Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam có: Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN; Ông Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN; Ông Bùi Đăng Hạnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Viện NLNTVN; Ông Hoàng Sỹ Thân, Phó Trưởng ban Kế hoạch và Quản lý khoa học, Viện NLNTVN; Ông Vũ Tiến Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE), Viện NLNTVN; Ông Nguyễn Hữu Quang, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI), Viện NLNTVN; Ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1); Ông Nguyễn Trường Lưu, Phó Liên đoàn trưởng, Liên đoàn Vật lý Địa chất, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Về phía Lào có: Ông Kongsaysy Phommaxay, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN; Ông Viengthong Vongthavilay, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Bà Laddavanh Sivongxay, cán bộ Vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Toàn cảnh hội thảo An toàn Đập thủy điện tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Mục tiêu của Hội thảo là nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ Bộ KH&CN Lào kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống đập thủy điện. Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày: (1) Thực trạng và nhu cầu đánh giá an toàn hệ thống đập thủy điện tại Lào do Vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lào trình bày. Phía Lào đề nghị VINATOM giúp khảo sát, đánh giá an toàn các đập A, C, E, F trong hệ thống đập Xe pian- Xe Namnoy và lập báo cáo trình chính phủ Lào trong quý 1 năm 2019; (2) Xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa trong các tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập (PECC1); (3) An toàn đập tại Việt Nam (PECC1); (4) Giới thiệu các phương pháp địa vật lý (Liên đoàn Vật lý Địa chất); (5) Giới thiệu các kỹ thuật hạt nhân trong đánh giá an toàn đập (CANTI/VINATOM).
Đại biểu Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 trình bày tại hội thảo
Sau các bài trình bày, đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận sôi nổi, tìm ra các giải pháp, lộ trình, kế hoạch thực hiện để giúp đỡ phía Lào thực hiện nhiệm vụ đánh giá an toàn các đập A, C, E, F.
Thay mặt cho phía Việt Nam, ông Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã đưa ra Kế hoạch hành động: Lập 01 đội công tác gồm 6-8 người từ Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1, Liên đoàn Vật lý Địa chất, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sang Lào khảo sát tình hình thực tế tại các đập thủy lợi A, C, E, F; Lập phương án kiểm tra, theo các tiêu chuẩn, phương pháp do phía Bộ KH&CN Lào lựa chọn; Tiến hành kiểm tra, lập báo cáo đánh giá. Thời gian thực hiện phương án này khoảng 5 tháng bao gồm: 2 tháng khảo sát, thu thập dữ liệu, 3 tháng kiểm tra, phân tích và lập báo cáo.
Đại diện của đoàn Bộ KH&CN Lào phát biểu thể hiện sự nhất trí với đề xuất của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và bày tỏ mong muốn tiếp tục củng cố và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam với Bộ KH&CN Lào nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Lào./.