Bà Chu Thị Bích Thủy đã báo cáo tổng quan về hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua, trong đó có những kết quả nổi bật của Sở KH&CN như: tham mưu cho các cấp lãnh đạo ban hành hệ thống văn bản để triển khai hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về SHTT tại địa phương; lồng ghép việc triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trong các chương trình, kế hoạch khoa học - công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHTT, v.v. Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ tạo lập nhãn hiệu tập thể cho 13 sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh như chè xanh Phú Hộ, rau an toàn Tứ Xã, chè Dốc Đen, nón lá Sai Nga, cá lồng Sông Lô Phú Thọ, nếp gà gáy Mỹ Lung, v.v..
Kết quả là, nhận thức của doanh nghiệp và người dân về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, hàng hóa được nâng cao, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Thủy Trọng, Giám đốc Sở cũng đề cập đến những khó khăn, bất cập còn tồn tại trong thời gian qua và thách thức trong tương lai khi triển khai hoạt động quản lý nhà nước về SHTT về sở hữu trí tuệ ở địa phương, đặc biệt là việc giải quyết tình trạng xâm phạm quyền SHTT đối với chỉ dẫn địa lý Đoan Hùng đã được bảo hộ cho sản phẩm bưởi quả.
Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ thúc đẩy việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển tài sản cho giai đoạn mới để làm cơ sở cho hoạt động sở hữu trí tuệ ở địa phương, hỗ trợ để xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp kịp thời cũng như trao đổi, cung cấp thông tin về sở hữu công nghiệp, tăng cường hỗ trợ khai thác sáng chế,...
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Phú Thọ đạt được trong thời gian qua trong việc triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, các hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương, góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ nỗ lực để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng.
Lãnh đạo Cục SHTT và Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ đều nhất trí cao trong việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai cơ quan để góp phần xây dựng hệ thống SHTT toàn diện hơn. Cục SHTT mong muốn nhận được sự góp ý của Sở KH&CN trong các vấn đề quan trọng liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật SHTT, triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030,…
Trước đó, tại Lễ khai mạc Hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh Phú Thọ năm 2020, Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Phú Thọ cho sản phẩm chè với sự có mặt của ông Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, huyện, thành, thị của tỉnh../.
Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ làm việc với Lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ cho ông Nguyễn Thủy Trọng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ (Ảnh: Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ)