Thứ hai, 30/11/2020 16:36 GMT+7

Chiếu xạ kiểm dịch bảo đảm năng lực xuất khẩu trái cây của Việt Nam

Nhiều người có thể ngạc nhiên và lo ngại khi thấy một quả xoài ngon được dán nhãn “đã chiếu xạ”, song chính nhãn mác này đã đảm bảo cho 20 triệu USD trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ mỗi năm. Sử dụng chiếu xạ kiểm soát phát tán côn trùng từ trái cây đã trở thành phương pháp cần thiết cho sự việc thương mại các sản phẩm này, và Việt Nam, với sự giúp đỡ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), đang có kế hoạch mở rộng dịch vụ nhằm tạo ưu thế cạnh tranh trong các thị trường khác.

Chiếu xạ được sử dụng ngày càng phổ biến để kiểm dịch trái cây trước khi xuất khẩu. Đây là một giải pháp thân thiện môi trường thay cho các biện pháp xử lý bằng hóa chất (Ảnh: D. Calma / IAEA)


Trong nhiều thập kỷ qua, chiếu xạ thực phẩm được sử dụng để kiểm dịch thực vật và kéo dài thời hạn sử dụng của các sản phẩm nông nghiệp như gia vị, thảo mộc khô và rau thơm. Nếu sản phẩm không được xử lý cẩn thận, các côn trùng và vi sinh vật gây hại có thể xâm nhập vào các mặt hàng xuất khẩu và di chuyển tới các nước khác trong quá trình thương mại, gây thiệt hại cho sản xuất lương thực thực phẩm và ảnh hưởng xấu tới môi trường địa phương khi chúng sinh sản và lây lan ở trong quốc gia nhập khẩu.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam cho biết: “Chúng tôi áp dụng chiếu xạ thực phẩm bởi công nghệ này giúp giảm tổn thất thực phẩm do hư hỏng và tạo thuận lợi cho xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp”. Những mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu bao gồm trái cây đặc sản của địa phương như xoài, thanh long, vải,… và các loại hải sản như tôm, hàu tươi và đông lạnh.

Hiện nay, trên toàn thế giới có tới hàng trăm cơ sở ứng dụng bức xạ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và ít nhất 60 cơ sở đang triển khai ứng dụng công nghệ chiếu xạ thực phẩm. Các cơ sở này luôn tuân thủ áp dụng mức độ bức xạ thấp để tiêu diệt các vi sinh vật có thể làm hỏng thực phẩm, chẳng hạn như vi khuẩn hoặc nấm. Chiếu xạ liều thấp cũng được áp dụng để làm bất dục côn trùng và ngăn chúng sinh sản.

Xử lý kiểm dịch thực vật là điều kiện tiên quyết trong thương mại toàn cầu nhằm đảm bảo sản phẩm không bị nhiễm một số loài côn trùng gây hại, đặc biệt với các sản phẩm rau quả tươi. Chẳng hạn, việc phát hiện một con ruồi giấm Địa Trung Hải trong một thùng chứa nông sản có thể dẫn đến lệnh cấm nhập khẩu ngay lập tức và gây nên ảnh hưởng tài chính nghiêm trọng cho các nước xuất khẩu. Các phương pháp xử lý thông thường như diệt côn trùng bằng hóa chất có thể để lại dư lượng gây hại cho con người và môi trường, hoặc xử lý nhiệt có thể làm thay đổi mùi vị và kết cấu của sản phẩm. Chiếu xạ sử dụng tia gamma, chùm tia điện tử hoặc tia X liều thấp (dưới 10 kGy) có thể xử lý một lượng lớn thực phẩm mà không làm giảm chất lượng cũng như gây rủi ro cho người tiêu dùng.

IAEA đã hỗ trợ phát triển chiếu xạ như một biện pháp kiểm dịch thực vật trong nhiều thập kỷ thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật, nhưng phương pháp này chậm được triển khai trên thị trường trái cây thương mại, bởi các doanh nghiệp trong ngành nhận thấy có khả năng có phản ứng tiêu cực từ phía người tiêu dùng, do họ chưa hiểu hết về ưu điểm và tính lành của thực phẩm chiếu xạ. Điều này đang dần thay đổi trong những năm gần đây. Ông Carl Blackburn, chuyên gia chiếu xạ thực phẩm thuộc Chương trình Phối hợp FAO/IAEA về các kỹ thuật Hạt nhân trong Thực phẩm và Nông nghiệp cho biết: người tiêu dùng hiện rất nhiệt tình hưởng ứng sử dụng các loại trái cây ngon và đẹp mắt, sẵn có quanh năm, và không chứa dư lượng hóa chất hoặc không gây tổn hại đến môi trường.
 

Các công nhân ở Việt Nam đang xếp các thùng trái cây trước chiếu xạ. Đây là một quá trình diệt và kiểm soát côn trùng mà vẫn giữ nguyên trái cây trong các thùng sản phẩm. (Ảnh: Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Việt Nam)
 

Các quốc gia xuất khẩu trái cây lớn như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đang sử dụng phương pháp chiếu xạ thực phẩm giống như cách mà các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc và New Zealand đã sử dụng nhằm đảm bảo an toàn cho sản phẩm nhập khẩu.

Ông Blackburn cho biết thêm: “Chiếu xạ không gây ảnh hưởng đến trái cây nhưng có thể tiêu diệt côn trùng gây hại. Việc xử lý được tối ưu để vô hiệu hóa côn trùng trong khi vẫn đảm bảo hầu hết các chất dinh dưỡng không bị thay đổi và ít gây ảnh hưởng đến hương vị, kết cấu và màu sắc trái cây".

Các chuyên gia ở Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu về chiếu xạ thực phẩm vào cuối những năm 1990 với sự trợ giúp của IAEA, và hiện nay cả nước có 11 cơ sở nghiên cứu và ứng dụng. Tia gamma được sử dụng phổ biến nhất và có thể xử lý khoảng 1 tấn trái cây mỗi giờ. Năm ngoái, khoảng 200 tấn trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam được chiếu xạ mỗi tuần bằng tia gamma và tia X.

Năm nay, một cơ sở chiếu xạ của Việt Nam (Trung tâm chiếu xạ Hà Nội) đã nhận được đơn hàng xử lý 100 tấn vải tươi xuất khẩu sang Úc, và hiện quốc gia này đang có kế hoạch mở rộng dịch vụ chiếu xạ kiểm dịch quả bưởi và chanh leo, cũng như rau quả và thủy sản đông lạnh phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu bày tỏ sự quan tâm đến chiếu xạ thực phẩm đối với trái cây, nhưng theo ông Blackburn, khó khăn lớn nhất mà các nước đang phải đối mặt hiện nay là vấn đề về năng lực và việc đảm bảo cung cấp đủ dịch vụ chiếu xạ: “Chúng tôi thấy rằng có nhu cầu chiếu xạ trái cây, nhưng để được chiếu xạ, các loại trái cây tươi theo mùa đang phải cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp khác và dụng cụ y tế, loại hàng hóa được chiếu xạ thường xuyên tại cơ sở.”

Gia tăng ứng dụng chùm tia điện tử để chiếu xạ

Ông Blackburn cho biết việc sử dụng bức xạ được tạo ra bởi dòng điện, chẳng hạn như chùm tia điện tử, và những tiến bộ trong công nghệ chiếu xạ có thể làm cho quá trình này tiết kiệm và dễ dàng hơn. Không giống như tia gamma phát ra liên tục từ nguồn phóng xạ, chùm tia điện tử và tia X khi cần dùng chiếu xạ thì chỉ cần bật máy lên là có thể sử dụng để chiếu xạ khi trái cây vào mùa, giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời làm giảm lo ngại về vấn đề an toàn và an ninh liên quan đến việc sử dụng các nguồn phóng xạ. Việt Nam có kế hoạch tiến tới xây dựng các cơ sở chiếu xạ mới sử dụng chùm tia điện tử và tia X.

Các thiết bị chiếu xạ di động có thể được áp dụng để tăng lợi thế cạnh tranh thương mại của phương pháp này bởi chúng có thể được sử dụng trực tiếp tại dây chuyền đóng gói của nhà máy trái cây. Ông Blackburn cho biết: “Hiện tại, chúng ta phải đưa thực phẩm đến cơ sở chiếu xạ nhưng trong tương lai, chúng tôi hy vọng  có thể đưa thiết bị chiếu xạ thực phẩm trở thành một phần trong quá trình vận hành thông thường. Các thiết bị chiếu xạ di động sử dụng chùm tia điện tử như vậy có kích thước bằng một chiếc ô tô nhỏ và đang được thử nghiệm để chiếu xạ gia vị ở một số quốc gia”.

Hiện nay, IAEA tiếp tục hợp tác với FAO nhằm giúp các quốc gia sử dụng các kỹ thuật hạt nhân để cải thiện an toàn thực phẩm và tăng năng suất nông nghiệp nhằm đảm bảo phát triển bền vững theo nhiều cách khác nhau./.

Biên dịch, Nguồn: https://www.iaea.org/newscenter/news/irradiation-secures-viet-nams-fruit-exports

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 7006

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)