Thứ bảy, 06/06/2020 23:58 GMT+7

Hội thảo khoa học quốc tế: Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga trước những thử thách mới

Chiều 04/06/2020, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga trước những thử thách mới” đã được trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp cùng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức trực tuyến.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế và kinh tế chính trị quốc tế, các nhà quản lý và hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp của Việt Nam và Liên bang Nga. Về phía Liên bang Nga, có sự tham gia của Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, các nhà khoa học đến từ các Viện thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, trường Đại học Năng lượng Moskva, trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, Trường Kinh tế cao cấp Liên bang Nga, Đại học tổng hợp Saint-Petersburg, Học viện kinh tế quốc dân và hành chính công trực thuộc Văn phòng Tổng thống Nga, Trường đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, trường Đại học Tổng hợp hữu nghị RUDN. Phía Việt Nam có sự tham dự của Lãnh đạo và các giảng viên/ chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (đơn vị chủ trì phía Việt Nam), Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), các đại biểu chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trung tâm NC&PT Hội nhập KH&CN quốc tế (Bộ Khoa học và Công nghệ), Đại học Ngoại thương (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga, Giáo sư, Tiến sĩ Elena Lenchuk bày tỏ hoan nghênh các đại biểu tham dự. Bà cho biết hội thảo được tổ chức nhân 70 năm ngày thiết lập quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đồng thời kỷ niệm 90 năm thành lập Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga. Tiến sĩ Lenchuk đánh giá trong thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga luôn chặt chẽ. Với kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt khoảng 1 tỷ USD năm 2019, Việt Nam bước đầu đã có những dự án đầu tư tầm cỡ 3 tỷ USD vào Nga với điển hình là chuỗi dự án sữa của Tập đoàn TH. Việt Nam và Nga còn có những hoạt động hợp tác kinh tế, văn hóa du lịch, và các hoạt động hợp tác khoa học công nghệ trong lĩnh vực lọc hóa dầu, tự động hóa, điện tử, cơ khí, tư vấn giao thông, nông nghiệp công nghệ cao...  Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, trước những thách thức mới, nhất là sau đại dịch COVID-19, các cực kinh tế của thế giới đã xoay chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nga nhận thấy cần đẩy mạnh sự quan tâm hợp tác với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, và đặc biệt là với Việt Nam, nước đang đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đã rất thành công trong việc chống lại dịch COVID-19, được cộng đồng thế giới ngưỡng mộ.



Hình ảnh Hội thảo khoa học quốc tế
“Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga trước những thách thức mới” trực tuyến và một số diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo  (ảnh chụp màn hình - VISTIP)

 

Hội thảo được cấu trúc thành 03 phiên với các chủ đề sau:

- Phiên 1. Những xu thế chính trong quan hệ hợp tác thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga thập kỷ 2010-2020

- Phiên 2. Thảo luận chuyên gia với chủ đề: “Quan hệ Việt - Nga trước thách thức của đại dịch Covid-19

- Phiên 3. Phiên chuyên đề: “Sụt giảm giá dầu và hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Liên bang Nga”

Các tham luận được trình bày tại Hội thảo tập trung thảo luận và chia sẻ những nhân tố tác động tới quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong những năm gần đây, từ những vấn đề địa chiến lược, khủng hoảng Ucraina và quan hệ giữa Nga với Mỹ, Phương Tây, hội nhập giữa Việt Nam với Liên bang Nga và các nước trong Liên minh kinh tế Á – Âu trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực từ 2016, những tác động của dịch Covid-19, sự sụt giảm giá dầu mỏ, việc hợp tác song phương, đa phương của Nga và Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, du lịch, khoa học công nghệ và cải thiện môi trường đầu tư… những thách thức, phương hướng cũng như giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước trong bối cảnh mới, tương xứng với quan hệ chiến lược toàn diện giữa hai nước.



GS. TS. Trần Thọ Đạt –
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học kinh tế quốc dân – phát biểu tham luận và một số đại biểu tham dự tại Hội thảo (ảnh chụp màn hình -VISTIP)

 

Mặc dù được tổ chức trực tuyến, song Hội thảo với các bài tham luận chất lượng, được chuẩn bị công phu cùng các số liệu và phân tích cập nhật đã đem đến cho các đại biểu tham dự lượng thông tin rất hữu ích, đồng thời đưa đến cơ hội tăng cường hợp tác nghiên cứu và ứng dụng trong thực tế, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, giới doanh nghiệp giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong bối cảnh mới.

Dưới đây là tham luận của các diễn giả đã trình bày tại Hội thảo:

- Tham luận “Quan hệ Việt Nam-LB Nga: Mối quan hệ hai bên cùng thắng” của TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch ủy ban quốc gia hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (Việt Nam)

- Tham luận Những vấn đề hợp tác Nga-Việt trong điều kiện khu vực mậu dịch tự do” của TS. Pylin A.G - Lãnh đạo Ban nghiên cứu quan hệ song phương Nga và các nước láng giềng, Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga; Giáo sư Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga

- Tham luận “Bối cảnh mới và cơ hội hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga của PGS.TS Đỗ Hương Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, Đại học kinh tế quốc dân

- Tham luận Hiệp định thương mại tự do EAEU-Việt Nam và vai trò của nó trong các dự án hội nhập Á-Âu của PGS.TS. Serov-Ighnatev V.G, Khoa kinh tế, Đại học tổng hợp Saint- Petersburg

- Tham luận “Hợp tác thương mại Việt Nam-LB Nga trong bối cảnh thách thức mới” của PGS.TS Trigubenko. M.E - chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga

- Tham luận Hợp tác kinh tế Việt Nam-LB Nga trong điều kiện mớicủa TS. Nguyễn Quốc Hùng -  Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á, Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga

- Tham luậnThách thức của đại dịch Covid-19 đến hệ thống tài chính toàn cầucủa Viện sĩ thông tấn Golovnin M.Y – P Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga

- Tham luậnẢnh hưởng của Covid-19 và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Nga của GS.TS. Trần Thọ Đạt - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân

- Tham luận “Cú sốc đại dịch trên toàn cầu của GS.TS. Kheifes. B.A - chuyên gia cao cấp Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga; Giáo sư Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga

- Tham luậnẢnh hưởng của Covid-19 đến tình hình thế giới, khu vực và quan hệ Việt - Nga của TS. Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam

- Tham luận chungThương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Nga và tác động của đại dịch Covid-19 của đồng tác giả: TS. Nguyễn Thu Hằng, Đặng Thị Hương, TS. Phùng Thị Hoài An (Đại học Ngoại thương Việt Nam)

- Tham luậnHợp tác năng lượng giữa LB Nga và Việt Nam của đồng tác giả: GS.TS Rogalev N.D Hiệu trưởng Trường Đại học Năng lượng Moskva), TS Ruban L.S  (Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu chính trị xã hội , Viện Hàn lâm khoa học Nga) và Ngài Mikhailov. A.I  (Trưởng ban các dự án Nga-Việt, Tập đoàn Zarubezhneft)

- Tham luậnHợp tác năng lượng Việt Nam-LB Nga theo hình thức win-wincủa PGS.TS Đặng Thị Phương Hoa, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Lượt xem: 2408

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)