Tham dự buổi khai mạc lớp tập huấn có ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; bà Vũ Thị Thu Lan, Phó Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ; các báo cáo viên từ Cục Sở hữu trí tuệ, cùng các đại biểu đến từ các viện, trường thành viên Mạng lưới TISC và IP-HUB khu vực phía Bắc và miền Trung.
Khai mạc Lớp tập huấn, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã trình bày vắn tắt về nguồn gốc ra đời và vai trò của Mạng lưới TISC trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Nhằm hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tiếp cận với thông tin khoa học công nghệ, thông tin sáng chế chất lượng cao và các dịch vụ liên quan, thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đăng ký xác lập quyền cho sáng chế và chuyển giao công nghệ thành công, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã khởi xướng xây dựng Mạng lưới TISC (Technology and Innovation Support Centers - các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo mà ở VN còn gọi là các Trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ) trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay số lượng Thành viên của Mạng lưới TISC Việt Nam đã lên khoảng 50 đơn vị, phần lớn đều ở giai đoạn tạo cơ cấu và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách.
Vì vậy, Cục Sở hữu trí tuệ đã thiết kế các khóa tập huấn theo hình thức Mođun để bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các thành viên Mạng lưới, cũng như tạo cơ hội gắn kết các thành viên Mạng lưới với nhau trong hoạt động sở hữu trí tuệ. Năm 2019 Cục đã tổ chức 10 Mô-đun tập huấn về: Tổng quan về các đối tượng sở hữu trí tuệ và Thủ tục đăng ký sáng chế; Khai thác thông tin sáng chế trong các lĩnh vực kỹ thuật khác nhau; Tổng quan về Chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Tiếp theo sự thành công của 10 Môđun tập huấn năm 2019, năm 2020 Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục tổ chức các Lớp tập huấn Môđun từ 11-15 (tháng 11/2020: Môđun 11-13, tháng 12/2020: Môđun 14-15) cho các viện nghiên cứu/ trường đại học/ doanh nghiệp trong Mạng lưới TISC và IP-HUB tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Nội dung chương trình của Môđun 11-13 bao gồm:
Môđun 11 - Quy trình khai báo và xác định vấn đề đăng ký sáng chế từ kết quả nghiên cứu;
Môđun 12 - Chiến lược xây dựng phạm vi bảo hộ của sáng chế;
Môđun 13 - Soạn thảo Hợp đồng chuyển giao công nghệ.
|
Các Môđun 11 và 12 được trình bày bởi các báo cáo viên từ Trung tâm Thông tin sở hữu công nghiệp và Trung tâm Thẩm định Sáng chế- Cục Sở hữu trí tuệ, nhấn mạnh vào quy trình khai báo thông tin phục vụ đăng ký sáng chế, các kỹ năng cần có của người làm công tác sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở viện/trường, các chiến lược để xây dựng được yêu cầu bảo hộ mạnh, có tính bảo vệ cao dựa trên kết quả tra cứu thông tin về tình trạng kỹ thuật của sáng chế. Môđun 13 về Hợp đồng chuyển giao công nghệ được PGS. TS Trần Văn Hải, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày, với các vấn đề cần lưu ý trong các trường hợp chuyển giao công nghệ cho đối tác trong nước và nước ngoài.
Tiếp theo Lớp tập huấn tại Hà Nội, Lớp tập huấn Môđun 11-13 tại TP Hồ Chí Minh sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tổ chức trong ba ngày 12-14 tháng 11 năm 2020.