Thứ sáu, 25/10/2019 15:21 GMT+7

Dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Nhật Bản” – Thúc đẩy tiềm năng hợp tác Việt Nhật thông qua các sứ giả văn hóa đặc biệt

Trong khuôn khổ Dự án, các sản phẩm thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột và vải thiều Lục Ngạn đã được lựa chọn trở thành các “sứ giả văn hóa đặc biệt” để quảng bá về chỉ dẫn địa lý Việt Nam đến người tiêu dùng Nhật Bản.

Tiếp nối những thành công trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được thể hiện thông qua Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, với mục tiêu triển khai các nội dung cam kết giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Việt Nam) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Nhật Bản) tại Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Nhật Bản ký giữa hai Cơ quan ngày 02/6/2017, Dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Nhật Bản” (Dự án) thuộc Chương trình “Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Dự án là một trong những kết quả cụ thể mà Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được trong tiến trình hợp tác ngày càng phát triển về chiều sâu và rộng giữa hai bên.

Trong khuôn khổ Dự án, các sản phẩm thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột và vải thiều Lục Ngạn đã được lựa chọn trở thành các “sứ giả văn hóa đặc biệt” để quảng bá về chỉ dẫn địa lý Việt Nam đến người tiêu dùng Nhật Bản. Các sản phẩm nói trên được lựa chọn để đăng ký chỉ dẫn địa lý vào Nhật Bản dựa trên các tiêu chí về: mức độ ưu tiên và cam kết giữa hai Chính phủ trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện để xuất khẩu nông sản; tiềm năng xuất khẩu và khả năng vượt qua các rào cản về kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu về an toàn thực phẩm của các sản phẩm; mức độ sẵn sàng về hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu của Nhật Bản; mức độ sẵn sàng của ngành hàng và sự ủng hộ của chính quyền địa phương/doanh nghiệp/người dân trong việc đăng ký chỉ dẫn địa lý sang Nhật Bản.

Để lựa chọn được các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí trên, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiến hành tổng hợp thông tin, đánh giá sơ bộ các sản phẩm và tổ chức các chuyến công tác thực địa nhằm khảo sát quy mô canh tác, sản lượng, thị trường tiêu thụ, giá bán sản phẩm trong và ngoài nước; khảo sát mức độ sẵn sàng của ngành hàng trong xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản; khảo sát mong muốn của chính quyền địa phương/doanh nghiệp/người dân trong việc đăng ký chỉ dẫn địa lý sang Nhật Bản; khảo sát và tìm hiểu quy trình kỹ thuật canh tác sản phẩm đã được cấp có thẩm quyền ban hành, đặc biệt tìm hiểu thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì Nhật Bản là thị trường yêu cầu cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên cơ sở kết quả khảo sát và đánh giá các tiêu chí cần đáp ứng, Cục Sở hữu trí tuệ đã lựa chọn được ba sản phẩm phù hợp, cả ba sản phẩm đều đáp ứng được các yêu cầu về hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Trong đó, Vải thiều Lục Ngạn là loại quả nằm trong danh sách loại quả ưu tiên nhập khẩu vào Nhật Bản theo Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản năm 2017. Vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, là sản phẩm có sản lượng lớn, có giá trị gia tăng cao.

Thanh long Bình Thuận là sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Nhật Bản mở cửa thị trường, đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản theo kết quả Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016. Thanh long Bình Thuận là sản phẩm có quy mô sản xuất lớn.

 Cà phê Buôn Ma Thuột là sản phẩm được thị trường Nhật Bản ưa chuộng, sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, có quy mô sản xuất lớn, giá trị gia tăng và tiềm năng xuất khẩu cao.

Dự án sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm nói trên chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể đáp ứng được các quy định của Nhật Bản về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Song song với các bước xây dựng hồ sơ, việc hoàn thiện Quy chế Quản lý và sử dụng, chuẩn hóa Quy trình kỹ thuật… cho ba sản phẩm được thực hiện một cách bài bản, các chuyên gia có kinh nghiệm của Dự án sẽ tư vấn và hướng dẫn các địa phương triển khai các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản. Dự án cũng sẽ tổ chức cho các chuyên gia của Nhật Bản thẩm định thực địa tại khu vực địa lý sau khi đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nói trên được nộp tại Nhật.

Dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Nhật Bản” được kỳ vọng không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cho ba địa phương Bình Thuận, Đắk Lắk và Bắc Giang mà còn mở ra cơ hội cho các sản phẩm chỉ dẫn địa lý khác được tiếp cận, bảo hộ và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản./.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2857

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)