Thứ tư, 22/08/2018 16:44 GMT+7

Hội thảo về Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình giữa Việt Nam và Campuchia

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong 2 ngày 15-16/8/2018 tại trụ sở của Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia, Đoàn công tác của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) do TS. Trần Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN làm trưởng đoàn cùng TS. Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) và các thành viên khác của đoàn đã cùng với Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia tổ chức Hội thảo kỹ thuật về Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực NLNT vì mục đích hoà bình giữa Việt Nam và Campuchia.

Đoàn công tác của Viện NLNTVN chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu của Campuchia

  

Tham dự Hội thảo, về phía Campuchia có TS. Chan Sodavath - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng và gần 20 đại biểu thuộc Tổng cục Năng lượng, các bệnh viện, cơ sở nghiên cứu của Campuchia.

Khai mạc Hội thảo, thay mặt Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia, TS. Chan Sodavath đã gửi lời cám ơn đến Lãnh đạo Bộ KH&CN Việt Nam đã có những chỉ đạo cụ thể trong quá trình hợp tác, đồng thời cám ơn Lãnh đạo Viện NLNTVN đã tích cực và chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác và xem đây là “Hội thảo kỹ thuật lần thứ nhất” để thảo luận các nội dung có thể hợp tác. Giới thiệu tóm tắt về hoạt động trong lĩnh vực NLNT, TS. Chan Sodavath cho biết, Campuchia đã là thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) rất sớm, từ tháng 2/1958, nhưng năm 2003 đã rút khỏi thành viên và đến năm 2009 mới tham gia trở lại. Vì vậy, các hoạt động đáng kể về ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình chủ yếu là từ năm 2009, và từ năm 2011 đến nay đã và đang được IAEA hỗ trợ nhiều dự án hợp tác kỹ thuật và được Nhà nước quan tâm đầu tư vào nhiều lĩnh vực ứng dụng, đặc biệt là trong y tế để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Hiện nay, nhu cầu ứng dụng NLNT nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia ngày càng cao. Vì vậy, nhu cầu mở rộng và đẩy mạnh hợp tác với các nước là một thực tế, trong đó có Việt Nam bởi Việt Nam đã có trên 40 năm kinh nghiệm trong xây dựng tiềm lực, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng NLNT vào các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường,… Trên cơ sở chuyến thăm Việt Nam vào các ngày 6-9/8/2018 của đoàn Campuchia do ông Tun Lean - Thứ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng dẫn đầu, TS. Chan Sodavath đã đề xuất một số nội dung có thể hợp tác với phía Việt Nam trong thời gian tới để trao đổi tại Hội thảo, bao gồm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực y học hạt nhân, y vật lý, hóa phóng xạ, an toàn bức xạ; các ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ bức xạ, kiểm tra không phá hủy, nông nghiệp; xây dựng cơ sở chiếu xạ nguồn Co-60, v.v...

Phát biểu đáp lời phía bạn, TS. Trần Ngọc Toàn đã điểm lại một số buổi làm việc, trao đổi giữa 2 nước trong thời gian qua để xây dựng kế hoạch hợp tác và nhấn mạnh mục đích tổ chức Hội thảo lần này là nhằm triển khai một số nội dung đã được Bộ KH&CN Việt Nam phê duyệt kinh phí thực hiện trong năm 2018, đồng thời trao đổi các nội dung có thể hợp tác cho các năm tiếp theo. TS. Trần Ngọc Toàn cũng đánh giá cao tinh thần hợp tác và tình hữu nghị láng giềng vốn có giữa hai nước Việt Nam và Campuchia nói chung, giữa Viện NLNT Việt Nam và Tổng cục Năng lượng của Campuchia nói riêng, là tiền đề tốt để hợp tác có hiệu quả.

Sau phần tự giới thiệu của các đại biểu tham dự Hội thảo, hai bên trình bày các báo cáo chuyên môn và đề xuất các nội dung có thể hợp tác.

Về phía Việt Nam, TS. Phan Sơn Hải đã trình bày bài giới thiệu tổng quan về các ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ tại Viện NCHN Đà Lạt phục vụ các ngành y tế, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, … trong đó nhấn mạnh đến hướng ứng dụng các đồng vị phóng xạ tự nhiên vào nghiên cứu xói mòn và suy thoái đất nông nghiệp, bồi lắng hồ chứa và các công trình thủy vùng cửa sông, nghiên cứu các quá trình môi trường và quản lý môi trường bằng kỹ thuật hạt nhân, …

ThS. Dương Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ thuộc Viện NCHN trình bày về tình hình, kinh nghiệm và khả năng sản xuất đồng vị và dược chất đánh dấu tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt phục vụ nội địa và xuất khẩu sang Campuchia; đã và đang cung cấp định kỳ cho Trung tâm quốc gia về ung thư của Campuchia từ ngày đầu đi vào hoạt động vào tháng 10/2017.

 

ThS. Dương Văn Đông trình bày về kinh nghiệm sản xuất đồng vị và dược chất đánh dấu tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

 

ThS. Phạm Hùng Thái, Giám đốc Trung tâm An toàn bức xạ thuộc Viện NCHN trình bày về tình hình đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và kế hoạch ứng phó sự cố tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, nghiên cứu và cung cấp dịch vụ định liều cá nhân tại Viện NCHN.

Về phía Campuchia cũng có 3 bài trình bày tại Hội thảo. TS. Lek Vansopanha, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Năng lượng và Khoa học hạt nhân thuộc Tổng cục Năng lượng trình bày tóm lược về tổ chức và các hoạt động chính về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, an toàn bức xạ và an ninh hạt nhân của Cục, là tổ chức nghiên cứu và phát triển ứng dụng, quản lý về NLNT của Campuchia. Báo cáo đã giới thiệu các dự án hợp tác kỹ thuật với IAEA, những thách thức và nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình với các nước.

Giáo sư Eav Sokha, Giám đốc Trung tâm Ung thư Quốc gia thuộc Bệnh viện Calmette – là Trung tâm được Nhà nước đầu tư xây dựng từ 12 năm nay theo tiêu chuẩn quốc tế, trình bày về tổ chức, thiết bị và nhân lực của Trung tâm, tầm nhìn và kỳ vọng của Trung tâm trong phát triển dài hạn.

TS. Rith Sophearin, khoa Ung bướu thuộc Bệnh viện Hữu nghị Khmer - Xô Viết, trình bày tình hình chữa trị ung thư tại bệnh viện, kế hoạch tăng cường thiết bị và mở rộng hoạt động của khoa trong thời gian tới.

Ngoài 2 bệnh viện có khoa/ trung tâm điều trị ung thư nêu trên, Campuchia đang xây dựng bệnh viện phụ nữ để điều trị ung thư và các bệnh hiểm nghèo cho phụ nữ.

Trao đổi tại Hội thảo cho thấy, tại 2 bệnh viện có khoa/ trung tâm điều trị ung thư nêu trên đều có nhu cầu đào tạo cho các nhân viên và các kỹ thuật viên về chuyên môn hóa phóng xạ, đảm bảo an toàn bức xạ cũng như đội ngũ vận hành, bảo trì thiết bị chiếu xạ, v.v.. Tuy nhiên, nhân viên của họ đã và đang được gửi đi đào tạo tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Bỉ, … cũng như các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thailand, Philippines, … Có nhiều chuyên gia nước ngoài (Úc) làm việc thiện nguyên 6 tháng đến 1 năm tại Trung tâm Ung thư Quốc gia. Bên cạnh đó, nhu cầu hợp tác của phía Campuchia không chỉ giới hạn trong Viện NLNTVN, mà cả với Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (về thanh tra, cấp phép) và ngành Y tế (an toàn bức xạ trong vận hành và sử dụng máy gia tốc),… nên về phía Việt Nam cần có sự hợp tác liên ngành để hợp tác với Campuchia thực sự có hiệu quả.

Kế hoạch và nội dung đào tạo về hóa phóng xạ, an toàn bức xạ, kỹ thuật định liều cá nhân trên máy Harshaw 6600, v.v.. đã được 2 bên trao đổi chi tiết về đối tượng, số lượng, thời gian để thực hiện trong năm 2018 theo kế hoạch đã được phê duyệt.

 Phía Campuchia cũng nhắc lại sự kiện Hội thảo quốc gia về công nghệ hạt nhân và bức xạ do Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia phối hợp với IAEA tổ chức thực hiện vào tháng 11/2018 với khoảng 200 đại biểu. Phía Campuchia đề xuất phía Việt Nam cử chuyên gia sang tham dự và chia sẻ kinh nghiệm về một số nội dung liên quan.

Sau Hội thảo, Đoàn công tác đi thăm các phòng thí nghiệm và thiết bị của Cục Kỹ thuật Năng lượng và Khoa học hạt nhân, Trung tâm Ung thư Quốc gia thuộc  Bệnh viện Calmette, Khoa Ung bướu của Bệnh viện Hữu nghị Khmer - Xô Viết, Tổng cục Nông nghiệp và Viện Nghiên cứu lúa thế giới tại Campuchia. Tại Tổng cục Nông nghiệp và Viện Nghiên cứu lúa thế giới, Đoàn công tác đã giới thiệu một số kết quả nổi bật của Việt Nam trong nghiên cứu xói mòn và bảo vệ đất canh tác, trong nghiên cứu đột biến giống hoa (do TS. Phan Sơn Hải trình bày); giới thiệu về trang thiết bị, các hoạt động nghiên cứu, triển khai tại Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ - VINAGAMMA (do ông Lê Minh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm trình bày). Phía bạn tỏ ra quan tâm và mong muốn hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu xói mòn cho vùng đất trồng sắn, nghiên cứu về đột biến giống lúa. Kế hoạch cụ thể về hợp tác trong các lĩnh vực này sẽ được bàn đến trong tương lai, trong sự phối hợp với một vài cơ sở nghiên cứu của Việt Nam, tuy nhiên, trước mắt Viện NCHN hứa sẽ giúp Campuchia phân tích các mẫu đất phục vụ nghiên cứu xói mòn và chiếu xạ hạt giống trên nguồn chiếu xạ Co-60 khi bạn có nhu cầu.

 

Hình ảnh tại buổi Hội thảo

 

Với không khí trao đổi cởi mở tại Hội thảo, sự thu xếp chu đáo đi thăm các cơ sở nghiên cứu và ứng dụng, “Hội thảo kỹ thuật lần thứ nhất” giữa Việt Nam và Campuchia đã kết thúc tốt đẹp, hai bên hiểu biết nhau hơn về tiềm lực, nhu cầu và khả năng hợp tác; đã thảo luận chi tiết về các nội dung thực hiện của năm 2018 và đưa ra một số định hướng hợp tác cho các năm tiếp theo giữa Viện NLNTVN - Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Mỏ và Năng lượng của Camphuchia.

Một số hình ảnh tham quan và làm việc của Đoàn công tác:

 

 

Thăm quan Trung tâm Ung thư Quốc gia, Bệnh viện Calmette, Campuchia

 

Tham quan Bệnh viện Hữu nghị Khmer - Xô Viết

 

Thăm và làm việc với Tổng cục Nông nghiệp Campuchia

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 3256

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)