Mục tiêu của Hội thảo nhằm tăng cường trao đổi thông tin về thành tựu, triển vọng của ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến; đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cung cấp trang thiết bị, sản phẩm và dịch vụ công nghệ bức xạ tiên tiến trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, an ninh hải quan.
TS. Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có gần 150 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có quan tâm đến hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến, phóng viên báo chí trung ương và địa phương. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA); Viện Công nghệ bức xạ tiến tiến thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (ARTI); Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nhà nước Nga (ROSATOM); Công ty Rosatom Đông Nam Á; Công ty Siemens Nhật Bản; Công ty Rusatom Healthcare Liên bang Nga; Đại học Miami, Hoa Kỳ; Bệnh viện Cipto Mangunkusumo, Indonexia; Trung tâm y tế Rayes Memorial Philippin. GS. Cao Minh Thì, Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, Chủ tịch Hội Vật lý Thành phố Hồ Chí Minh đã tới dự, phát biểu chào mừng và tặng các đại biểu tham dự Hội thảo 100 cuốn sách về “Quang điện”.
Hội thảo còn bố trí khu vực trưng bày với sự tham gia của 6 cơ quan/tổ chức trong nước nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, công nghệ, dịch vụ ứng dụng công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, chiếu xạ-khử trùng, xử lý bức xạ.
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử đã khẳng định tại Việt Nam, sau gần 15 năm thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả, đặc biệt là về chẩn đoán và điều trị bệnh bằng các trang thiết bị và kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực công nghiệp, chiếu xạ và xử lý bức xạ, soi chiếu an ninh hải quan.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Bum Soo Han, Vụ Khoa học và Ứng dụng hạt nhân của IAEA đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến tại Việt Nam. Ông khẳng định IAEA sẵn sàng giúp các quốc gia thành viên tăng cường năng lực trong việc áp dụng các kỹ thuật bức xạ và hỗ trợ các quy trình công nghiệp an toàn hơn và sạch hơn. Trong đó, vấn đề đào tạo là cần thiết để đảm bảo các chuyên gia thế hệ sau có thể sẵn sàng quản lý các chương trình công nghệ bức xạ.
Tại Hội thảo, đã có trên 20 báo cáo, tham luận được trình bày gồm báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước (Cục Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế), và báo cáo của các cơ quan, tổ chức ứng dụng năng lượng nguyên tử. Các báo cáo đã tập trung vào hiện trạng, kết quả nghiên cứu - ứng dụng và triển vọng ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến trong y tế, công nghiệp chiếu xạ và một số vấn đề liên quan. Có nhiều báo cáo, tham luận đáng chú ý về ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến trong các lĩnh vực như: Báo cáo dưới dạng video conference của Tiến sĩ Huan Giap từ Trung tâm Ung thư toàn diện Sylvester, Đại học Miami, Hoa Kỳ về nội dung các công nghệ điều trị ung thư mới đang được triển khai ở nước này bao gồm công nghệ xạ trị proton và công nghệ xạ trị kích hoạt proton bằng notron; Các tiến bộ công nghệ hình ảnh lai ghép y học hạt nhân và triển vọng ở Việt Nam (PGS.TS. Lê Ngọc Hà, Trưởng Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), Tổng quan về công nghệ xử lý bức xạ và triển vọng phát triển ở Việt Nam (PGS.TS. Nguyễn Quốc Hiến, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ), Hình ảnh lai ghép của MRI và PET: thách thức và triển vọng (TS Chiaki Imura, Công ty Siemens Healthcare Nhật Bản), Hiện trạng phát triển các thiết bị bức xạ tại các cơ sở của Viện công nghệ bức xạ tiên tiến Hàn Quốc (TS. Ha Jang Ho, Viện Công nghệ bức xạ tiên tiến, Hàn Quốc), Hiện trạng và triển vọng sản xuất dược chất phóng xạ (GS. Peter Eu, Trung tâm Ung thư Peter MacCallum, Úc), Hệ thống ghi đo thụ động đa chức năng (MMPDS) – Công nghệ mang tính cách mạng trong soi chiếu container và các ứng dụng khác (PGS.TS. Vương Hữu Tấn, Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam), Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong khảo sát chẩn đoán hệ thống công nghệ - đánh giá thực trạng và dự báo (KS. Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp); Tiến bộ mới trong lĩnh vực địa vật lý trong dầu khí (KS. Nguyễn Xuân Quang, Xí nghiệp Địa Vật lý Giếng khoan, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro),....
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp, thu hút nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia và các đại biểu tập trung vào việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp, hợp tác giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế để thúc đẩy ứng dụng công nghệ bức xạ cho phát triển kinh tế - xã hội; nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt là ở các bệnh viện và cơ sở ứng dụng nhiều thiết bị công nghệ bức xạ tiên tiến, hiện đại. Kết quả của Hội thảo rất có giá trị cho công tác nghiên cứu xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo Nghị định quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử (Nghị định số 41/2019/NĐ-CP ngày 15/5/2019) do Cục Năng lượng nguyên tử chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới./.