Thứ tư, 19/09/2018 09:05 GMT+7

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 về Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO là sự kiện chính thức lớn nhất của UNESCO

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 về Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO là sự kiện chính thức lớn nhất của UNESCO về Công viên Địa chất Toàn cầu (Geopark), diễn ra từ ngày 09-14/9/2018 tại Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Adamello Brenta, Trentino, Italia.

Đây là hoạt động quan trọng nhất của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) của UNESCO, được tổ chức luân phiên 2 năm 1 lần tại các CVĐCTC trên thế giới. Hội nghị lần này có chủ đề “Công viên địa chất và phát triển bền vững”, thu hút hơn 1.200 đại biểu đến từ 140 CVĐCTC cũng như từ rất nhiều CVĐC ứng viên khác tại 64 quốc gia trên thế giới, các nhà quản lý, chuyên gia và nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp...

 

 

Hội nghị bao gồm một số phiên họp toàn thể của Mạng lưới, của Ban chấp hành, Ban tư vấn, cùng nhiều hội thảo khoa học với trên 250 bài trình bày theo các lĩnh vực như: Hợp tác UNESCO quốc tế và khu vực; Giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng; Bảo tồn và nghiên cứu khoa học; CVĐC, du lịch và phát triển bền vững; CVĐC, biến đổi khí hậu và tai biến địa chất; CVĐC ở những vùng núi lửa; CVĐC trên các đảo; CVĐC và Agenda 2030; các CVĐC ứng viên...

Đoàn Việt Nam tham gia rất tích cực và đông đảo, với các đại biểu đến từ hai CVĐCTC là Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), Non Nước Cao Bằng, hai CVĐC ứng viên là Quảng Ngãi và Đăk Nông; đại diện của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Chuyên môn về Công viên Địa chất Toàn cầu của Việt Nam, các nhà khoa học từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh, tổng cộng tới 50 đại biểu.

Đoàn Việt Nam đã tham gia chủ trì 01 phiên hội thảo, trình bày 09 tham luận và 02 poster nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, bảo tồn và phát triển các giá trị di sản ở các CVĐC cũng như một số khu vực tiềm năng khác của Việt Nam, bao gồm:

1. Giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng ở CVĐCTC, một công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển bao trùm và có sự tham gia của cộng đồng;

2. Bảo tàng mini - Một sáng kiến triển lãm mới ở CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn nhằm đẩy mạnh hợp tác với các đối tác và thúc đẩy phát triển bền vững ở địa phương;

3. “Trăm nghe không bằng một thấy” - một cách tiếp cận trong giáo dục cộng đồng ở CVĐC Quảng Ngãi;

4. CVĐCTC Non Nước Cao Bằng - nhân tố chính trong việc phát triển bền vững kinh tế xã hội ở tỉnh Cao Bằng, Việt Nam;

5. Giới thiệu một số giá trị di sản địa chất ở dải ven biển miền Trung Việt Nam;

6. Một số giá trị di sản ở CVĐC Đăk Nông;

7. Tri thức bản địa về di sản địa chất - một số kết quả nghiên cứu bước đầu ở CVĐC Gia Lai;

8. Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng ở CVĐC Đăk Nông;

9. Một số giá trị di sản ở CVĐC Gia Lai;

10. Các kiểu di sản địa chất ở vùng Tam Giang - Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế;

11. Thách thức trên đường hướng đến danh hiệu CVĐCTC - Một số bài học từ CVĐC Quảng Ngãi.

Đoàn Việt Nam cũng tham gia trưng bày một gian hàng chung tại Hội chợ CVĐCTC, với sự tham gia của các CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn và Non Nước Cao Bằng và các CVĐC ứng viên Đăk Nông và Quảng Ngãi.

Ban tổ chức hội nghị đánh giá cao sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam trong việc hỗ trợ, tham gia triển khai các hoạt động và chuyên môn của Mạng lưới CVĐCTC của UNESCO. Trưởng Tiểu ban Chuyên môn về Công viên Địa chất Toàn cầu của Việt Nam - PGS.TS. Trần Tân Văn - được mời tham gia Ban tư vấn của Mạng lưới CVĐCTC của UNESCO (GGN) cũng như của Mạng lưới CVĐCTC khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APGN), đồng thời được bầu làm Trưởng nhóm làm việc về Karst ở APGN.

Một trong những nội dung “nóng” nhất của Hội nghị là về vai trò của CVĐCTC với Chương trình nghị sự Agenda 2030, bao gồm 01 bài giảng chính và 01 hội thảo chuyên đề, với sự tham gia của những “nước lớn” trong lĩnh vực CVĐC như Trung Quốc, CHLB Đức, Bồ Đào Nha...

Hội nghị cũng thông báo kết quả thẩm định, tái thẩm định các CVĐC trên thế giới. Non Nước Cao Bằng đã được trao Chứng nhận là CVĐCTC của UNESCO. Cao nguyên đá Đồng Văn cũng đón nhận tin vui về kết quả tái thẩm định 2018.

 

 

Hội nghị cũng thông báo quyết định của Mạng lưới về các kỳ họp tới, theo đó Hội nghị quốc tế lần thứ 6 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 sẽ được tổ chức tại Indonesia, trong khi Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về CVĐCTC UNESCO năm 2020 sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc.

Hiện tại, Việt Nam đã bước đầu xây dựng hệ thống Công viên địa chất ở một số địa phương. Theo đó, ngoài các công viên địa chất tại Hà Giang và Cao Bằng, 5 địa phương khác đang có kế hoạch xây dựng công viên địa chất cấp tỉnh, bao gồm Quảng Ngãi, Bắc Kạn, Phú Yên, Đăk Nông và Gia Lai./.

 

Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên

Lượt xem: 4934

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)