểm tra thấm tại nhiệt độ nhỏ hơn 100C
Bài trình bày đã làm rõ và đưa ra những yêu cầu rất cụ thể liên quan tới học liệu trong công tác giảng dạy (material documents) như tài liệu về vật tư thấm, các thông số kỹ thuật chi tiết áp dụng cho nhiệt độ khác nhau, đối tượng áp dụng,…Bên cạnh đó cũng nhấn mạnh yếu tố cơ sở vật chất khi áp dụng phương pháp cần đáp ứng yêu cầu theo ISO 17025:2017…
Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, các thành viên tham dự đã đóng góp ý kiến cũng như trao đổi làm rõ yêu cầu khác nhau đối với từng nội dung. Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện phần tiêu chuẩn cho phương pháp kiểm tra thấm thuộc đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống chất lượng đào tạo kỹ thuật viên NDT phù hợp tiêu chuẩn quốc tế”. Phát biểu tại hội thảo, chủ nhiệm đề tài ThS. Đặng Thị Thu Hồng cũng đưa ra các đề xuất về phương hướng xây dựng và phát triển nhân lực không chỉ thực hiện công tác giảng dạy mà bao gồm cả ứng dụng triển khai từ bậc thấp nhất đến bậc cao nhất (bậc 3) theo ISO 9712:2015.
Kết quả và thành công của buổi Hội thảo chính là kinh nghiệm quý báu để các thành viên thực hiện đề tài tiếp tục hoàn thiện và có các bài trình bày tiếp theo cho phương pháp kiểm tra Chụp ảnh bức xạ/RT, kiểm tra Siêu âm/UT và kiểm tra Hạt từ/MT theo tiêu chuẩn ISO 25107:2019.