Báo cáo kết quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 5 năm tiếp theo, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố nhiều chỉ số tích cực về hoạt động này ở các tỉnh, thành vào chiều 3/12. Hoạt động này trong khuôn khổ sự kiện "Kết nối cung - cầu công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2020" (Ba Ria – Vung Tau Techconnect 2020).
Ông Tạ Việt Dũng chia sẻ tại sự kiện, chiều 3/12. Ảnh: Hà An.
Theo ông Dũng, giai đoạn 2011 - 2015 số lượng hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ 11.036 hợp đồng, tổng giá trị 220 tỷ đồng. Sang giai đoạn 2016 - 2020, số lượng hợp đồng tư vấn chuyển giao công nghệ 14.907 hợp đồng, tổng giá trị 290 tỷ đồng, tăng 32%. Theo đánh giá, số lượng hợp đồng nhiều nhưng giá trị không cao, song nó phản ảnh sự cố gắng, nỗ lực của các trung tâm rất lớn.
Tương tự, số lượng công nghệ làm chủ trước đây là 227 công nghệ, nhưng trong 5 năm gần đây số lượng tăng lên thành 357, tăng 57%. Công nghệ sinh học là ngành có số lượng lớn nhất chiếm 42%, nông nghiệp 18%, môi trường 16%...
Số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ giai đoạn 2016-2020 là 840 nhiệm vụ, tổng kinh phí 788 tỷ đồng, tăng trung bình 6% mỗi năm. Kinh phí cấp tỉnh, thành phố chiếm 51%, cấp bộ và quốc gia 28%, cấp cơ sở 21%. Năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19, số lượng nhiệm vụ khoa học công nghệ giảm so với năm 2019 (184 nhiệm vụ so với 210 nhiệm vụ), tuy nhiên so với giá trị trung bình 168 nhiệm vụ khoa học công nghệ trong cả giai đoạn, năm 2020 có sự tăng trưởng lớn hơn so với trung bình.
Về nhân sự làm việc trong các trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ cũng tăng 30% (năm 2015 là 1.374 người (cả viên chức và hợp đồng), năm 2020 là 1.675 người). Lao động có trình đô tiến sĩ tăng 7 người, thạc sĩ tăng 180 người, đại học tăng 218 người... Nhân sự trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ 731 người, chiếm 44% tổng số nhân sự.
Để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, ông Tạ Việt Dũng mong muốn các trung tâm cần chủ động tiếp nhận, lựa chọn kết quả nghiên cứu để hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù của địa phương. Các trung tâm cần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ, tập trung xác định nhu cầu doanh nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu và chuyên gia công nghệ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Đề xuất các ý tưởng nâng cao năng lực các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ, bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Cần Thơ chia sẻ, cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển các công nghệ rất nhanh khiến các trung tâm phải tích cực thể hiện vai trò của mình để nâng cao hoạt động, phục vụ doanh nghiệp.
Theo bà Uyên, hồi cuối tháng 11, trung tâm tổ chức sự kiện kết nối công nghệ từ nguồn xã hội hóa, không dùng ngân sách với 40 gian hàng, ký kết hợp đồng chuyển giao trị giá hơn 40 tỷ đồng. Để phát huy nền kinh tế tri thức và sự tự chủ, bà mong muốn cần đẩy mạnh sự liên kết với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các trung tâm với nhau. Mỗi trung tâm cần lựa chọn lĩnh vực công nghệ chủ lực, dựa trên điều kiện sản xuất, cơ sở vật chất có sẵn để quyết định đầu tư lựa chọn công nghệ chủ lực, cùng với quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ.
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên chia sẻ những góp ý để nâng cao năng lực hoạt động các trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Ảnh: Hà An.
"Hiện chúng tôi tập hợp được hơn 10 chuyên gia với nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc tư vấn, đánh giá công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp", bà Uyên nói và cho biết các trung tâm cần xây dựng chiến lược tầm nhìn ngắn, trung và dài hạn, thích ứng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thực hiện hoạt động trên cơ sở dữ liệu nắm bắt công nghệ chủ lực trong tương lai để xây dựng hoạt động hiệu quả hơn.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Đình Vinh, Giám đốc Trung tâm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Hải Phòng (iSC) cho rằng, mô hình hoạt động của trung tâm phải là mô hình kinh doanh. Đơn vị xác định khách hàng là cơ quan quản lý cấp trên và doanh nghiệp và phải làm họ thỏa mãn, hài lòng, cần xác định rõ như vậy để phục vụ tốt hơn.
Thực tiễn hoạt động của iSC, hướng tới xây dựng sản phẩm dựa trên nhu cầu khách hàng. Hiện, đơn vị có một số sản phẩm chủ lực như lưu trữ giống gà Liên Minh, một loại đặc sản Hải Phòng, giá thành trên 220.000 đồng/kg. Trung tâm sẵn sàng chuyển giao mô hình nuôi gà cho người dân, sau đó hỗ trợ bao tiêu bán ra thị trường. Hai sản phẩm chủ lực khác của iSC là chế phẩm sinh học Neo – polymic xử lý ao nuôi theo hướng bảo vệ môi trường và lưu giữ hơn 100 nguồn gen quý hiếm của địa phương làm cơ sở chuyển giao.
Ông cho rằng, mỗi trung tâm phải chọn được sản phẩm, công nghệ chủ lực, công nghệ và tất cả nguồn lực về con người, tài chính phải đầu tư vào đó để trở thành số một, khi nhắc tới ai cũng sẽ nhớ đến sản phẩm chủ lực gắn với đơn vị, như vậy sẽ thiết thực hơn việc gì cũng làm nhưng không thành công.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, ngoài việc xây dựng sản phẩm chủ lực các trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ cần phát triển công nghệ, dịch vụ sát với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các ngành được ưu tiên phát triển. Đây được coi là đầu bài để các trung tâm triển khai các dịch vụ theo những định hướng đó.
Thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương về Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, các trung tâm hoạt động lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở địa phương được sắp xếp, tinh gọn. Hiện, cả nước có 52 trung tâm được sắp xếp lại, 11 trung tâm đang xây dựng kế hoạch sắp xếp. Trong đó, 20 trung tâm có 3 chức năng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thông tin khoa học công nghệ và tiêu chuẩn đo lường; 24 trung tâm có 2 chức năng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thông tin khoa học công nghệ gộp với tiêu chuẩn đo lường; 19 trung tâm chỉ có chức năng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.
Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/nhieu-chi-so-ung-dung-va-chuyen-giao-cong-nghe-tang-4201142.html