Đại biểu tham dự Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hội An, Đại diện Ban Quản lý khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An, thành viên Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam, Quỹ Hanns Seiden (HSF) của Cộng hòa Liên Bang Đức, đại diện 09 khu DTSQ thế giới của Việt Nam: Cát Bà, Châu thổ Sông Hồng, Tây Nghệ An, Cù Lao Chàm - Hội An, Đồng Nai, Cần giờ, Cà Mau, Kiên Giang, Langbiang, các ban ngành tại địa phương, các doanh nghiệp quan tâm cùng đông đảo các chuyên gia khoa học.
Với mục tiêu đề xuất khung pháp lý cho khu sinh quyển thế giới (SQTG) để tích hợp các giải pháp và cách tiếp cận giảm thiểu rác thải nhựa tiến tới không rác thải nhựa và bước đầu triển khai các giải pháp khả thi. Đồng thời thiết lập một nền tảng phối hợp trong mạng lưới các khu SQTG thúc đẩy các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa, Hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu dự trữ SQTG và tạo điều kiện khuyến khích các sáng kiến giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng rác thải nhựa và rác thải rắn khác. Qua đó, mỗi khu SQTG của Việt Nam sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về giảm thiểu rác thải nhựa.
Việc lạm dụng rác thải nhựa và túi nilon trong cuộc sống thường nhật của người dân toàn cầu nói chung và ở các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam nói riêng đã để lại nhiều hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe con người, đến ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái... cản trở mục tiêu phát triển bền vững mà cộng đồng quốc tế và các nước đặt ra.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi phút toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm sử dụng 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần. Mỗi năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Đến nay, có khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất. Hậu quả của việc thải bỏ túi nilon và các sản phẩm nhựa chính là xói mòn đất đai, triệt tiêu sự sinh trưởng của các loại thực vật, tàn phá hệ sinh thái, gây tổn hại sức khỏe con người.
Nhận thức rõ vấn đề này, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các giải pháp như truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và kêu gọi giản thiểu cũng như tái sử dụng các sản phẩm nhựa, tham gia các sáng kiến quốc tế về ngăn chặn rác thải nhựa, tổ chức các chiến dịch vận động cấp quốc gia, cấp ban ngành, địa phương. Với định hướng thúc đẩy khu SQTG như những mô hình phát triển bền vững của địa phương, Quỹ Hanns Seidel cùng với Văn phòng UNESCO Hà Nội, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên và MAB Việt Nam mong muốn thúc đẩy mạng lưới sinh quyển Việt Nam trở thành những khu vực tiên phong trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa do Chính phủ phát động.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ các kinh nghiệm về sáng kiến “Nói không với rác thải nhựa” của Khu DTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An; Sáng kiến rác thải nhựa của UNESCO khu vực; Tổng quan hiện trạng rác thải nhựa trên thế giới và ở Việt Nam; Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý rác thải Đại dương; Liên minh không rác thải Việt Nam; Đề xuất các giải pháp giảm thiểu rác thải trong đó có rác thải nhựa dựa trên nguyên lý T-Learning,.. cũng như thảo luận về ý tưởng quản lý rác thải nhựa của từng khu DTSQ của Việt Nam.
Khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An sẽ là một mô hình phát triển bền vững của địa phương với phương châm "Bảo tồn cho phát triển và Phát triển để bảo tồn". Những kinh nghiệm triển khai thực tiễn ở khu DTSQ Cùa Lao Chàm - Hội An sẽ là những bài học quí báu cho toàn bộ mạng lưới các khu DTSQ quốc gia và quốc tế.
Tổng kết Hội thảo, GS. Nguyễn Hoàng Trí đánh giá cao các đóng góp kinh nghiệm và ý kiến của các đại biểu, khẳng định việc ứng dụng bộ tiêu chí đánh giá, quy chế quản lý hạn chế sử dụng rác thải nhựa, sử dụng nhãn hiệu khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng đời sống của cộng đồng người dân địa phương và nâng cao năng lực quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam.
Các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.