Thứ hai, 29/06/2020 10:22 GMT+7

Nghiên cứu xây dựng Atlat địa hóa một số nguyên tố trong trầm tích tầng mặt biển Việt Nam 0-100m nước

Trên thế giới có rất nhiều cuốn atlat ở các lĩnh khác nhau được các nước như Đức, Nga, Anh, Ý… xây dựng, trong đó có atlat về địa hóa. Ở Việt Nam cũng có hàng loạt cuốn atlat về các lĩnh vực như: địa lý, địa chất, khí tượng thủy văn… Tuy nhiên, hiện chưa có cuốn atlat địa hóa nào về trầm tích tầng mặt biển Việt Nam. Do đó dẫn đến rất nhiều hạn chế trong việc định hướng cho điều tra chi tiết tài nguyên – môi trường ở tỷ lệ lớn hơn, cũng như hạn chế trong công tác đào tạo và cung cấp tài liệu cho các cán bộ kỹ thuật trẻ cần quan đến lĩnh vực này. Một điều quan trọng ở đây là các dạng tài liệu địa hóa trong các đề tài dự án trước đây thường tồn tại dạng báo cáo và bản đồ chuyên đề chứ không thể hiện dưới dạng các cuốn atlat để có thể phổ cập đông đảo đến người sử dụng.


Đăng nhập vào Atlat điện tử địa hóa một số nguyên tố

 

Với những điểm hạn chế trên đòi hỏi sớm có các tài liệu có thể dễ dàng phổ cập đến nhiều đối tượng, phục vụ tốt cho công tác định hướng điều tra cơ bản ở các giai đoạn tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng trên biển.  

Nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Trung tâm Điều tra tài nguyên – môi trường biển phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Phạm Thị Nga cùng thực hiện đề tài nhằm mục tiêu có được bộ atlat địa hóa các nguyên tố (Ti, Mn, Sb, Cd, Co, Cr, Cu, As, Ni, Pb, Sn, Zr, V, W, Zn) trong trầm tích tầng mặt biển Việt Nam (0-100m nước). Atlat này sẽ phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu, điều tra địa chất- khoáng sản và bảo vệ môi trường biển. Góp phần định hướng trong việc qui hoạch và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

1. Đề tài đã thu thập một khối lượng tài liệu rất lớn về địa chất biển, trong  đó chủ yếu là các số liệu địa hóa các nguyên tố (Ti, Mn, Co, Ni, Cr, Cu, V, Sn, Zr, W, Pb, As, Sb, Cd, Zn) trong trầm tích biển ở độ sâu từ 0-100m nước. Các tài liệu được sử dụng triệt để nhằm xây dựng các nội dung khoa học của Đề tài. 2. Đề tài tiếp cận hệ phương pháp hợp lý và khoa học, do đó đã xác định được các phương pháp nghiên cứu phù hợp bao gồm: phương pháp tổng hợp, kế thừa tài liệu, phương pháp chuyên gia, đặc biệt là phương pháp xử lý số liệu thành lập các bản đồ trong atlat cũng như xây dựng phần mềm Atlat điện tử để người sử dụng dễ dàng tra cứu các thông tin về đặc điểm địa hóa các nguyên tố. 3. Đề tài đã xây dựng bộ Atlat địa hóa một số nguyên tố trong trầm tích tầng mặt biển Việt Nam từ 0-100m nước. Các nội dung được xây dựng đều được đối sánh, kế thừa, phù hợp với các nội dung có tính chất quốc tế và được cập nhật mới nhất từ các hướng dẫn tương tự của các nước trên thế giới, bên cạnh đó cũng xét đến các yếu tố đặc thù của Việt Nam. Bộ Atlat địa hóa một số nguyên tố trong trầm tích là kết quả chính của Đề tài, là nguồn tư liệu quí, có giá trị khoa học và thực tiễn đối với các đơn vị nghiên cứu, điều tra địa chất - khoáng sản, môi trường biển thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các đơn vị nghiên cứu khoa học và cơ sở đào tạo liên quan.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13996/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2267

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)