Chủ nhật, 20/12/2020 23:49 GMT+7

Sức ép đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục đại học trước bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chiến lược chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam

Theo chia sẻ của GS.TS Phạm Thành Huy- Hiệu trưởng trường Đại học Phenica tại Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020 được tổ chức tại Hà Nội ngày 18/12/2020: Dựa theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018, Việt Nam xếp thứ 84/137 quốc gia về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học và xếp thứ 79/134 về năng lực đổi mới sáng tạo; kết quả đầu ra của nghiên cứu còn đứng sau khá xa so với Thái Lan, Malaysia và rất xa so với Singapore. Từ đánh giá thực tế của các nhà tuyển dụng, có thể nhận thấy sinh viên Việt Nam có năng lực chuyên môn chưa sâu, chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đặc biệt là còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, quản lý rủi ro, kỹ năng khởi nghiệp…

Trong một báo cáo khảo sát về việc làm do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thực hiện chỉ ra rằng, công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra các loại công việc mới đòi hỏi các kỹ năng và thay đổi cách mọi người làm việc. Các công nghệ mới đang mang lại một sự thay đổi chưa từng có, ước tính 50% kiến thức mà một sinh viên tiếp thu được trong năm đầu tiên của chương trình đại học kỹ thuật sẽ bị lỗi thời vào thời điểm sinh viên đó tốt nghiệp. Nhiệm vụ của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đó là làm thế nào để đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu công nghệ mới thích ứng được với việc chuyển đổi nhanh chóng của xã hội.

Trong lịch sử phát triển, các trường đại học lớn trên  thế giới luôn thích ứng với các bối cảnh kinh tế xã hội và nhiều trường hợp đã dẫn dắt sự phát triển của các của các cuộc cách mạng công nghiệp. Trước thế kỷ 21, đại học nói chung chủ động thực hiện chức năng truyền thụ kiến thức, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo chuyên gia; nghiên cứu phát triển công nghệ mới và thương mại hóa tri thức thông qua chuyển giao các phát minh sáng chế cho các công ty, doanh nghiệp, nhà sản xuất. Tuy nhiên các đại học chưa thực sự tham gia vào chuỗi giá trị, các sản phẩm của đại học chuyển giao cho xã hội chủ yếu dưới dạng bán thành phẩm (semi-finished product).

Vậy nên từ tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm đổi mới sáng tạo từ các trường đại học trên thế giới, yêu cầu đổi mới sáng tạo phải cấp bách được đặt ra với tất cả các trường đại học Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học khối kỹ thuật, công nghệ để có thể thích ứng được trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trước tiên, cơ sở giáo dục đại học phải là nơi đáp ứng được kỳ vọng của sinh viên: Đào tạo ra những sinh viên đáp ứng được kỳ vọng của thị trường việc làm và rõ ràng nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lại sẽ phải không chỉ am hiểu lĩnh vực chuyên môn và còn phải chuyển đổi từ việc giảng dạy và làm bài tập sang học tập dựa trên các dự án (project based learning).

Về mô hình đại học: Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình đại học đang dần thay đổi nhanh từ mô hình đại học chuyên về đào tạo với mục tiêu đào tạo ra kỹ sư, cử nhân giỏi (skill worker) trở thành các Trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra giá trị ngay trong trường đại học (Innovation and Creation Center). Đây chính là xu hướng quan trọng trong tiến trình phát triển giáo dục đại học thế giới, được gọi là mô hình giáo dục đại học 4.0 (Education 4.0) hay mô hình đại học đổi mới sáng tạo. Theo mô hình này, sự phát triển của các đại học sẽ có thể tạo ra ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ hơn tới cộng đồng và xã hội; việc chủ động quản lý, ứng dụng và trực tiếp thương mại hóa các tài sản trí tuệ một cách hiệu quả ngay trong khuôn viên đại học đồng thời sẽ giúp các đại học tạo ra giá trị kinh tế, tự chủ tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn tài trợ từ chính phủ và các bên liên quan khác. Hiện nay rất nhiều công nghệ mới nổi, các công nghệ đặc trưng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như AI (trí thông minh nhân tạo); công nghệ chuỗi khối (block chain); dữ liệu lớn (big data); học máy sâu (machine deep learning); IOT (Internet kết nối vạn vật), BIOT (Internet kết nối vạn vật dựa trên dữ liệu lớn) và một loạt các giải pháp công nghệ khác; đặc biệt là quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.



Diễn đàn kết nối đổi mới sáng tạo 2020 (ảnh VISTIP)

 

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu đầu ra của các trường đại học (nguồn nhân lực đã qua đào tạo ở bậc đại học) có đủ khả năng giải quyết các bài toán hiện hữu từ quá trình chuyển đổi số, nhập khẩu, nhận chuyển giao hay đi tắt đón đầu công nghệ vào Việt Nam hay không? Đây là câu hỏi lớn cần có lời giải tổng thể. Trong bối cảnh đó việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa giúp nâng cao khả năng chuyển giao và hấp thụ công nghệ. Theo tổng kết đánh giá từ một số  công trình nghiên cứu của GS Huy, để thực hiện được mục tiêu này, trong chiến lược phát triển đất nước cần có các giải pháp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học cụ thể như:

1. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở bậc đại học và sau đại học;

2. Tạo ra cơ chế, chính sách hợp lý, đồng bộ để thu hút, sử dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao;

3. Đầu tư đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, nhất là đối với các trường đại học định hướng nghiên cứu và các trường đại học định hướng đổi mới sáng tạo;

4. Xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các trường đại học;

5. Nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu làm chủ giải pháp công nghệ tại các doanh nghiệp;

6. Hỗ trợ việc làm chủ và áp dụng công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và các dự án đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp nơi tiếp nhận sinh viên từ cơ sở giáo dục đại học vào làm việc.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Lượt xem: 2460

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)