Toàn cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía đầu cầu Geneva, Thụy Sĩ có Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ; Ông Sacha Wunsch - Vincent, Chuyên gia cao cấp, Trưởng ban - Đồng biên tập Chỉ số GII, Vụ Kinh tế và Thống kê, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Geneva.
Về phía đầu cầu Hà Nội, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, đại diện các Bộ, ngành liên quan: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tư pháp, Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ, trong thời gian qua chúng ta đã rất quyết liệt trong việc triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ KH&CN, với tư cách là đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST do Chính phủ phân công đã tích cực cập nhật thông tin cũng như hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ/ngành trong các hoạt động cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng nhấn mạnh, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện trong những năm qua, năm 2019, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế so với năm 2018, đây cũng là vị trí tốt nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, để duy trì thứ hạng và tiếp tục nỗ lực để cải thiện vị trí là công việc không hề đơn giản và chúng ta còn rất ít thời gian để rà soát, cập nhật cũng như bổ sung với các chỉ số còn thiếu hoặc chưa có dữ liệu. Việc này đòi hỏi sự chung sức của các bộ/ngành để cung cấp được dữ liệu chính xác nhất, khách quan nhất về bức tranh ĐMST của Việt Nam.
Đại sứ Dương Chí Dũng nhận định, việc cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII 2019 là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương mà đứng đầu là Bộ KH&CN để triển khai đồng bộ các giải pháp. Đại sứ đánh giá cao việc tổ chức hội thảo lần này vào đúng thời điểm chúng ta đang bước gần tới thời hạn quy định của WIPO và các tổ chức quốc tế về việc cung cấp số liệu để tính toán, xếp hạng các chỉ số, trong đó có GII.
Đại sứ mong muốn các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để có bộ chỉ số phản ánh đúng tình hình thực tế. “Việc cung cấp chỉ số là việc quan trọng và cần thiết nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải tạo ra được phong trào nghiên cứu đổi mới sáng tạo, phải là những chỉ số thực tế chúng ta thực hiện và tăng trưởng được triển khai như thế nào trong từng năm”, Đại sứ nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, đại diện Học viện KH, CN và Đổi mới sáng tạo đã trình bày kết quả rà soát hiện trạng dữ liệu chỉ số GII của Việt Nam, Ông Sacha Wunsch – Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO chia sẻ tầm quan trọng của việc cập nhật dữ liệu chỉ số GII của Việt Nam và hơn cả là việc có các giải pháp chính sách để cải thiện chỉ số một cách thực chất. Đồng thời đại diện các bộ, cơ quan đã trao đổi, thảo luận nhằm xác định và tìm hướng tháo gỡ những vướng mắc của việc thiếu dữ liệu hoặc dữ liệu chưa cập nhật để phục vụ tính toán GII năm 2020 của Việt Nam./.