Thứ ba, 01/12/2020 16:15 GMT+7

Các trụ cột của đô thị thông minh và việc tham vấn tính chọn các trụ cột phù hợp với việc xây dựng phát triển thành phố thông minh

Vừa qua, tại Diễn đàn đô thị thông minh ASEAN 2020 tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các quốc gia, nền kinh tế trong khu vực ASEAN và chuyên gia công nghệ đến từ các quốc gia khác đã cùng nhau chia sẻ quan điểm về tổng hòa các trụ cột của đô thị thông minh.

Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra sáu lĩnh vực chính liên quan đến đô thị thông minh sau đây:

- Thứ nhất, công dân thông minh

- Thứ hai, giao thông/di chuyển thông minh

- Thứ ba, môi trường thông minh

- Thứ tư, kinh tế thông minh

- Thứ năm, quản trị thông minh

- Thứ sáu, cuộc sống thông minh



Hội thảo chuyên đề 1:  Quy hoạch và quản lý đô thị thông minh trong chiến lược đô thị hóa và phát triển đô thị, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN năm 2020 (ảnh VISTIP)

 

Trong mỗi lĩnh vực cụ thể đã nêu, các thành phố sẽ cụ thể hóa thành các mục tiêu để xác định được đích đến và phương thức, kế hoạch hành động để đạt tới các mục tiêu đã xác định.

1. Công dân thông minh: Là những cải tiến liên tục về năng lực và trình độ của dân cư thành phố thông qua những cải tiến liên tục về năng lực trình độ của cư dân thành phố trong tất cả các giai đoạn của cuộc sống và sự nghiệp. Đó là kết quả cuối cùng về chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động gắn với chất lượng sống của công dân. Bất kỳ một công dân nào sống trong một đô thị thông minh cũng muốn phát triển một thị trường lao động thích ứng và linh hoạt đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động biến động nhanh của xã hội, với hệ thống giáo dục phát triển, học tập suốt đời. Công dân thông minh cũng đóng góp vào việc phát triển xã hội bằng cách thúc đẩy đối thoại kinh tế - xã hội, tham gia vào các hoạt động xã hội, đời sống công cộng, giao tiếp xã hội, sử dụng tiềm năng văn hóa và sáng tạo phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch.

2. Giao thông/ di chuyển thông minh: Tăng khả năng ứng dụng công nghệ giải quyết bài toán tối ưu hóa vận tải và giao thông công cộng, cung cấp các tiện ích công cộng cho người sử dụng trong các đô thị thông minh. Hướng tới việc tạo điều kiện cho các công dân với việc di chuyển nhanh hơn, rẻ hơn và thân thiện với môi trường thông qua việc cải thiện cung cấp quyền truy cập thông tin giao thông và di chuyển tối ưu; xây dựng hệ thống giao thông nói chung và giao thông công cộng nói riêng đáp ứng được tất cả các nhu cầu của tất cả người dân, hướng người dân tới các hệ thống giao thông thân thiện với môi trường. Điều này đòi hỏi phải thực hiện các giải pháp cung cấp, quản lý mạng lưới giao thông đa phương tiện tốt hơn và nâng cao khả năng kết nối cũng như chất lượng của hệ thống giao thông công cộng. Việc di chuyển bằng tất cả phương thức vận tải được tạo điều kiện tốt nhất, giảm tắc nghẽn giao thông, tăng khả năng vận chuyển trong thành phố và giảm lượng khí thải độc hại với môi trường gây ảnh hưởng hiệu ứng nhà kính.

3. Môi trường thông minh: Hướng tới mục tiêu duy trì sự cân bằng trong hệ sinh thái. Điều này đòi hỏi phải quản lý hiệu quả và toàn diện các nguồn tài nguyên môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển các kỹ năng để ngăn ngừa và giảm thiểu tác động môi trường tiêu cực của hoạt động kinh tế. Môi trường thông minh cũng có nghĩa là đảm bảo an ninh sinh thái của cơ sở hạ tầng xã hội và người dân bằng cách cải thiện chất lượng môi trường, liên tục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giá trị cảnh quan, khôi phục và phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái. Môi trường thông minh cũng thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ liên quan đến cải thiện hiệu quả năng lượng, cải thiện an ninh năng lượng và nhiên liệu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và giảm tác động môi trường của năng lượng phát thải. Đô thị thông minh gắn bó chặt chẽ với ý tưởng thành phố sinh thái là khái niệm trung tâm của đô thị xanh.

4. Kinh tế thông minh: Được hiểu là nền kinh tế dựa trên sự đổi mới sáng tạo tinh thần kinh doanh, năng suất cao, linh hoạt trong thị trường lao động, cởi mở với hợp tác quốc tế và liên khu vực và khả năng thay đổi và thích ứng với thay đổi. Nói cách khác, theo cách tiếp cận kinh tế thông minh, một nền kinh tế dựa trên tri thức mới, trong đó động lực của sự phát triển là đổi mới và công nghệ thông tin hiện đại bao gồm: cạnh tranh toàn cầu, cải tiến công nghệ và cải tiến tổ chức liên tục.

5. Quản trị thông minh: Được hiểu là quản lý công và dịch vụ công thông minh, trong đó tầm quan trọng cao dành cho sự tham gia của công chúng vào việc ra quyết định và minh bạch các hành động cũng như chất lượng và tính sẵn có của các dịch vụ công. Quản trị thông minh là một quá trình tìm ra một sự cân bằng trong phát triển giữa các yêu cầu môi trường, áp lực xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống và các giải pháp công nghệ sẵn có tại địa phương.

6. Cuộc sống thông minh: Được hiểu là một nỗ lực để tạo ra một hệ thống hiệu quả của không gian công cộng đô thị chất lượng cao. Không gian đô thị hấp dẫn và thân thiện với mọi người, kết hợp hài hòa các chủ đề và phong cách khác nhau, phong phú đa dạng nhưng tạo thành một tổng thể mạch lạc thống nhất. Cuộc sống thông minh gắn với việc phấn đấu xây dựng các hệ thống không gian công cộng địa phương được sử dụng để thực hiện các chức năng về xã hội, y tế, văn hóa, thể thao và giải trí. Một trong các mục tiêu của cuộc sống thông minh là tạo ra một không gian an toàn và thân thiện cho nhóm người dễ tổn thương hơn trong môi trường đô thị, với môi trường không khí và nước sạch hơn, nhiều khu vực xanh, vườn cây và công viên cùng với các tòa nhà chất lượng cao thân thiện với con người và tiết kiệm năng lượng.

Nói tóm lại, sáu trụ cột chính được các diễn giả thảo luận và theo các kết quả nghiên cứu đều hướng tới mục tiêu mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, trong đó có đôi khi phương tiện để đạt được mục tiêu này đồng thời giúp thành phố hướng tới các mục tiêu khác. Ví dụ việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và khí thải gây ô nhiễm môi trường có thể thực hiện bằng cách sử dụng năng lượng một cách thông minh, hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tri thức của người dân cũng đồng thời góp phần vào việc xây dựng hệ thống thông minh nào cũng đòi hỏi phải có một cách tiếp cận thông minh.

Đâu là bài học cho việc lựa chọn trụ cột ưu tiên?

Trên thực tế, không có nhiều thành phố triển khai đồng thời tất cả các trụ cột của đô thị thông minh cùng một lúc vì các vấn đề liên quan về vốn, các vấn đề ưu tiên của mỗi thành phố cũng như tính đồng bộ của trụ cột. Trên thế giới, hiện chỉ có một số ít các thành phố được xây dựng hoàn toàn có thể triển khai toàn bộ các trụ cột của đô thị thông minh cùng một lúc nhưng chưa thực sự hiệu quả và đáp ứng được quy mô do mức sống dân cư chuyển đến chưa thực sự đáp ứng được chi phí duy trì đô thị thông minh nếu đầu tư đồng bộ, ví dụ: khu đông thị thông minh SONGDO.



Chuyên gia đến từ tổ chức K- Water chia sẻ thông tin Phát triển dự án đô thị thông minh Busan- Hàn Quốc (Ảnh VISTIP)



Các chuyên gia và đại biểu thảo luận chuyên đề Đổi mới sáng tạo đô thị bền vững tại hội thảo chuyên đề 1 (Ảnh VISTIP)

 

Công nghệ sẽ không thể biến thành phố trở nên thông minh hơn nếu không phù hợp với mức sống và nhu cầu của cư dân, chính quyền, khách hàng cũng như người dùng. Bởi vậy khi xác định nguyên tắc tiếp cận xây dựng đô thị thông minh hiện nay ngày càng dựa trên nhu cầu của người dân nhiều hơn. Cách tiếp cận cơ bản là đưa ra các dịch vụ thông minh nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và thu nhập, lắng nghe ý kiến của người dân về những dịch vụ này nhằm liên tục cải thiện chất lượng phục vụ. Căn cứ vào nhu cầu của người dân trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, các thành phố xác định được các mục tiêu của mình khi xây dựng đô thị thông minh. Sau khi đã xác định được trụ cột nào khi xây dựng đô thị thông minh để triển khai theo thứ tự ưu tiên. Để làm được điều này cần chú ý những vấn đề sau:

Thứ nhất: Có một số trụ cột chính để xây dựng đô thị thông minh. Việc xác định lựa chọn trụ cột hạ tầng nào nên được gắn với một trong số các trụ cột chính đã nêu ở trên, một lựa chọn hạ tầng thông minh có thể đóng góp vào một hoặc một vài mục tiêu khi xây dựng đô thị thông minh của thành phố;

Thứ hai: Lựa chọn trụ cột ưu tiên nào để xây dựng hệ thống thông minh phải dựa trên thứ tự ưu tiên và sự khả thi về công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực;

Thứ ba: Sau khi được lựa chọn, cần phải triển khai dự án hạ tầng thông minh trước hết ở quy mô nhỏ sau khi thành công và đúc rút được những kinh nghiệm đã triển khai thực tế mới triển khai ở quy mô rộng hơn của toàn thành phố hoặc khu vực nội đô của thành phố;

Thứ tư: Không nhất thiết phải giới hạn những mục tiêu của việc xây dựng đô thị thông minh vào trụ cột hạ tầng thông minh nhất định mà hoàn toàn có thể xác định một mục tiêu gắn với một vài trụ cột hạ tầng thông minh để có thể xây dựng một hệ thống thông minh đồng bộ nhằm đạt được mục tiêu này.

Thứ năm: mục tiêu đặt ra của các dự án thông minh trong đô thị thông minh phải phù hợp với mục tiêu phát triển chung của thành phố đã được đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, trong các quy hoạch của địa phương.


(Bài tổng hợp từ Diễn đàn đô thị thông minh ASEAN 2020; chuyên mục “ Xây dựng và phát triển đô thị thông minh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”)

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Lượt xem: 2536

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)