Thứ sáu, 11/09/2020 16:18 GMT+7

Cam kết tăng đầu tư thích đáng cho KH&CN

Ngày 10/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có buổi làm việc để đánh giá kết quả phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020, định hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.

Tham gia buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan hai Bộ.
 

Hai Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì buổi làm việc

Dấu ấn KH&CN có sự đóng góp đồng hành không nhỏ của Bộ KH&ĐT

Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính Nguyễn Nam Hải cho biết: 5 năm qua KHCN đã có nhiều đóng góp vào phát triển KT-XH thể hiện qua chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tỷ trọng các sản phẩm công nghệ trong tỷ trọng xuất khẩu đạt gần 50%, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng, từ vị trí 59 lên 42 năm 2020. Kết quả này có sự chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp của các bộ ngành, sự đồng hành của Bộ KH&ĐT góp phần phát huy tiềm năng của ngành, lĩnh vực KH&CN phục vụ phát triển KT-XH theo hướng chuyển dịch về mô hình tăng trưởng thông qua chuỗi giá trị.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, hướng đầu tư cho giai đoạn tới tập trung vào Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) gắn vào sản phẩm, công nghệ, doanh nghiệp, lượng hóa kết quả nghiên cứu KH&CN đưa vào trong sản xuất đời sống, tăng năng suất chất lượng. Vì vậy các nhóm dự án cũng theo hướng này phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp và sự kết nối, phát triển, làm chủ công nghệ trong nước.

Nhiều chia sẻ của lãnh đạo các đơn vị thuộc 2 Bộ đưa ra về định hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025, tựu chung đều thể hiện mục tiêu huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KH&CN. Các đại biểu thống nhất cần tạo mọi nguồn lực để thúc đẩy KH,CN&ĐMST phát triển.

Về việc thực hiện đầu tư công đúng hạn ngành KH&CN, hai Bộ nhất quán quan điểm chỉ đạo của Chính phủ coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, động lực cho phát triển KT-XH. Vì thế, đầu tư ngân sách nhà nước cho KH&CN tập trung vào một số mảng chính: Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các nhiệm vụ KH&CN các cấp; Đầu tư phát triển để tăng cường cơ sở vật chất KH&CN…

“Đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN luôn là nguồn đầu tư chủ yếu, cơ bản để nâng cao tiềm lực KH&CN của đất nước đã có sự thay đổi về cơ cấu, phân cấp để phù hợp với nhu cầu nguồn lực đầu tư hiện tại” – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài Chính Nguyễn Nam Hải cho biết.

Cam kết ủng hộ mạnh mẽ đầu tư cho KH&CN

Nói về sự phối hợp của 2 Bộ trong thời gian qua, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt chặt chẽ giữa hai Bộ. Những kết quả mà Bộ KH&CN có được trong thời gian qua một phần là nhờ những ý kiến tham mưu quan trọng từ Bộ KH&ĐT. Với mục tiêu đưa KH&CN trở thành động lực để phát triển KT- XH, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong muốn Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ ở mức cao nhất cho các nhiệm vụ mà Bộ KH&CN được Chính phủ giao phó.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chưa bao giờ KH&CN được nhắc đến nhiều trong các văn bản của Đảng, Chính phủ như hiện nay. Điều này thể hiện vai trò của KH&CN đối với sự phát triển KH-XH trong giai đoạn tới.   

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ đầu tư cho KH&CN, nhấn mạnh: Cam kết tăng đầu tư thích đáng cho KH&CN nhưng cần tập trung trọng điểm, tạo những sản phẩm công nghệ lõi, những dự án KH&CN trọng điểm quốc gia để làm chủ công nghệ, dẫn dắt và lan tỏa. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng gợi mở: thời gian tới, ngoài những nguồn lực đầu tư cho khoa học đã có sẵn, cần mở rộng các nguồn lực đầu tư khác để tăng cường tiềm lực KH&CN như các công trình trọng điểm quốc gia…

Ủng hộ quan điểm đầu tư cho KH&CN có sự chuyển hướng ở giai đoạn mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yếu tố tập trung, trọng điểm để các dự án thể hiện được vai trò kết nối, dẫn dắt công nghệ và phải có đầu ra.
 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (từ trái qua) thăm công trình đang xây dựng của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam Hàn Quốc tại Khu CNC Hòa Lạc trước buổi làm việc

Trước buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đi thăm dự án xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam- Hàn Quốc (VKIST). Mặc dù vẫn trong quá trình xây dựng hạ tầng, nhưng VKIST đã bắt đầu triển khai một số nghiên cứu cụ thể. Theo TS. Kum Dong Hwa, Viện trưởng VKIST, các hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo của Viện sẽ gắn chặt với những công nghệ ứng dụng tập trung vào nhu cầu của thị trường và đồng hành với việc kinh doanh của các đối tác. Đặc biệt, hiện nay, con số huy động nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu R&D từ xã hội đã chiếm 20% tỷ lệ đầu tư tại VKIST. Đây là tín hiệu đáng mừng để tiến đến mục tiêu tỷ lệ đầu tư sẽ là 50-50 (vốn Nhà nước và xã hội hóa) trong giai đoạn 2021- 2025,  và tiến tới 70- 30.

Hai Bộ trưởng cũng đến thăm và làm việc tại trụ sở Tòa nhà Trung tâm Đo lường Việt Nam thuộc Viện Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng Việt Nam đặt tại khu CNC Hòa Lạc. Theo đó, với việc đưa vào vận hành Tòa nhà Trung tâm Đo lường Việt Nam đã giúp tạo cơ sở phát triển hạ tầng đo lường quốc gia. Tòa nhà sẽ có 8 Khối nhà: Khối nhà Trung tâm Đo lường Việt Nam; Khối nhà Đo lường chính xác cao; Khối nhà Đo lường Hóa học; Khối nhà Đo lường Khoa học; Khối nhà Trung tâm dịch vụ; Khối nhà EMC và Awngten chuẩn; Khối nhà đa năng; Các hệ thống chuẩn đo lường cho 12 lĩnh vực đo lường.

Đây cũng là một trong những cơ sở để triển khai tốt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể, phát triển hạ tầng Đo lường Quốc gia: 41 chuẩn Đo lường Quốc gia theo quy hoạch được công nhận; Công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; Phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn Đo lường, phương tiện đo; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về Đo lường ít nhất 10.000 cán bộ tham gia hoạt động Đo lường; Triển khai chương trình đảm bảo Đo lường cho ít nhất 50.000 doanh nghiệp; Triển khai áp dụng bộ tiêu chí Quốc gia về Đo lường ít nhất 1000 phòng thí nghiệm; Quy mô đầu tư: 21 hệ thống chuẩn Đo lường trong 12 lĩnh vực đo...

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 21379

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)