Dự án được thực hiện trên cơ sở tiếp nối kết quả thực hiện Dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển CSDL thông tin trực tuyến về đối tượng SHCN và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa” với sản phẩm là Nền tảng dữ liệu và dịch vụ SHCN – Nền tảng IPPlatform đang được vận hành trên trang web https://ipplatform.gov.vn.
Dự án được triển khai nhằm mục tiêu: (i) Đào tạo, bồi dưỡng cho các doanh nghiệp về khía cạnh kinh tế, kỹ thuật, pháp lý liên quan tới việc tạo dựng, xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và quản trị tài sản trí tuệ (TSTT); (ii) Tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc khai thác thông tin SHTT, tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ, gia hạn hoặc duy trì hiệu lực, thương mại hoá TSTT, bảo vệ quyền SHTT và tổ chức quản trị TSTT.
Tham dự Hội nghị về phía Ban chủ nhiệm Chương trình 2075 có TS. Tạ Bá Hưng - Chủ nhiệm Chương trình 2075; về phía Viện KHSHTT có TS. Tạ Quang Minh - Viện trưởng Viện KHSHTT, TS. Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện KHSHTT; tham dự Hội nghị còn có đại diện của các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN (Cục Công tác phía Nam, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Cục Sở hữu trí tuệ …), đại diện của các Sở KH&CN, các cơ quan quản lý, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức trung gian, hiệp hội và các doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp được hỗ trợ từ Dự án.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Tạ Bá Hưng – Chủ nhiệm chương trình 2075 cho biết, những năm trước đây, hoạt động SHTT tại Việt Nam chưa thật sự hiệu quả. Số lượng đơn đăng ký còn ít, khai thác sáng chế, sử dụng nhãn hiệu chưa cao, ít nhãn hiệu, thương hiệu có giá trị lớn trên thế giới. Nguyên nhân là do nhận thức của doanh nghiệp về SHTT chưa đầy đủ và doanh nghiệp chưa hoặc không có chuyên gia hỗ trợ tạo dựng, quản trị, khai thác, sử dụng và phát triển các TSTT đã được bảo hộ. Chính vì vậy, Dự án “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị TSTT ở trong và ngoài nước” do Viện KHSHTT thực hiện đóng vai trò rất quan trọng góp phần phổ biến nâng cao kiến thức cho doanh nghiệp về quản trị TSTT, tăng số lượng các TSTT được bảo hộ làm cho nguồn cung (đầu vào) của thị trường KH&CN ngày càng phong phú.
Sau hơn 2 năm triển khai, Đơn vị chủ trì đã hoàn thành các nội dung sau: Tổ chức 7 lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản trị TSTT với 350 học viên là cán bộ quản lý, cán bộ pháp lý/tư vấn, cán bộ kỹ thuật, cán bộ kinh doanh thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp/tổ chức KH&CN, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức trung gian/hiệp hội; Tư vấn cho 3.000 lượt doanh nghiệp về việc tạo dựng, xác lập, bảo vệ quyền SHTT, thương mại hóa TSTT và quản trị TSTT thông qua các hình thức tư vấn qua điện thoại, tư vấn trực tiếp và tư vấn chuyên gia; Hỗ trợ 300 lượt doanh nghiệp về khai thác (tra cứu) thông tin SHCN, đăng ký bảo hộ, bảo vệ quyền SHTT, thương mại hóa TSTT và quản trị TSTT; Xây dựng Bộ câu hỏi đáp về SHTT phục vụ hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp về SHTT; Xuất bản 1.500 cuốn Sổ tay hướng dẫn về quản trị TSTT cho doanh nghiệp…
Với những kết quả đạt được, Dự án góp phần cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản về tổ chức, triển khai hoạt động quản trị TSTT để doanh nghiệp ứng dụng vào thực tiễn sản xuất/kinh doanh; Cung cấp thông tin và tư vấn cần thiết cho doanh nghiệp giúp đưa ra các quyết định liên quan đến TSTT của mình trong thời hạn quy định và các thủ tục liên quan đến duy trì, gia hạn, chuyển giao quyền SHCN…; Tư vấn, cung cấp thông tin kịp thời, tin cậy về tình trạng pháp lý của TSTT cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường KH&CN; Giúp các doanh nghiệp giảm thiểu được rủi ro khi tham gia thị trường KH&CN thông qua việc tư vấn, đánh giá khả năng bảo hộ quyền SHCN, khả năng xâm phạm quyền trước khi đưa đối tượng vào sử dụng, các rủi ro khi tham gia hoạt động giao dịch, mua bán công nghệ, chuyển nhượng, lixăng quyền SHTT; Giúp các doanh nghiệp bảo hộ và bảo vệ được TSTT, tránh được các rủi ro và thiệt hại đáng tiếc trong quá trình khai thác và thương mại hóa quyền SHTT; Giúp các doanh nghiệp có thể tự mình thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ, gia hạn, duy trì hiệu lực, chuyển giao, chuyển nhượng quyền SHTT, khai thác và thương mại hóa quyền SHTT, quản trị TSTT…; Làm tăng số lượng TSTT được bảo hộ, làm cho nguồn cung (đầu vào) của thị trường khoa học công nghệ ngày càng phong phú hơn; Giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc việc tạo dựng và phát triển TSTT, xác lập quyền SHTT, khai thác/thương mại hóa TSTT, bảo vệ TSTT và quản trị TSTT và chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin SHCN phục vụ việc nghiên cứu và triển khai việc thương mại hóa TSTT, đặc biệt là sáng chế, điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.