Chủ nhật, 20/12/2020 23:05 GMT+7

Tổng kết Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016 – 2020

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016 - 2020 (mã số KX.04/16-20) và định hướng Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã tham dự và đồng chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016 - 2020 (mã số KX.04/16-20) và định hướng Chương trình giai đoạn 2021 - 2025.
 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Đây là chương trình khoa học trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn, trước hết là khoa học về lý luận chính trị; phục vụ việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng.

Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, ngay sau Đại hội XII của Đảng, theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Hội đồng Lý luận Trung ương đã sớm triển khai Chương trình này. Việc tổ chức thực hiện được chuẩn bị bài bản từ khâu xây dựng thuyết minh trên cơ sở rà soát, tổng hợp tất cả hệ thống đề tài trước đây, căn cứ vào đó xác định yêu cầu đặt hàng cho các đề tài trong Chương trình.

Nhấn mạnh vấn đề nghiên cứu lý luận chính trị trong giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần tiếp tục làm rõ những nội dung đặt ra, yêu cầu sắp tới cho cả giai đoạn phát triển không chỉ của một nhiệm kỳ, chuẩn bị cho tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, đặt ra tầm nhìn phát triển đến năm 2045. Do đó, Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025 (mã số KX.04/21 - 25) có vai trò đặc biệt quan trọng để hoàn thiện lý luận, đặc biệt là lý luận về đường lối đổi mới của Đảng, về chủ nghĩa xã hội và xây dựng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Báo cáo tổng kết Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016 - 2020 (mã số KX.04/16-20) và định hướng Chương trình giai đoạn 2021 – 2025, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016 - 2020 cho biết, công tác quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình có nhiều điểm đổi mới.

Bám sát chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã xây dựng kế hoạch hoạt động và được cụ thể hóa hàng năm, hàng quý, kịp thời chỉ đạo các đề tài, những nội dung trọng tâm, trọng điểm cần nghiên cứu phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phục vụ Trung ương ra các nghị quyết.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho biết, trên cơ sở định hướng chung và tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý, các cơ quan ban, bộ, ngành…, Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã xây dựng Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, Chương trình sẽ tập trung vào 5 nhóm vấn đề gồm: Những vấn đề lý luận chung; những vấn đề về chính trị; những vấn đề về kinh tế; những vấn đề về văn hóa, xã hội và con người; những vấn đề về quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Tại Hội nghị, các chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình đã trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua đồng thời đề xuất, kiến nghị cho những nghiên cứu cho giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua đã thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa Bộ KH&CN với Hội đồng lý luận trung ương với Ban chủ nhiệm Chương trình.

Thứ trưởng nhấn mạnh, để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, trong bối cảnh đất nước có những thay đổi chuyển biến rất lớn, Chương trình cần đặt ra và giải quyết những vấn đề mới bao quát đầy đủ những lĩnh vực quan trọng về đường lối kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… góp phần nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Về phía Bộ KH&CN sẽ tiếp tục chia sẻ, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi tối đa để Chương trình hoàn thành giai đoạn tới. Thứ trưởng cho biết./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 15378

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)