Mục tiêu của Chương trình nhằm nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hỗ trợ thí điểm đổi mới một số mô hình quản trị, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chủ chốt theo hướng chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Chủ nhiệm Chương trình KC- 4.0/19-25 phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chủ nhiệm Chương trình KC-4.0/19-25 cho biết: Tại Hội thảo này các chuyên gia sẽ giới thiệu về một số kết quả ban đầu đã đạt được của Chương trình cũng như cơ chế quản lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ và một số định hướng, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ cùng tập trung trao đổi, làm rõ những vấn đề liên quan đến Chương trình và tư vấn, đóng góp ý kiến đối với định hướng nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Đồng thời, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng bày tỏ mong muốn sau Hội thảo này sẽ có thêm nhiều đề xuất nhiệm vụ có chất lượng hơn tham gia Chương trình để từ đó tạo ra được các sản phẩm ứng dụng trong trong sản xuất – kinh doanh, có sự lan tỏa trong xã hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu được thông tin về Chương trình KC- 4.0/19-25 và trao đổi, giải đáp các thắc mắc xung quanh việc đề xuất đề tài, dự án thuộc Chương trình. Theo đó, với mục đích thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 để tạo ra các sản phẩm kinh doanh và dịch vụ; hỗ trợ đổi mới và triển khai mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên và quan trọng theo định hướng chuyển đổi số, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN ngày 27/9/2018 phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25.
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Phó Chủ nhiệm Chương trình đã trình bày các nội dung quan trọng liên quan đến đề xuất đề tài, nhiệm vụ Chương trình. Cụ thể: các đề xuất cần phù hợp với mục tiêu, nội dung, sản phẩm đã được ban hành tại Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN ngày 27/9/2018 của Bộ KH&CN, trong đó ưu tiên: các đề xuất của các Bộ, Ngành, UBND cấp tỉnh; các đề xuất có sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN, đặc biệt các công ty khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ, hoàn thiện công nghệ; đổi mới và triển khai mô hình quản trị, sản xuất - kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và quan trọng.
Bên cạnh đó, Chương trình có ưu tiên đối với các đề xuất có sự đặt hàng và tài trợ từ doanh nghiệp; các đề xuất có sản phẩm có thể triển khai ứng dụng trực tiếp trong đời sống, có sự lan tỏa trong xã hội; các đề xuất nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 thuộc Danh mục ban hành tại của Quyết định số 3685/QĐ-BKHCN ngày 03/12/2018 của Bộ KH&CN.
Theo đó, các đề xuất sẽ được tiếp nhận theo 3 nhóm nội dung thuộc khung Chương trình KC-4.0/19-25 bao gồm, nhóm 1: Nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 (Trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, mạng di động thế hệ thứ 5, robot, điện toán đám mây…) để tạo ra các sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ như: y tế, du lịch, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, giáo dục - đào tạo và dạy nghề, giao thông, xây dựng, thông tin - truyền thông, tài nguyên - môi trường, quốc phòng, an ninh.
Nhóm 2: Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và hạ tầng số làm nền tảng, phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0.
Nhóm 3: Nghiên cứu ứng dụng các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của các tổ chức, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên và quan trọng theo đinh hướng chuyển đổi số, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, các đề xuất cần có địa chỉ ứng dụng các kết quả do đề tài/dự án tạo ra; cam kết hỗ trợ hoàn thiện, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng trực tiếp trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức, cơ quan ứng dụng sản phẩm của đề tài/ dự án được đề xuất cần có đủ uy tín và năng lực để tiếp nhận và triển khai một cách hiệu quả sản phẩm tạo ra.
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy cho biết thêm: Năm 2019 có 18 đề xuất trong đó có Ban Chủ nhiệm Chương trình KC-4.0 đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN và các Hội đồng khoa học xem xét, lựa chọn được 5 nhiệm vụ đề xuất tham gia Chương trình KC 4.0 năm 2019. Cụ thể, đó là các nhiệm vụ: Nghiên cứu xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo, tích hợp cơ sở dữ liệu địa chất dầu khí để đánh giá triển vọng dầu khí, thử nghiệm tại khu vực Bắc bể sông Hồng; Nghiên cứu phát triển hệ thống hỗ trợ thực hành tiền lâm sáng Nhi khoa dựa trên công nghệ thực tế ảo; Nâng cao chất lượng tổng hợp tiếng nói tiếng Việt và ứng dụng; Xây dựng nền tảng phục vụ nâng cao chất lượng nhận dạng tiếng nói tiếng Việt và ứng dụng; Xây dựng nền tảng dịch vụ dữ liệu địa chỉ Việt Nam phục vụ phát triển các ứng dụng dân sinh.
Năm 2020, Chương trình đã nhận được 164 đề xuất nhiệm vụ và đã xác định, tuyển chọn được 15 nhiệm vụ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để triển khai, cụ thể: y tế có 05 nhiệm vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo có 03 nhiệm vụ; an ninh, quốc phòng có 02 nhiệm vụ; tài nguyên, môi trường có 01 nhiệm vụ; công nghệ thông tin, truyền thông có 01 nhiệm vụ; nông nghiệp có 01 nhiệm vụ; giáo dục đào tạo có 02 nhiệm vụ.
Đối với các nhiệm vụ sẽ triển khai trong năm 2021, Chương trình đã nhận được gần 150 đề xuất. Ban chủ nhiệm, các đơn vị chức năng của Bộ đã phối hợp với các Hội đồng khoa học xác định và trình Bộ KH&CN phê duyệt Danh mục 20 nhiệm vụ đưa vào tuyển chọn. Hiện nay, các đơn vị chức năng của Bộ đang trong quá trình tổ chức các Hội đồng để tuyển chọn nhiệm vụ này.
Ông Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, cho biết thêm, các nhiệm vụ được đề xuất đặt hàng phải có tính cấp thiết cao hoặc tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong phạm vi cả nước; và các vấn đề khoa học cần phải huy động nguồn lực KH&CN (nhân lực, tài chính) của quốc gia hoặc góp phần giải quyết những nhiệm vụ mang tính chất liên ngành, liên vùng. Ngoài ra, các nhiệm vụ không được trùng lặp về nội dung với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Ban chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 giới thiệu về một số ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực y tế; PGS.TS Bùi Thu Lâm thành viên tổ biên tập xây dựng Dự thảo chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia trình bày về một số định hướng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, các đai biểu và đại diện của các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN đã có các trao đổi, làm rõ về yêu cầu đối với đề xuất nhiệm vụ tham gia Chương trình, các cơ chế để gắn kết nghiên cứu với thực tiễn và cơ chế huy động được nguồn lực từ xã hội tham gia cùng Chương trình. Tại Hội thảo các đại biểu cũng có nhiều ý kiến đóng góp, tư vấn đối với Ban chủ nhiệm, các đơn vị chức năng của Bộ để việc tổ chức triển khai Chương trình ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn.