Thứ hai, 21/12/2020 13:43 GMT+7

Ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển sản phẩm từ dược liệu

Chiều ngày 18/12/2020, tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Diễn đàn công nghiệp lần thứ IV “Phát triển sản phẩm chăm sóc sức khoẻ từ nguồn dược liệu Việt Nam: Từ nghiên cứu đến ứng dụng”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tham dự Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có Tiến sĩ Kum Dongwha - Viện trưởng Viện VKIST; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ; các nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học...

Toàn cảnh Diễn đàn
 

Chú trọng phát triển dược liệu

Việt Nam có nguồn dược liệu quý phong phú và nền y học cổ truyền lâu đời, có bản sắc riêng. Chính phủ luôn có chủ trương phát triển nền y học Việt Nam kết hợp giữa Đông và Tây y; coi y học cổ truyền là bộ phận quan trọng của nền y học nước nhà.

Chính phủ đã rất quan tâm và tạo thuận lợi để phát triển trồng dược liệu, phát triển ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dược liệu và đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, quan điểm phát triển là cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Phát triển công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam để phát triển sản xuất vắc-xin, thuốc từ dược liệu.
 

 TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền Việt Nam (Bộ Y tế) trình bày tham luận “Định hướng phát triển thuốc y học cổ truyền và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn dược liệu Việt Nam” tại Diễn đàn
 

TS. Trần Minh Ngọc -  Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, nhu cầu sử dụng dược liệu và thuốc từ dược liệu ở Việt Nam đang ngày càng tăng và xu hướng sử dụng đang theo hướng: dùng theo y học cổ truyền; hiện đại hóa thuốc y học cổ truyền (dạng bào chế, dùng thuốc, kỹ thuật, công nghệ chế biến, đóng gói, bảo quản…); thực phẩm chức năng; thực phẩm bổ sung; mỹ phẩm.

Theo số liệu thống kê năm 2018, tổng giá trị sử dụng tiền thuốc sử dụng tại Việt Nam là 5,14 tỉ USD. Tổng giá trị chế phẩm thuốc từ dược liệu (vị thuốc, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu) ước khoảng 440 triệu USD (8.4% tổng giá trị điều trị bệnh) trong đó, chế phẩm từ dược liệu (thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền) ước tính 330 triệu USD và vị thuốc 110 triệu USD. Tổng giá trị dược liệu làm nguyên liệu sản xuất thuốc khoảng 200 triệu USD/năm, tương đương khoảng 50.000 tấn dược liệu/năm.
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại Diễn đàn.
 

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Viện VKIST hàng năm thường tổ chức các diễn đàn công nghiệp để kết nối, giải quyết các bài toán thực tiễn, những khó khăn, vấn đề công nghệ của doanh nghiệp với các nhà khoa học. Đồng thời giới thiệu các kết quả nghiên cứu, giải pháp, công nghệ mới nhất từ phía các nhà khoa học đến các doanh nghiệp với hy vọng các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ, tiếp cận các sản phẩm mang đến giá trị cao hơn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong chuỗi diễn đàn công nghệ nói trên, Viện VKIST tập trung vào một số lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tập trung vào một mảng trọng điểm ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đó là các sản phẩm thiên nhiên gắn với đa dạng hóa sinh học, dược liệu của Việt Nam. “Đây là một hướng đi rất bền vững khi chúng ta tận dụng được đa dạng hóa sinh học, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng vừa giúp tạo ra những cây có lợi thế và bảo tồn được thiên nhiên”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng lấy ví dụ về việc doanh nghiệp sử dụng công nghệ để chiết xuất các phụ phẩm từ đầu, vỏ tôm thành tinh chất chitosan làm mỹ phẩm, minh họa cho việc ứng dụng công nghệ sẽ nâng giá trị gia tăng của nguyên liệu sẵn có trong nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đã triển khai chế biến sản phẩm dược liệu nhưng hàm lượng công nghệ “vừa phải”, nên sản phẩm còn ở mức thô, chưa tận dụng hết những hợp chất quý trong dược liệu. Vì vậy, Diễn đàn là dịp kết nối nhà khoa học cùng tham gia giải những bài toán thực tiễn, khó khăn trong việc áp dụng công nghệ của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh mối liên kết “bốn nhà”

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ, thảo luận các nội dung liên quan đến định hướng phát triển thuốc y học cổ truyền và sản phẩm chăm sóc sức khoẻ từ nguồn dược liệu Việt Nam; phát triển sản phẩm chăm sóc sức khoẻ từ thảo dược và chiến lược để đạt được thành công;... Đồng thời chia sẻ các vấn đề đang gặp phải trong quá trình đặt hàng, chuyển giao công nghệ, sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm từ dược liệu và cùng bàn luận các giải pháp tháo gỡ.

Chia sẻ những kinh nghiệm phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược tại Hàn Quốc, GS. Jung Kiwon - Khoa Dược, Đại học CHA (Hàn Quốc) cho biết, trước đây Hàn Quốc tập trung vào sản xuất thảo dược chữa các bệnh mãn tính. Nhưng nay Hàn Quốc tập trung phát triển các loại dược phẩm mà thuốc hiện đại chưa đáp ứng được, hoặc bệnh đa yếu tố, gây ra từ nhiều nguyên nhân như Alzheimer, bệnh tiểu đường, ung thư.

Hiện nay, Hàn Quốc đang đi theo 2 hướng tiếp cận: Hướng truyền thống là xác định cụ thể bệnh và tìm nguyên liệu để chữa. Thứ hai là hướng phát triển trên cơ sở các bài thuốc bản địa, những dược liệu có giá trị sẵn, gắn với nhu cầu thực tiễn, từ đó sử dụng công nghệ để chiết xuất, xác định và phân tích hoạt tính các thành phần của dược liệu, chuẩn hóa các thành phần quý.

Để phát triển các loại thuốc tự nhiên mới, GS. Jung Kiwon cho rằng cần tìm ra bệnh để chữa và tìm phương thuốc dược liệu; chứng minh được các thành phần chất lượng phải đồng nhất. Quy trình trồng - thu hoạch - tinh chế đều phải chuẩn hoá để đưa ra được tác dụng chất lượng đồng nhất mới có thể đưa sản phẩm ra quốc tế. Đồng thời, xem két kỹ về chi phí nguyên liệu cũng như sản xuất, giá thành sản phẩm phải phù hợp; phải xây dựng chiến lược để bảo hộ sản phẩm dựa trên các bằng sáng chế.

“Việc chúng ta cùng phối hợp, kết hợp giữa các bên sẽ tạo ra nhiều sản phẩm thuốc thảo dược có thành phần tự nhiên rất tốt”, ông Jung Kiwon chia sẻ.

Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI – một trong những nhà máy đầu tiên được cấp phép xây dựng trong Khu CNC Hòa Lạc đã có nhiều kết quả trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quy mô nhà máy trên 300 tỉ đồng, tập trung vào công nghệ chiết xuất mĩ phẩm từ dược liệu. Ông Phan Văn Hiệu – Chủ tịch HĐQT cho biết, hướng đi chính của CVI thời gian tới là đầu tư vào phát triển Viện Nghiên cứu giải mã công nghệ y dược, trong đó tập trung vào nghiên cứu một số công nghệ mới. CVI đang tìm kiếm cơ hội chuyển giao công nghệ cung cấp các nguyên liệu dược phẩm từ các viện, trường, hoặc các nhà khoa học với các công nghệ mới như công nghệ lên men thảo dược, công nghệ bào chế nano, đặc biệt là nano vi sinh. Tuy nhiên, ông Hiệu cho rằng trong quá trình tìm kiếm thông tin ông thấy rằng hiện thông tin một cách hệ thống về năng lực nghiên cứu của các đơn vị nghiên cứu, quá trình nghiên cứu, hướng phát triển sản phẩm chưa nhiều. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đưa ra lộ trình phát triển của sản phẩm từ dược liệu.

Nhấn mạnh sự liên kết, hợp tác giữa viện, trường và doanh nghiệp, ông Nguyễn Huy Văn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Traphaco cho biết, công ty có 10 sản phẩm quyết định 80% doanh thu thì cả 10 sản phẩm đều có dấu ấn của sự hợp tác từ viện, trường. Ông cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về dược liệu nên các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu các dược liệu quý để xuất khẩu, cung cấp cho doanh nghiệp, đồng thời tạo sinh kế cho người dân. “Dược liệu gắn với người dân nông thôn, miền núi nhiều nên lĩnh vực này cần có sự hợp tác, chia sẻ xã hội cao và công bằng, không đơn thuần là liên kết 3 nhà mà nên là hợp tác 4 nhà (nhà nước – viện/trường – doanh nghiệp và nhà nông)”, TS. Huy Văn nói.  

Ông Trần Bình Diên – Công ty CP Dược liệu Việt Nam cho rằng, để khai thác tốt hơn nguồn dược liệu Việt Nam, 2 vấn đề khó khăn nhất là chọn được giống cây trồng tốt, phù hợp, năng suất cao và vấn đề chế biến dược liệu sau thu hoạch. Phải đầu tư vốn, trí tuệ, công nghệ để chế biến dược liệu sau thu hoạch, giúp chủ động về nguồn dược liệu trong nước. 
 

Tiến sỹ Kum Dongwha, Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc phát biểu tại Diễn đàn.
 

TS. Kum Dongwha - Viện trưởng Viện VKIST cho biết, với định hướng là một viện nghiên cứu theo hướng ứng dụng, VKIST đặt mục tiêu hợp tác với các doanh nghiệp, các nhà khoa học và sẽ là cầu nối giữa các ngành công nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu, mang lại cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm chiếm lĩnh thị trường./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 8219

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)