Thứ sáu, 05/06/2020 16:28 GMT+7

Hành trình ý nghĩa trên dải đất miền Trung

Bên lề chuyến công tác chuyên môn về sở hữu trí tuệ tại miền Trung, nhằm tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên dải đất này, trong ngày cuối tháng 5 năm 2020, đoàn công tác Cục Sở hữu trí tuệ đã hành trình đến những địa danh đã đi vào lịch sử như Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9, Ngã ba Đồng Lộc… Chuyến đi là cơ hội để mỗi thành viên trong đoàn bày tỏ lòng thành kính, tri ân của mình đến những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Mở đầu hành trình, đoàn đã đến thăm Thành cổ Quảng Trị - nơi diễn ra trận chiến ác liệt bậc nhất trong Chiến dịch Xuân Hè 1972. Trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa, số bom đạn mà quân đội Mỹ - Ngụy đã ném xuống tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima năm 1945. Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, những chiến sĩ Thành cổ đã chiến đấu ngoan cường, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Ngày nay, thị xã nhỏ nhắn bên sông Thạch Hãn đã được xây dựng lại khang trang, nhưng dường như nỗi buồn về một trận chiến khốc liệt vẫn còn vương lại trong lòng người dân, cũng như trong từng trang nhật ký, lá thư mà các anh hùng liệt sĩ ngã xuống tại nơi đây đã để lại. Dòng sông Thạch Hãn vẫn cứ chảy trôi yên bình hàng chục năm như thế, nhưng biết bao người lính đã nằm lại dưới đáy sông trong cuộc chiến giành lại hòa bình và thống nhất toàn vẹn non sông. Những người lính ấy đa phần chỉ mới hai mươi tuổi, là những chàng sinh viên vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, với biết bao mơ ước và hoài bão. Tuổi hai mươi ấy đã “thành sóng nước, vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm” (Lê Bá Dương).

Trên hành trình đến với các địa chỉ đỏ - địa danh lịch sử cách mạng, đoàn đã đến dâng hương, đặt vòng hoa tưởng nhớ tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9, Ngã ba Đồng Lộc. Đoàn rất xúc động khi đến với nơi yên giấc của các liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn, đứng trước vong linh của những anh hùng đã ngã xuống. Các anh, các chị, những người đồng đội chung chí hướng từ khắp mọi miền đất nước đã tụ họp tại đây, yên giấc ngàn thu tại mảnh đất đầy cát trắng và gió Lào, để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình, người thân và đồng đội.

Đặc biệt, cũng trên mảnh đất Quảng Trị, cách trung tâm thành phố gần 6km về phía Tây, có một địa điểm là nơi chôn cất của hàng vạn anh hùng liệt sĩ: Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9. Đây là nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sĩ gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ðây là một công trình đền ơn đáp nghĩa quy mô lớn, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc và sự tri ân của Ðảng đối với những người con trên mọi miền tổ quốc đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
 


Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9

 

Tiếp theo hành trình, đoàn đã đến Ngã ba Đồng Lộc là nơi bắt đầu và là “yết hầu giao thông” quan trọng của con đường Trường Sơn huyền thoại, nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam" trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đây là điểm quyết chiến chiến lược, nơi diễn ra cuộc đọ sức giữa ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta với sức mạnh hủy diệt của các loại vũ khí chiến tranh hiện đại của đế quốc xâm lược. Tiểu đội 4 thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 của tỉnh Hà Tĩnh gồm 10 cô gái còn rất trẻ chịu trách nhiệm san lấp hố bom ở đoạn đường này để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh khi ở tuổi thanh xuân, hoá thân vào hồn thiêng sông núi, minh chứng cho khát vọng hòa bình, lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam.



Dâng hương tưởng nhớ 10 nữ liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc

 

Chuyến đi này đã để lại trong lòng mỗi thành viên trong đoàn những cảm xúc nghẹn ngào. Hoạt động không chỉ nhằm tri ân những người đã hy sinh trên mảnh đất anh hùng, mà còn nuôi dưỡng trong lòng mỗi người tình cảm yêu nước, biết ơn thế hệ đi trước. Mỗi một người lính ngã xuống, là một lời nhắc nhở chúng ta về bổn phận bảo vệ và xây dựng đất nước. Như những dòng trong lá thư mà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết gửi đến người bạn của mình: "Bất kỳ một vinh quang nào cũng cần phải trả bằng mọi giá. Và khó khăn gian khổ càng nhiều, thử thách càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ.” Những câu chuyện cảm động về những Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ và dựng xây đất nước là những điều cần được chia sẻ, giáo dục để các thế hệ mai sau hiểu hơn về lịch sử oai hùng của dân tộc và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để có được Tổ quốc Việt Nam hôm nay.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2662

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)