Thứ năm, 24/12/2020 09:29 GMT+7

Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật sáu thập kỷ phục vụ sự nghiệp xuất bản sách khoa học và công nghệ nước nhà

Cách đây sáu thập kỷ, Nhà xuất bản Khoa học (tiền thân của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật) được thành lập theo Quyết định của Ủy ban Khoa học nhà nước. Ra đời trong một thời kỳ đặc biệt của lịch sử, những ấn phẩm của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã đồng hành cùng với sự hình thành và phát triển của nền khoa học và công nghệ Việt Nam. Dù với tên gọi nào thì Nhà xuất bản cũng được giao nhiệm vụ là thực hiện chức năng xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc hoạch định và triển khai các chủ trương, chính sách pháp luật, thúc đẩy nền KH&KT nước nhà. Quá trình hình thành và phát triển của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (Nhà xuất bản) trong suốt chiều dài sáu thập kỷ đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược đó.

Sáu mươi năm qua, Nhà xuất bản đã trải qua biết bao biến động, thăng trầm, nhưng tình yêu sách, ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, các thế hệ Nhà xuất bản vẫn tiếp tục viết nên trang sử của mình. Kỷ niệm 60 năm một chặng đường nhằm cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn tổng quan, phản ánh những đóng góp quan trọng, đồng thời khơi gợi cho chúng ta cùng suy nghĩ về con đường phía trước của Nhà xuất bản, để sao cho phù hợp với điều kiện, bối cảnh và mục tiêu của thời kỳ mới, kế thừa xứng đáng thành quả và kỳ vọng của người đi trước.

Những dấu mốc quan trọng

Với tầm nhìn chiến lược cần có một NXB chuyên ngành định hướng khoa học và kỹ thuật (KHKT) sát với nhu cầu bạn đọc, cung cấp tài liệu đáp ứng được các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển KHKT, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Ủy ban Khoa học nhà nước (UBKHNN), ngày 09/06/1960, thay mặt UBKHNN, GS Tạ Quang Bửu đã ký Quyết định số 185-KHH/QĐ về việc thành lập NXB Khoa học (tiền thân của NXB KHKT), trực thuộc UBKHNN. 

Ra đời ở thời điểm miền Bắc vừa giải phóng mấy năm, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc vừa phải chuẩn bị cho việc giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà,  trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân còn thấp nên NXB đã nhanh chóng bám sát thực tiễn của đất nước để thực hiện nhiệm vụ: xuất bản  tài liệu, sách báo, tranh ảnh... phục vụ công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học góp phần xây dựng nền khoa học và kỹ thuật nước nhà.
 


 

Từ một đơn vị ban đầu thực hiện nhiệm vụ đưa in các tài liệu của UBKHNN đưa tới. NXB đã bắt tay xây dựng phương hướng phát triển, định hướng xuất bản theo hai mảng sách: (1) sách tham khảo (chuyên ngành) cho cán bộ KHKT và (2) sách phổ biến khoa học cho quần chúng rộng rãi, đặc biệt phục vụ sản xuất và chiến đấu, bảo đảm đời sống nhân dân và đóng góp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những cuốn sách đầu tiên của NXB là là bộ sách “Khoa học và đời sống – 2 tập. ” “Giải đáp khoa học - 2 tập.” “Đời sống thực vật. ” “Nguồn gốc loài người”… Xuất bản phẩm chủ yếu thời kỳ này là sách phổ thông, nâng cao dân trí, phục vụ sản xuất, sức khỏe, kinh tế, chống mê tín dị đoan, các sách về văn, sử, địa, các công trình của các Viện nghiên cứu. Từ những kiến thức cơ sở khoa học ban đầu, những cuốn “Về các cấu trúc Buôcbaki” Tạ Quang Bửu dịch “Những quy luật của tự nhiên” đến những cuốn sách về lĩnh vực nông nghiệp như “Cơ sở khoa học tăng năng suất lúa chiêm”...

Tháng 8-1965, đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Với mục tiêu phải bảo toàn lực lượng và tổ chức xuất bản sách phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà. Cán bộ biên tập đi thực tế vào tận những nơi “nóng bỏng” săn lùng cộng tác viên sâu tít trong rừng. Sách của NXB đã kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ phong trào thủy lợi ở nông thôn, hướng dẫn phòng chống vũ khí hóa học của địch, sửa chữa ô tô và đường sá phục vụ chiến đấu như cuốn “Một số kinh nghiệm thi công mặt đường thời chiến”,“Những điều cần biết về chiến tranh hóa học”, “Phòng và chống chiến tranh vi trùng”... có giá trị rất lớn trong hoàn cảnh chiến tranh, là hành trang của các nhà khoa học, các kỹ sư, các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên khắp các nẻo đường Tổ quốc.

Ngay từ thời kỳ đầu tiên đó, NXB đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với NXB Tiếng Nga (Liên Xô) và năm 1973, cuốn Từ điển kỹ thuật Nga - Việt ấn phẩm hợp tác với Liên Xô đã được xuất bản.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, những cuốn sách tổng hợp những công trình khoa học Việt Nam có giá trị, sách về chiến lược phát triển khoa học của các nước, sách về cách mạng kỹ thuật và công nghệ của thế giới được ra đời phục vụ công tác lãnh đạo và quản lý khoa học và kỹ thuật như “Đổi mới chính sách và chiến lược” của Lê Trọng Hiến và Nguyễn Ngọc dịch,“Những vấn đề quản lý khoa học trong điều kiện cách mạng khoa học - kỹ thuật” của V.G Sorin, bộ sách 5 tập “Những vấn đề cốt yếu của quản lý” của H. Koonatz, C.O’Donnel, H.Weithrich... Cũng trong khoảng thời gian này bộ sách về dược liệu “Cây cỏ thường thấy ở Việt Nam” gồm 6 tập của các tác giả Vũ Văn Chuyên, Lê Khả Kế, Phan Nguyễn Hồng, Đỗ Tất Lợi, Võ Văn Chi giới thiệu các cây thuộc 53 họ thực vật hạt kín hai lá mầm, và những cây, vị thuốc, có công dụng đối với đời sống và y học. Những cây cỏ, bài thuốc ấy ở quanh ta, áp dụng những hướng dẫn trong sách để dự phòng hoặc chữa trị bệnh trong điều kiện y dụng cụ thuốc men thiếu thốn, nguồn cung cấp hạn chế của thời chiến.

Những khó khăn, điều kiện vật chất thiếu thốn, lạc hậu không ngăn cản những con người khát vọng, tiên phong trong việc xây dựng những nền tảng ban đầu về hệ thống tài liệu khoa học và kỹ thuật, đưa nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đời sống và quốc phòng, mau chóng xây dựng một nền khoa học và kỹ thuật tiên tiến, tự mình giải quyết được những vấn đề của đất nước. Kết quả ấy đã chứng minh tầm quan trọng của sách KH-KT cũng như sự đóng góp đáng kể của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật trong lịch sử góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Trước yêu cầu to lớn và cấp bách về phát triển KHCN trong giai đoạn mới. Sách khoa học - kỹ thuật lại tiếp tục phục vụ nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng nền khoa học Việt Nam thống nhất. Cuốn "Thiên nhiên Việt Nam" ra đời kịp thời biếu tặng các đại biểu quốc hội lần đầu tiên họp sau khi Việt Nam thống nhất hai miền Nam – Bắc.

Năm 1977  Nhà xuất bản đã  lần đầu tiên tổ chức in được cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam” của GS.TS Đỗ Tất Lợi khá đẹp và bề thế, được hội chợ triển lãm sách  quốc tế Mascơva bình chọn là 1 trong 7 viên ngọc quý của triển lãm, đó là thành công lớn của Nhà xuất bản, gây tiếng vang trong ngành.

Những năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Nhà xuất bản đã xuất bản các ấn phẩm thông tin chọn lọc, các tổng luận phân tích chuyên đề và các chuyên khảo với tổng số hàng trăm đầu sách, phát hành hàng vạn bản in, hướng vào những vấn đề ưu tiên của phát triển kinh tế - xã hội, KHCN “Tóm tắt tài liệu khoa học - kỹ thuật Việt Nam”; “Thông tin chiến lược khoa học, kỹ thuật, kinh tế”; “Tổng luận khoa học, kỹ thuật, kinh tế”; “Thông tin chuyển giao công nghệ” Vietnamese Scientific and Technical Abstracts... “45 năm khoa học - kỹ thuật Việt Nam”.

Những năm dưới mô hình doanh nghiệp, hướng về thị trường, Nhà xuất bản tổ chức đề tài có sức hút, đáp ứng nhu cầu thị trường và đông đảo bạn đọc, thuộc mảng phổ biến khoa học“10 vạn câu hỏi vì sao"; dịch từ nguyên bản nhiều, tác giả Trung Quốc, từ  5 chủ đề đầu tiên được xuất bản năm 1961 đến năm 1992 đã dịch và bổ sung một số tài liệu khác lên đến 21 chủ đề, dẫn đầu mảng đề tài phổ biến kiến thức trên thị trường. Với kho tàng kiến thức vô cùng phong phú về nhiều lĩnh vực, bộ sách có sức sống lâu dài cho đến nay. Bộ sách “Ông ơi, Vì sao lại thế” (Chu Công Phùng. Nguyễn Mộng Hưng, biên dịch sách Trung Quốc gồm 6 tập; Bộ sách “Thế giới phát minh” Valérie - Anne Giscard D’ Estaing. (Đặng Mộng Lân, Nguyễn Hữu Ngọc, Trịnh Trung Thành, Đặng Văn Sử dịch từ nguyên bản tiếng Pháp) với sự miệt mài để ra những bộ sách đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thế giới, thu thập những phát minh, sáng chế  giúp cải thiện cuộc sống, tăng năng suất lao động.

Trong suốt chiều dài sáu thập kỷ, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã xuất bản nhiều bộ sách quý, được tổ chức biên tập công phu, in ấn và trình bày đẹp, đạt nhiều giải thưởng sách hay, sách đẹp. Phục vụ đối tượng bạn đọc ngày càng đông đảo, phong phú trên khắp các vùng miền của đất nước. Ghi nhận những thành tích, đóng góp của Nhà xuất bản trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác cho Nhà xuất bản và các tập thể, cá nhân trong Nhà xuất bản.

Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật đạt giải thưởng sách Việt Nam

Tính đến nay năm 2020, Nhà xuất bản đã trải qua các thời kỳ lịch sử, nhiều lần chuyển đổi mô hình hoạt động, nhưng ở mô hình nào NXB cũng đổi mới phương thức hoạt động chuyển đổi cơ chế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản. Sau 60 năm thành lập, gần 35 năm Đổi mới, NXB Khoa học và Kỹ thuật đã cho ra mắt bạn đọc trên 20.000 đầu sách với hàng tỷ bản in tăng vượt trội so với thời điểm năm 1960 là 26 đầu sách và hàng nghìn trang in.
 

Hội nghị về công tác xuất bản được NXB tổ chức hằng năm.
 

Cơ hội và thách thức trong tương lai

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, Ông Bùi Minh Cường, quyền Giám đốc Nhà xuất bản có những chia sẻ về những thành công, kết quả Nhà xuất bản đạt được trong sáu thập kỷ “Đó là niềm tự hào, là tài sản vô giá của Nhà xuất bản. Có được những kết quả đó là do Nhà xuất bản luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị; sự giúp đỡ, hợp tác và gắn bó của các tác giả, nhà khoa học, các cộng tác viên; sự đón nhận của đông đảo bạn đọc trong cả nước. Thành công đạt được cũng chính là sự vun đắp, đóng góp công sức, trí tuệ, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động qua các thời kỳ”.

Song Ông cũng nhấn mạnh “Những yếu kém, tồn tại có nguyên nhân khách quan, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, cơ bản. Tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản còn bất cập, nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất còn khó khăn; đội ngũ cán bộ còn mỏng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu; đề tài còn chưa phong phú, mảng sách dịch còn hạn chế, chưa khai thác hết thế mạnh của Nhà xuất bản”.

Nhận định tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng và tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có ngành xuất bản. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đòi hỏi Nhà xuất bản phải chủ động đổi mới mô hình tổ chức cùng các mặt hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xuất bản, phát hành.

Dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó doanh thu của ngành xuất bản sụt giảm, làm cho ngành xuất bản vốn đã nhỏ bé càng khó khăn hơn, nó cũng góp phần thúc đẩy việc chuyển dịch mạnh mẽ từ hình thức xuất bản truyền thống sang nhiều hình thức, như: xuất bản điện tử, xuất bản và phát hành tác phẩm trên mạng internet, phát triển phương tiện nghe, nhìn, đọc sách trên mạng di động; hội chợ sách online, bán hàng trực tuyến; họp báo và lễ ra mắt sách trực tuyến,...

Thẳng thắn những yếu kém, hạn chế, từng bước đổi mới để thực hiện mục tiêu đưa Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tiếp tục ổn định, phát triển, giữ vững vị thế, uy tín là Nhà xuất bản hàng đầu trong công tác xuất bản sách khoa học, kỹ thuật và công nghệ Ông Bùi Minh Cường có những định hướng chỉ đạo cụ thể “Trong thời gian tới, yêu cầu mỗi cán bộ, viên chức, người lao động Nhà xuất bản phải nỗ lực phấn đấu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng đơn vị đoàn kết, thống nhất. Một số giải pháp cần tập trung thực hiện là:

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, quy định, quy chế về các lĩnh vực quản lý, quản trị và tài chính như quy chế chi tiêu nội bộ trong hoạt động của Nhà xuất bản; quy chế thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí,... Chuẩn hóa quy trình, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật đi đôi với tạo điều kiện để các đơn vị, cá nhân phát huy tinh thần sáng tạo, sáng kiến nâng cao hiệu quả công việc, vì sự phát triển của Nhà xuất bản.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch đề tài dài hạn và kế hoạch hằng năm đối với tất cả các loại sách, bám sát chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ. Phối hợp với đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và ban, bộ, ngành khác, để tổ chức xây dựng các đề án, đề tài xuất bản sách, tài liệu bảo đảm phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác xây dựng mạng lưới cộng tác viên bằng cơ chế trả nhuận bút thỏa thuận để bảo đảm lợi ích của tác giả, cộng tác viên và Nhà xuất bản. Chủ động đầu tư cho những bản thảo có chất lượng, gắn với nhu cầu của xã hội và thị trường. Hợp tác với các đơn vị xuất bản trong và ngoài nước để tổ chức xuất bản, in và phát hành những đề tài hay, có giá trị, theo phương thức hiện đại, phù hợp với xu thế xuất bản của thế giới và khu vực.

Thứ tư, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, thiết thực, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tập trung kiện toàn khối biên tập-xương sống của Nhà xuất bản, chiếm tổng số khoảng 40 đến 45% tổng số viên chức, người lao động. Xây dựng bộ phận xuất bản điện tử nhằm mục tiêu đẩy mạnh xuất bản sách điện tử nhưng không làm tăng thêm đầu mối trực thuộc và biên chế. Chú trọng giáo dục trách nhiệm nghề nghiệp và ý thức xây dựng cơ quan, đơn vị, chống các biểu hiện tiêu cực, lợi ích cá nhân. Bồi dưỡng cán bộ chủ chốt và các chuyên gia; có chế độ khuyến khích cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ năm, xây dựng kế hoạch truyền thông, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các xuất bản phẩm theo hướng chuyên nghiệp hóa. Mở rộng hệ thống phát hành với mạng lưới bán buôn và bán lẻ, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, khai thác đề tài hay, có số lượng in lớn. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phát hành. Xây dựng một số nhà sách, liên kết in - phát hành

Với những giải pháp đề ra cùng với đánh giá Đổi mới để tiếp tục phát triển chính là con đường duy nhất để Nhà xuất bản thực hiện thành công những nhiệm vụ được Bộ Khoa học và Công nghệ giao, hướng tới thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

Nguồn: Nhà Xuất bản KH&KT

Lượt xem: 2492

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)