Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Phiên thảo luận “Thúc đẩy hợp tác các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế” tại Diễn đàn.
Kết nối để tạo ra nguồn lực dồi dào cho khởi nghiệp sáng tạo
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng KH-CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, Diễn đàn cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là một hoạt động thường niên của Techfest. Đặc biệt, tại lễ khai mạc Techfest, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều lãnh đạo các bộ, ngành đã dự và đối thoại với các nhà đầu tư, chuyên gia, thanh niên khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Nhà nước, các tổ chức quốc tế với hệ sinh thái khởi nghiệp.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đến nay bước sang giai đoạn mới, cần thúc đẩy hơn nữa sự liên kết, kết nối để tận dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng KH-CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Theo Thứ trưởng, để có được sự kết nối chặt chẽ không thể thiếu vai trò trung tâm là yếu tố con người - điều này rất thuận lợi khi Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, dư địa tăng trưởng lớn, nếu áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh, bắt kịp với thế giới. Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, đồng thời, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia tốt nhất trên thế giới.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ. Trong đó, có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Các con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái.
Trong thời gian gần đây, Bộ KH-CN đang cùng các trường đại học xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo ngay trong trường đại học, trung tâm kỹ thuật hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ những người làm khởi nghiệp nhằm rút ngắn thời gian hình thành sản phẩm mẫu và sớm đưa vào doanh nghiệp của mình.
“Mỗi trường đại học, mỗi tập đoàn, mỗi tổ chức hỗ trợ cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của riêng mình, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong điều hành, quản trị; kết nối các mạng lưới chuyên gia, cựu sinh viên, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với doanh nghiệp và khách hàng, đẩy mạnh nghiên cứu mang tính ứng dụng, xuất phát từ quan điểm và nhu cầu của khách hàng. Và trên hết, chúng ta cần liên kết các hệ sinh thái này lại với nhau để tạo ra nguồn lực dồi dào cho khởi nghiệp sáng tạo”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng kêu gọi.
Khởi nghiệp sáng tạo là động cơ để kinh tế phát triển bền vững
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Diễn đàn.
Tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, chưa bao giờ doanh nhân Việt lại bàn nhiều và thực sự đau đáu về các mô hình phát triển, về quản trị rủi ro, đổi mới sáng tạo như bây giờ. Dịch Covid-19 thời gian qua giống như một phép thử, có thể tạo ra những thay đổi lớn trong giới kinh doanh Việt. Vì thế, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở thời điểm hiện tại rất đặc biệt.
“Khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là động cơ chính để kinh tế đất nước phát triển bền vững. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ là yêu cầu thành lập nhiều doanh nghiệp mới mà còn là yêu cầu làm mới với tất cả các doanh nghiệp đang tồn tại. Đặc biệt khởi nghiệp sáng tạo là mệnh lệnh của kỷ nguyên số”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết thêm, từ năm 2019, Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp quốc gia là đơn vị đề cử và tổ chức Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu; đã ký kết hợp tác với một số đối tác của cộng đồng Pháp ngữ, mạng lưới trí thức Việt Nam tại hải ngoại để mở rộng và kết nối với các nhà khoa học và đầu tư quốc tế.
Hiện tại VCCI đang tập hợp được đội ngũ chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam để triển khai các hoạt động khởi nghiệp chuyên sâu và cao cấp. Bên cạnh đó, năm 2020, UNDP của Liên hiệp quốc đã thông qua sự tài trợ từ Quỹ Thịnh vượng Anh, phối hợp với Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp quốc gia của VCCI để triển khai một số nội dung mới cho khởi nghiệp, trong đẩy mạnh việc xây dựng bộ tiêu chí về kinh doanh liêm chính cho nhà đầu tư và startup, đào tạo kinh doanh liêm chính cho các giảng viên, cố vấn khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.
Tại diễn đàn, bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thụy Điển để quốc gia này trở thành một trong những quốc gia mạnh về đổi mới sáng tạo hiện nay. Thụy Điển đã xây dựng những hệ sinh thái số hóa tiên phong, Thụy Điển là quốc gia thanh toán không dùng tiền mặt nhiều nhất trên thế giới. Thụy Điển mong muốn và tham vọng xây dựng các doanh nghiệp công nghệ quy mô trên toàn cầu.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi khả năng thích ứng và bắt kịp các xu hướng công nghệ mới, phương thức mới trên thế giới, vì vậy, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể hợp tác, kết nối với các tập đoàn lớn cũng như với những tổ chức kết nối hỗ trợ start-up.
Bà Caitlin Wiesen, đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Caitlin Wiesen, đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, chủ đề Thích ứng – Chuyển đổi – Bứt phá của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2020 là chủ đề đúng thời điểm. Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, làm ảnh hưởng sâu sắc đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Theo bà Caitlin Wiesen, Covid-19 không chỉ là đại dịch mà là cơ hội cho các doanh nghiệp thay đổi mô hình đổi mới sáng tạo. Việt Nam trở thành thí dụ điển hình trong thu hút mối quan tâm đầu tư toàn cầu trong dịch Covid-19.
Để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, UNDP cùng Chính phủ Việt Nam đã thảo luận và đưa ra các chính sách kiến tạo như vườn ươn đổi mới sáng tạo, nhiều chương trình, giải pháp trong tài chính, giáo dục, môi trường, tạo điều kiện cho các vườn ươm phát triển, đồng thời đưa ra các giải pháp giúp các nhân viên y tế tuyến đầu tránh nguy cơ nhiễm virus. Mô hình này dã triển khai rất thành công trong đợt dịch ở Đà Nẵng…
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung liên quan: Mạng lưới trí tuệ Việt hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vai trò của tập đoàn công nghệ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp từ góc nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Đặc biệt, tập trung việc thúc đẩy hợp tác các nguồn lực, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.
Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2020 (Techfest Việt Nam 2020) diễn ra từ 26 đến 29-11 tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất hội tụ các cá nhân, tổ chức, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, quốc tế dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ KH-CN phối hợp các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.
Có gần 300 gian hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu, 40 hoạt động hội nghị, hội thảo diễn ra tại Techfest năm nay.
Liên kết nguồn tin:
https://nhandan.com.vn/khoa-hoc/dien-dan-cap-cao-ket-noi-nguon-luc-ho-tro-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-626138/