Khai mạc Diễn đàn khoa học và công nghệ hạt nhân chống biến đổi khí hậu tại thủ đô Viên, Cộng hòa Áo (ảnh: Cục Năng lượng nguyên tử)
Khóa họp lần thứ 62 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã chính thức khai mạc và diễn ra từ ngày 17-21/9/2018 tại trụ sở chính của IAEA. Trong một tuần diễn ra Hội nghị, nhiều sự kiện bên lề như gặp gỡ song phương, trưng bày triển lãm, tham quan phòng thí nghiệm sẽ đồng thời được tổ chức và nổi bật trong số đó là sự kiện Diễn đàn khoa học khai mạc ngày 18/9/2018. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Công nghệ hạt nhân đối với biến đổi khí hậu: Giảm thiểu tác động, giám sát và thích nghi”. Diễn đàn lần này đã thu hút được sự chú ý tham gia của hầu hết các quốc gia thành viên tham dự Đại hội đồng, trong đó có Đoàn đại biểu Việt Nam.
Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn về môi trường mà nhân loại đang phải đối mặt hiện nay. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ ràng hơn với các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên, mực nước biển dâng cao và sự lây lan của các loại bệnh trên thực, động vật cũng như sự phát triển của các loài côn trùng gây hại.
Khoa học và công nghệ hạt nhân đang ngày càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức này. Đây là công cụ để theo dõi những thay đổi về khí hậu và giúp các quốc gia thích ứng trước các tác động ảnh hưởng bởi những biến đổi này. Diễn đàn khoa học năm nay tập trung xem xét những giải pháp mà khoa học và công nghệ hạt nhân có thể góp phần giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu theo Mục tiêu phát triển bền vững 2015 và Hiệp định Paris 2016. Với ba phiên thảo luận diễn ra trong hai ngày của Diễn đàn, các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu trên thế giới đã nêu lên những cách thức mà kỹ thuật hạt nhân có thể giúp các quốc gia thành viên giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với điều kiện khí hậu thay đổi.
Vai trò của điện hạt nhân trong giảm lượng phát thải khí nhà kính
Trong phiên thảo luận đầu tiên, Diễn đàn đã nêu bật vai trò của điện hạt nhân trong việc đồng thời giảm lượng phát thải khí nhà kính và đảm bảo nhu cầu năng lượng để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Trong tình trạng thiếu năng lượng và khoảng 70% nguồn điện năng hiện nay được cung cấp từ nhiên liệu hóa thạch, để đáp ứng mục tiêu biến đổi khí hậu vào năm 2050, thế giới sẽ cần phải thay đổi cơ cấu nguồn điện sao cho 80% điện năng được sản xuất bằng nguồn cacbon thấp.
Quá trình hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân hầu như không phát thải khí nhà kính hoặc các chất gây ô nhiễm không khí. Hiện nay, điện hạt nhân tạo ra khoảng 11% điện năng toàn cầu và chiếm 1/3 nguồn năng lượng điện cacbon thấp của thế giới.
Bên cạnh những lợi ích mang lại, Diễn đàn cũng đã thảo luận về những thách thức chính mà điện hạt nhân phải đối mặt, bao gồm các vấn đề về nguồn lực tài chính và sự chấp nhận của công chúng. Ngoài ra, các quốc gia mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân đã có những chia sẻ về quan điểm của họ cũng như vai trò của việc thúc đẩy mở rộng phát triển điện hạt nhân trong tương lai.
Theo dõi và đánh giá các biến đổi
Biến đổi khí hậu có nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng nồng độ của các khí nhà kính trong khí quyển. Những đánh giá về việc thay đổi nồng độ khí vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu nhằm hỗ trợ các quốc gia trong việc hoạch định và phát triển chiến lược giảm thiểu. Trong phiên thảo luận thứ hai, Diễn đàn tập trung vào sự cần thiết của việc xây dựng hệ dữ liệu chính xác và kịp thời, cũng như làm thế nào kỹ thuật hạt nhân có thể xác địnhsự biến đổi của khí hậu và các tác động, qua đó làm nổi bật sự liên quan của khoa học và kỹ thuật hạt nhân trong việc đánh giá các hiệu ứng khí hậu.
Kỹ thuật hạt nhân và đồng vị được sử dụng để đo lường sự axit hóa và ấm lên của đại dương, đồng thời hỗ trợ các quốc gia thành viên theo dõi và quản lý nguồn cung cấp nước ngọt toàn cầu cũng như hiểu rõ hơn về tác động của canh tác nông nghiệp đối với môi trường.
Thích ứng với các thay đổi của môi trường
Trái đất đang phải đối mặt với những hiện tượng nóng lên toàn cầu như khan hiếm nguồn thức ăn hay sự biến mất của các hệ sinh thái. Các ngành kinh tế - xã hội cần phải thích ứng với môi trường thay đổi, trong đó đặc biệt là ngành nông nghiệp.
Trong phiên thảo luận thứ ba, Diễn đàn đã tập trung làm rõ cách thức mà kỹ thuật hạt nhân có thể được sử dụng để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, thích nghi điều kiện thay đổi; giải quyết các rủi ro đối với vấn đề an toàn thực phẩm và ngăn chặn côn trùng gây hại, các bệnh trên vật nuôi./.