Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Thế Phong
Hội nghị là dịp để kết nối các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, đồng thời là sự lan tỏa những tri thức công nghệ tiên tiến nhất và kinh nghiệm thực tiễn đến các bên, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam.
Smart City Summit 2019 tập trung thảo luận các giải pháp cho việc xây dựng những thành phố thông minh với các trụ cột chính: Quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh; các dịch vụ, tiện ích thông minh và hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa. Hội nghị còn thảo luận sâu 4 chuyên đề: Điều hành thành phố thông minh dựa trên định hướng dữ liệu; chính quyền số và tài chính cho Smart City; hạ tầng và công nghệ cho Smart City; các ứng dụng Smart City.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, áp lực của quá trình đô thị hóa là rõ ràng với sự ra đời của ngày càng nhiều siêu đô thị. Vì vậy, việc xây dựng thành phố thông minh chính là một giải pháp nền tảng để đối phó với những áp lực đó, nâng cao sức cạnh tranh cho từng đô thị, từng quốc gia. Riêng tại Việt Nam, theo khảo sát tốc độ tăng trưởng đô thị hóa đã được tăng nhanh từ 19,6% (2009) lên 36% (2018) và dự kiến 45% (2020).
Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, Chính phủ đã chính thức khuyến khích tất cả 63, tỉnh, thành phố xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, trên 30 tỉnh/thành phố đã hợp tác với các đối tác công nghệ để thiết kế và phát triển lộ trình thực hiện thành phố thông minh.
Đại diện chính quyền địa phương, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hiện đã ban hành khung kiến trúc và đề án thành phố thông minh. Mục tiêu đến 2030, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối và đồng bộ với mạng lưới thành phố thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Ngoài việc kế thừa các cơ sở hạ tầng dữ liệu của Chính phủ điện tử, Đà Nẵng tiếp tục triển khai các ứng dụng thông minh đã thực hiện từ năm 2014. Đến nay, thành phố đã và đang triển khai 53 dự án chính với kinh phí hơn 2.200 tỉ đồng để triển khai các dự án về thành phố thông minh đến năm 2025. Hội nghị này là dịp quan trọng để thành phố tìm kiếm mô hình, giải pháp, kết nối với các chuyên gia, đối tác trong nước và ngoài nước về xây dựng thành phố thông minh.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ TT&TT rất quan tâm và đã xây dựng khung tham chiếu CNTT - Truyền thông (ICT) phát triển thành phố thông minh. Theo đó, yếu tố tiên quyết trong việc xây dựng và phát triển các thành phố, đô thị thông minh là phải thông minh hóa các hạ tầng hiện có (giao thông, năng lượng, trường học, y tế…); đồng thời tập trung phát triển hạ tầng thông tin, coi hạ tầng thông tin, dữ liệu là xương sống trong phát triển Smart City.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đề nghị các tỉnh/thành cần phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT và các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các chính sách liên quan dữ liệu mở. Từ đó, tạo đà và nền tảng cho việc cung cấp các dịch vụ mới, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp và phục vụ người dân.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện các tập đoàn công nghệ và dữ liệu hàng đầu thế giới và Việt Nam như Cisco, Samsung, VISA, PwC, FPT, MISA… đã mang đến những thông tin hữu ích và cập nhật về cách thức mà các công nghệ mới như AI, IoT, Big Data, Blockchain… hiện hữu và hỗ trợ việc vận hành, quản lý các thành phố thông minh như thế nào.
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Ket-noi-cong-nghe-va-kinh-nghiem-de-phat-trien-thanh-pho-thong-minh/378122.vgp