Thứ sáu, 26/06/2020 23:10 GMT+7

Hội thảo Góp ý kiến Hồ sơ đề cử khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa - Ninh Thuận

Ngày 26/6/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Sinh thái học Miền Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức hội thảo Góp ý kiến Hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa - Ninh Thuận tại Vườn quốc gia Núi Chúa – thôn Thái An – xã Vĩnh Hải – huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.


Ông Trần Quốc Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Tham dự Hội thảo có Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận; Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận; Ông Nguyễn Tường Giao, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Núi Chúa; Đại diện Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Tổ chức Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN); GS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB VN) Việt Nam; Viện Sinh thái học miền Nam, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững trong nước và quốc tế; đại diện các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, đại diện các ban ngành địa phương, các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực sinh quyển. Ban tổ chức mong muốn qua hội thảo sẽ một bước hoàn thiện bộ hồ sơ và đệ trình UNESCO xem xét công nhận. Nếu thành công đây sẽ là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 10 tại Việt Nam.

Hội thảo là diễn đàn cho các bên liên quan thảo luận, đánh giá, góp ý, chỉnh sửa và bổ sung thông tin hoàn thiện bộ Hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa - Ninh Thuận. GS. Nguyễn Hoàng Trí đã trình bày tóm tắt những nội dung chính của hồ sơ đề cử, trong đó nhấn mạnh những giá trị đa dạng sinh học độc đáo của Vườn quốc gia Núi Chúa, nơi dự kiến là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển đề cử, với sự đa dạng về loài đặc hữu và các hệ sinh thái khô hạn trên cạn, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái nhân tạo đặc trưng của khu vực. Bên cạnh đó, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa của nhóm các dân tộc chủ yếu gồm Raglai, Chăm, Hoa, Kinh, các di sản văn hóa vật thể nổi bật với các kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo như đình, chùa tồn tại hàng thế kỷ, đặc biệt hệ thống các tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn, các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú với nhiều lễ hội lớn, Khu dự trữ sinh quyển đề cử là hình mẫu kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa bản địa. Về phát triển, đây là khu vực đang thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng. Cùng với các hoạt động du lịch sinh thái, giao đất giao rừng và chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng sẽ là những hoạt động kinh tế xanh trong phát triển bền vững của đất nước.

Tại hội thảo các đại biểu đã có nhiều đóng góp, đề xuất, giải pháp, khuyến nghị để bộ hồ sơ được hoàn thiện tốt nhất; các chuyên gia quốc tế có nhiều nhận định, đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Tài nguyên Vườn quốc gia Núi Chúa.



Các giá trị cảnh quan địa chất - địa mạo tại VQG Núi Chúa - Ninh Thuận

 

Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO và MAB VN tiếp tục hỗ trợ cho các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Đến nay, toàn bộ 09 Khu dự trữ sinh quyển đều có nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia nghiên cứu về các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội như du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa, sinh kế bền vững cho người dân,... góp phần vào phát triển bền vững cho địa phương. Các nhà khoa học trong lĩnh vực tự nhiên đã phối hợp liên ngành với các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, dân tộc, du lịch,... để tìm ra những mô hình phát triển bền vững. Mười đề tài cấp nhà nước, nhiều đề tài cấp địa phương và các dự án quốc tế đã và đang được thực hiện tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam. Nội dung nghiên cứu đa dạng như nghiên cứu loài sinh vật, đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa - lịch sử, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sinh kế, nghiên cứu phát triển du lịch, nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tàng thiên nhiên, đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái, hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội,...

Trong thời gian tới, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ các Tiểu ban chuyên môn trong các hoạt động:

- Triển khai nghiên cứu tại các khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất toàn cầu (Geopark);

- Truyền thông giáo dục môi trường và quảng bá Khu dự trữ sinh quyển và Công viên địa chất;

- Với vị thế là thành viên ICC, MAB Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế với các Ủy ban MAB của các quốc gia và hoạt động hợp tác giữa các Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam và Khu dự trữ sinh quyển trên thế giới trong mạng lưới MAB.

- Đẩy mạnh hợp tác công tư trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh hoạt và phát triển bền vững.

- Quảng bá những bài học thành công của các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động LIMA.

- Triển khai việc thực hiện Kế hoạch hành động LIMA tại các khu Dự trữ sinh quyển Việt Nam trong hợp tác quốc tế.

- Xây dựng kế hoạch dài hạn về khoa học công nghệ theo chủ trương UNESCO/MAB ‘Science-Policy-Society’, hướng dẫn cho các khu sinh quyển thế giới đề xuất.



Các đại biểu tham dự hội thảo

 

Bộ KH&CN với vai trò là Trưởng tiểu ban Khoa học Tự nhiên sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Chương trình Công viên Địa chất toàn cầu, Chương trình Con người và Sinh quyển cũng như các Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam thực hiện các chiến lược và chương trình hành động của MAB, hướng tới thực hiện và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDG của Liên hợp quốc.

 

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 3278

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)