Các Hội thảo này là một trong những nội dung được triển khai nhằm thực thi những cam kết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản đã đạt được thông qua Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý mà hai Cơ quan đã ký vào tháng 6/2017.
Thị trường Nhật Bản là thị trường nhiều tiềm năng đối với nông sản của Việt Nam. Trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi hội tụ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm trong đó có nông sản sang Nhật Bản như: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt – Nhật được triển khai đồng bộ từ năm 2010 đến nay với điểm mấu chốt quan trọng là việc giảm thuế mạnh mẽ các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào Nhật Bản; Sự ưa chuộng nông sản nhiệt đới của thị trường Nhật do sự khác biệt giữa các mùa vụ, chủng loại; Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Nhật gia tăng, việc Chính phủ Nhật Bản thông qua Luật Chỉ dẫn địa lý vào tháng 6 năm 2015 chính là một yếu tố thuận lợi gia tăng cho quá trình xuất khẩu các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vào Nhật Bản.
Ở một khía cạnh khác, để đảm bảo được mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vào Nhật Bản, các sản phẩm của Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe của thị trường Nhật Bản cũng như cần phân tích, đánh giá các quy định pháp luật về quảng cáo, tiếp thị và bán sản phẩm hàng hóa tại Nhật Bản.
Xuất phát từ yêu cầu đó, Dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Nhật Bản” đã hỗ trợ xây dựng cuốn “Sổ tay hướng dẫn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào Nhật Bản” và “Tài liệu giới thiệu các quy định tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và một số quy định khác đối với nông sản nhập khẩu vào Nhật Bản” nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam khi tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý, xuất khẩu sản phẩm nông lâm sản và thực phẩm vào thị trường vào Nhật Bản trong thời gian tới.
Sau khi hoàn thành bản dự thảo các tài liệu nói trên, Dự án đã tổ chức các Hội thảo khoa học xin ý kiến góp ý về mặt chuyên môn của các chuyên gia, đại diện của một số địa phương có các sản phẩm chỉ dẫn địa lý tiềm năng có thể xuất khẩu sang Nhật Bản để hoàn thiện và xuất bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi đến tất cả các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu
Tại các Hội thảo, các chuyên gia đến từ Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu về nội dung của “Sổ tay hướng dẫn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào Nhật Bản”, trình bày tổng quan về các quy định pháp luật của Nhật Bản về bảo hộ chỉ dẫn địa lý; các chuyên gia đến từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương) đã có bài trình bày về các chủ đề liên quan đến những quy định chung về nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản, quy định đối với một số loại nông sản cụ thể như cà phê, rau quả, đường, muối, thủy sản... và những quy định về quảng cáo, tiếp thị và bán sản phẩm hàng hóa tại Nhật Bản. Các hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, đại diện của các địa phương và nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc và đa dạng về mặt chuyên môn.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát biểu
Với tinh thần làm việc nghiêm túc của các chuyên gia thuộc Dự án, sự công phu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện sản phẩm, các tài liệu nói trên được kỳ vọng sẽ là cẩm nang hữu ích giúp cho các cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý, hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức của Việt Nam thuận lợi hơn khi thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản.