Hiện nay, việc phát triển cây ăn quả đang được huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn quan tâm, đặc biệt là phát triển cây ăn quả có múi như: cam, quýt, bưởi… Huyện cũng đã quy hoạch thành vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung ở 9 xã: Đồng Ý, Chiến Thắng, Vũ Sơn, Tân Lập, Tân Hương, Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Nhất Tiến, Nhất Hòa…
Từ năm 2017, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đã thực hiện Dự án “Phát triển một số giống cam, bưởi chất lượng cao tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn” do PGS.TS Lê Tất Khương làm chủ nhiệm nhằm giúp người dân có được những giống cam, bưởi tốt cũng như nắm được quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch khoa học để hỗ trợ phát triển cây có múi tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Dự án đã hoàn thành việc điều tra điều kiện đất đai, khí hậu huyện Bắc Sơn và điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất cây có múi (cam, bưởi) vùng dự án đồng thời đã bố trí thí nghiệm trên 180 cây cam (V2, CS1, CT36) tại xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn và 180 cây bưởi (bưởi Diễn, Da Xanh, Bưởi đường Xuân Vân) tại xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn và theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của các giống cam, bưởi này.
Mô hình trồng mới cam ở xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn
Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án đã xây dựng các mô hình vườn giống gốc tại xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, với 60 cây cam; 50 cây bưởi; mô hình trồng mới cam, bưởi theo hướng thâm canh, quy mô 02 ha cam (600 cây/ha) và 02 ha (500 cây/ha) bưởi tại các xã Nhất Tiến, Đồng Ý và Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn; mô hình thâm canh tổng hợp bưởi, cam trong thời kỳ kinh doanh quy mô 01 ha cam (cây trên 4 năm tuổi) và 01 ha bưởi (cây trên 8 năm tuổi) tại xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn.
Ngày 11/12/2019, Đoàn cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra hiện trường thực hiện Dự án. Mặc dù trong thời gian triển khai Dự án gặp nhiều mưa lũ lớn, địa bàn đi lại khó khăn, Dự án vẫn đảm bảo thực hiện đúng tiến độ đề ra. Các mô hình xây dựng, đặc biệt là mô hình thâm canh bưởi, cam trong thời kỳ kinh doanh đã cho hiệu quả hơn hẳn. Đặc biệt, khi kiểm tra độ ngọt của cam, bưởi cho thấy kết quả tốt trong đó độ ngọt của bưởi là 12.8, cam là 8.5.
Kiểm tra độ phát triển của cây
Khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển cây ăn quả có múi tại huyện Bắc Sơn nói riêng và Lạng Sơn nói chung là việc làm cấp thiết và có nhiều ý nghĩa. Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện và cả tỉnh, trong đó chuyển đổi diện tích vườn (đồi) tạp kém hiệu quả sang sản xuất cây có múi (cam, bưởi) hàng hóa chất lượng cao, bổ sung giống cam, bưởi mới vào cơ cấu giống cây ăn quả có múi của tỉnh, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất cây có múi,... là những giải pháp khả thi, góp phần hiện thực hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.