Thứ ba, 22/12/2020 08:04 GMT+7

Sức ép đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp Việt nhìn từ góc độ nhập khẩu, chuyển giao công nghệ: Chính sách và định hướng?

Rất nhiều quốc gia/nền kinh tế trên thế giới đang trong giai đoạn bùng nổ phát triển các công nghệ mới nổi và đổi mới sáng tạo (ĐMST) cũng như tham gia quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ để tăng năng suất chất lượng hàng hóa dịch vụ tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Song song với đó, việc Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đi kèm việc buộc phải tuân thủ các hàng rào kỹ thuật mà cộng đồng quốc tế đặt ra. Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ đạt đẳng cấp quốc tế theo tiêu chuẩn chung đáp ứng được mục tiêu chất lượng và cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ mạnh là bài toán lớn cần có lời giải tổng thể và điều đó đồng nghĩa với việc phải ĐMST, cải tiến công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp Việt nào cũng tự nghiên cứu phát triển được mà cần phải đi tắt đón đầu bằng việc nhập khẩu và cải tiến công nghệ phục vụ quá trình đổi mới sáng tạo để phát triển của riêng mình. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nhân lực của doanh nghiệp có thể tiếp thu (hấp thụ) và làm được công nghệ nhập khẩu và nhận chuyển giao từ nước ngoài vào và doanh nghiệp cần nhận thức thế nào từ đổi mới sáng tạo dựa trên nhập khẩu và chuyển giao công nghệ cũng như cần lưu ý, tận dụng chính sách hỗ trợ gì từ khu vực công khi dấn thân vào các “cuộc chơi” hội nhập?

Theo chia sẻ của đại diện Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tại Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18/12/2020, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Chính phủ và Bộ Chính trị ban hành một số Nghị quyết chỉ đạo và quyết định một số chính sách định hướng hỗ trợ nhập khẩu và chuyển giao công nghệ như sau:

I. Chính sách trong ưu tiên nhập khẩu, chuyển giao công nghệ:

Định hướng nhập khẩu, chuyển giao công nghệ ưu tiên các lĩnh vực: Công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử; cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ bảo quản chế biến nông sản, thủy sản; công nghệ xây dựng giao thông hạ tầng; công nghệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; công nghệ y-dược, chẩn đoán và điều trị bệnh. Theo đó định hướng nhập khẩu chuyển giao công nghệ tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản sau:

1. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu;

2. Hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) theo hướng nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, khuyến khích hình thức liên doanh liên kết chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI;

3. Không được phép nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém gây ô nhiễm môi trường; Khuyến khích doanh nghiệp thực hiện giám định thiết bị đã qua sử dụng từ nước xuất khẩu;

4. Ban hành các danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ; công nghệ hạn chế chuyển giao, cấm chuyển giao;



Toàn cảnh Diễn đàn kết nối đổi mới sáng tạo 2020 ( ảnh VISTIP)

 

II. Định hướng hỗ trợ nhập khẩu và chuyển giao công nghệ bao gồm như sau:

1. Hỗ trợ chuyên gia tìm kiếm đánh giá công nghệ, tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ quốc tế, xây dựng cơ sở dữ liệu sáng chế công nghệ chuyển giao công nghệ (hỗ trợ trong quá trình tìm kiếm công nghệ);

2. Ưu tiên bố trí kinh phí nhập khẩu sản phẩm mẫu để phân tích và giải mã nhằm phát triển công nghệ, tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực; ưu đãi thuế cho máy móc, thiết bị… trong nước chưa tạo ra được sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ (hỗ trợ trong quá trình nhập khẩu công nghệ);

3. Ưu đãi lãi suất, bảo lãnh vốn vay, ưu tiên đầu tư vào khu công nghệ cao; Sản phẩm được khuyến khích sử dụng trong các dự án, dịch vụ công; tham gia các chương trình đề án, quỹ về KH&CN (hỗ trợ nghiên cứu làm chủ công nghệ);

4. Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ kinh phí mua bản quyền, bí quyết công nghệ, thông tin sở hữu trí tuệ; thuê chuyên gia hỗ trợ; ưu đãi tín dụng, thuế, sử dụng đất; hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển thị trường (hỗ trợ trong quá trình chuyển giao công nghệ).



TS Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (người thứ hai bên phải) trong một thảo luận tại Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020 (ảnh VISTIP)

 

Cũng theo TS Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, trong thời gian sắp tới các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nhập khẩu, chuyển giao công nghệ cần giải quyết được các yêu cầu như sau:

1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

2. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức trung gian KH&CN;

4. Xác định định hướng ưu tiên trong các ngành, lĩnh vực theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu đổi mới, trình độ sản xuất và năng lực làm chủ; tự thiết kế sáng tạo trong nước;

5. Triển khai hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

6. Hợp tác quốc tế: đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, mua bán, chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác với tổ chức, cá nhân và người Việt Nam ở nước ngoài;

7. Kết nối - cung cầu công nghệ quốc tế; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng tôn vinh các doanh nghiệp, cá nhân có thành tích.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Lượt xem: 2399

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)