Tham dự Hội thảo, về phía IAEA có ông Oszvald Glöckler - Chuyên gia quản lý tri thức hạt nhân cấp cao, Bà Michaela Ovanes - Chuyên gia quản lý tri thức hạt nhân thuộc Vụ Năng lượng hạt nhân, Bà Elena Dosekova - Trưởng Ban Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Vụ Hợp tác kỹ thuật của IAEA. Về phía chuyên gia do IAEA mời: Đầu cầu London, Anh Quốc có Ông Garry Cairns; đầu cầu Mississauga, Canada có Ông Frank Yee. Về phía Việt Nam, đầu cầu Đà Lạt có sự tham dự của TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, ThS. Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Lò phản ứng (Viện Nghiên cứu hạt nhân) và cán bộ của Trung tâm Lò phản ứng; đầu cầu Hà Nội có sự tham dự của TS. Trần Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các cán bộ của Cục Năng lượng nguyên tử và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.
Mục đích của Hội thảo nhằm cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về quản lý tri thức gắn với phát triển nguồn nhân lực trong các tổ chức hạt nhân. Hội thảo cũng là cơ hội để thảo luận, trao đổi về bảo tồn và duy trì tri thức và năng lực vận hành, khai thác lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân. Hội thảo còn đóng góp cho việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và IAEA trong lĩnh vực quản lý tri thức hạt nhân.
Hội thảo trực tuyến với IAEA về quản lý tri thức hạt nhân (ngày 8-9/9/2020).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe TS. Hoàng Anh Tuấn trình bày báo cáo về hiện trạng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam, trong đó có việc khai thác và sử dụng an toàn và hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, sự hợp tác của Việt Nam và IAEA về phát triển cơ sở hạ tầng cho lò phản ứng nghiên cứu. ThS. Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Lò phản ứng đã trình bày báo cáo về các hoạt động vận hành, khai thác và tình hình quản lý tri thức hạt nhân đối với lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Các chuyên gia IAEA trình bày và thảo luận về các cột mốc và phương pháp tự đánh giá trong quản lý tri thức hạt nhân. Theo hướng dẫn của IAEA, lộ trình triển khai quản lý tri thức có 07 bước, bao gồm: định hướng và nhận thức; phân tích những yêu cầu về an toàn và nhu cầu của tổ chức; chiến lược và chính sách; thiết kế và triển khai; mở rộng và hỗ trợ; thể chế hóa; đánh giá và cải tiến liên tục.
Theo IAEA, quản lý tri thức được định nghĩa là một phương pháp tiếp cận tích hợp và có hệ thống để xác định, thu thập, chuyển đổi, phát triển, phổ biến, sử dụng, chia sẻ và bảo tồn tri thức nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể. Quản lý tri thức gồm ba yếu tố cơ bản: con người, các quá trình liên quan đến quản lý tri thức và công nghệ hỗ trợ cho các quá trình đó. Quản lý tri thức tập trung vào con người và văn hóa tổ chức để khuyến khích và phát triển việc chia sẻ và sử dụng kiến thức; vào quá trình hoặc phương thức quản lý để tìm kiếm, tạo lập, thu thập và chia sẻ tri thức và vào công nghệ hỗ trợ để lưu giữ, làm cho tri thức có thể tiếp cận được. Con người là yếu tố quan trọng nhất bởi vì quản lý tri thức phụ thuộc vào việc sẵn lòng chia sẻ và tái sử dụng tri thức.
Liên quan đến hoạt động quản lý tri thức hạt nhân của Việt Nam, năm 2016, tại Trụ sở chính của IAEA, Cộng hòa Áo, Cục Năng lượng nguyên tử đã trao tặng cuốn sách “Các công trình tính toán và thực nghiệm về các đặc trưng của Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt” cho Thư viện, Bộ phận Quản lý tri thức hạt nhân, Bộ phận Lò phản ứng nghiên cứu của IAEA. Cuốn sách do Cục Năng lượng nguyên tử phối hợp với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức biên soạn và xuất bản.
Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn trao tặng Sách cho đại diện Bộ phận Quản lý tri thức hạt nhân, Bộ phận Lò phản ứng nghiên cứu và Thư viện IAEA (Vienna, Áo, ngày 28/9/2016).
TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cảm ơn sự phối hợp tích cực của IAEA trong việc tổ chức Hội thảo này và mong muốn, trong thời gian tới IAEA sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các dự án hợp tác kỹ thuật về quản lý tri thức hạt nhân nhằm bảo tồn và duy trì nguồn nhân lực trong lĩnh vực lò phản ứng nghiên cứu của Việt Nam. Đại diện của IAEA đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam cho Hội thảo, đồng thời khẳng định IAEA sẽ xem xét rà soát thực trạng của quản lý tri thức và phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở báo cáo do Việt Nam cung cấp để xây dựng kế hoạch tổ chức Đoàn công tác đánh giá quản lý tri thức hạt nhân vào năm tới theo đề nghị của Việt Nam.
Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt có tên gọi kỹ thuật ban đầu là TRIGA-MARK II, do hãng General Atomics của Hoa Kỳ thiết kế và chế tạo, được xây dựng tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vận hành từ năm 1963 với công suất nhiệt 250 kW. Tuy nhiên, vào đầu năm 1975, do hoàn cảnh chiến tranh, toàn bộ nhiên liệu của vùng hoạt đã bị tháo dỡ và đưa trở lại Hoa Kỳ. Sau khi đất nước thống nhất, công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng đã được tiến hành với sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ). Quá trình khởi động vật lý và năng lượng của lò đã được tiến hành và nhiều số liệu khoa học có giá trị đã được đo đạc. Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt với công suất danh định 500kW nhiệt đã được chính thức khánh thành vào ngày 20/03/1984. Đến nay, Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà lạt đã trải qua hơn 30 năm vận hành an toàn và khai thác hiệu quả phục vụ công tác sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích mẫu bằng kỹ thuật kích hoạt nơtron, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để đưa các tiến bộ của khoa học - công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, huấn luyện và đào tạo cán bộ.
Trong giai đoạn 2007-2011, Việt Nam đã tích cực hợp tác với IAEA, Hoa Kỳ và Liên bang Nga thực hiện việc chuyển đổi nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt từ sử dụng nhiên liệu độ giàu cao (HEU) sang sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp (LEU) và vận chuyển về Liên bang Nga đảm bảo an toàn. Thành công của việc chuyển đổi nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã được quốc tế đánh giá cao.
|