Hệ thống định vị và giám sát tàu cá do các nhà khoa học ở Trung tâm phát triển công nghệ cao (VAST) nghiên cứu thành công vừa giúp giảm thiểu rủi ro cho ngư dân khi ra khơi, vừa giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát các tàu cá trong quá trình đánh bắt.
Tàu cá ra khơi tại Quảng Ngãi. Nguồn: Báo Biên phòng
Đã 2 năm kể từ ngày Việt Nam bị Liên minh châu Âu (EU) - thị trường nhập khẩu thủy hải sản lớn thứ hai phạt thẻ vàng do các tàu cá khai thác hải sản vi phạm hải phận các quốc gia khác nhưng chúng ta vẫn chưa gỡ bỏ được thẻ này do tình trạng trên vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, theo dõi hành trình các tàu cá trong hải phận vẫn còn hạn chế. Những lô hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU bị kiểm tra chặt chẽ, tốn nhiều thời gian và chi phí hơn. Ngoài những thiệt hại nặng về kinh tế, điều này còn khiến hải sản Việt Nam bị mất uy tín và có nguy cơ bị “siết chặt” ở những thị trường khác.
Điểm mấu chốt để giải quyết tình trạng này là phải trang bị hệ thống giám sát trên các tàu cá. Đã có một số loại thiết bị thông tin, định vị vệ tinh cho tàu cá với chức năng định vị và gửi các thông tin về dự báo thời tiết, ngư trường,... Tuy nhiên, các thiết bị này không được ngư dân “mặn mà” do tiêu tốn nhiều chi phí lắp đặt mới và vận hành.
Trước thực tế này, các nhà khoa học ở Trung tâm phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã phát triển một hệ thống định vị và giám sát tàu cá tích hợp nhiều chức năng với “mục tiêu là phát triển hệ thống định vị và giám sát tàu cá có chi phí duy trì vận hành thấp nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả”, theo ThS. Lê Văn Luân, Trung tâm phát triển công nghệ cao.
Ưu điểm của hệ thống định vị, giám sát tàu cá do ThS. Lê Văn Luân cùng các cộng sự phát triển là đã tận dụng những thiết bị thông tin liên lạc bộ đàm HF/VHF sẵn có trên tàu, giúp tiết kiệm chi phí. “Chúng tôi đã phát triển thêm một thiết bị mới là thiết bị hải trình SPD có thể tích hợp với bộ đàm trên tàu để thực hiện được các chức năng định vị giám sát nhưng không gây ảnh hưởng tới chức năng bộ đàm của thiết bị”, anh nói.
Trong quá trình tàu đi đến ngư trường, thiết bị SPD sẽ tự động hiển thị hành trình và dẫn đường cho tàu tới ngư trường mong muốn. Khi tàu di chuyển, thiết bị SPD sẽ tự động ghi lại tọa độ vị trí tàu vào bộ nhớ sau mỗi khoảng thời gian đặt trước (10-20-30 phút). Vị trí tọa độ này cũng được truyền về trung tâm quản lý, điều hành thông qua thiết bị bộ đàm HF/VHF theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu từ đất liền. Nếu tàu đi ra khỏi vùng ngư trường đã đăng ký hoặc đường ranh giới trên biển, thiết bị SPD sẽ tự động cảnh báo cho ngư dân.
Ngoài ra, thiết bị này còn được tích hợp nhiều tính năng khác: chức năng “nhật ký” giúp ngư dân có thể ghi lại toàn bộ hoạt động đánh bắt của chuyến đi biển, đánh dấu ngư trường tiềm năng; chức năng quay số, giúp ngư dân gọi điện trực tiếp vào mạng điện thoại cố định và di động trên đất liền; chức năng tự động cảnh báo với cơ quan quản lý trong trường hợp khẩn cấp: thiết bị bị can thiệp, đập vỡ, khi tàu gặp nạn (thiên tai, cướp biển,...)
Với những điểm mới và khả năng ứng dụng cao, hệ thống định vị, giám sát tàu cá của ThS. Lê Văn Luân và các cộng sự đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002141, công bố ngày 25/10/2019. Hiện nhóm nghiên cứu đã lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát hải trình trên tàu cá tại đảo Bạch Long Vĩ và được một số địa phương đặt hàng. Trung tâm phát triển công nghệ cao cũng ký thỏa thuận hợp tác với công ty cổ phần Techno Việt Nam Corporation để triển khai sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.