Toàn cảnh buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc về phía Bộ KH&CN còn có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Cục Sở hữu trí tuệ; Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; Văn phòng 1136, Văn phòng Bộ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Tạp chí KH&CN Việt Nam.
Đoàn Bộ Ngoại giao do đồng chí Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ làm Trưởng đoàn cùng đại diện của khoảng 20 cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Tổng hợp kinh tế.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chúc mừng các Trưởng, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giao nhiệm trọng trách Trưởng các cơ quan đại điện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2018-2021; đồng thời nhấn mạnh về mối quan hệ hợp tác giữa Bộ KH&CN và Bộ Ngoại giao nói chung, giữa mạng lưới Cơ quan thường trú ngoài nước của Bộ KH&CN và hệ thống Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng là hết sức gắn bó và ngày càng hiệu quả, đóng góp vào thành tích chung của ngành ngoại giao và ngành KH&CN thời gian qua.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã giới thiệu một số nét về quá trình phát triển của ngành KH&CN trong năm qua. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong những năm qua Bộ KH&CN đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của Bộ Ngoại giao, những đồng chí được cử đi làm Trưởng các cơ quan đại diện ở nước ngoài trước khi đi đều đến thăm và làm việc tại Bộ. Đây là cơ hội để Bộ báo cáo những vấn đề có liên quan để các đồng chí làm việc tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể hỗ trợ cho ngành KH&CN ở trong nước cũng như giúp cho Bộ KH&CN thiết lập quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới.
Chia sẻ về sự chuyển dịch chính sách KH&CN, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua KH&CN luôn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII đã xác định KH&CN cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI cũng đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ là đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KH&CN, tập trung vào 3 trụ cột là đổi mới phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN.
KH&CN đã có bước chuyển động, nghiên cứu gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, trong sự phát triển của KH&CN luôn có sự đồng hành với các ngành kinh tế-xã hội. Sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động đổi mới công nghệ và nghiên cứu triển khai được chú trọng. Hợp tác giữa khối doanh nghiệp và đại học đã tăng lên.
Việc xác định lấy Doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cũng như của các Bộ, ngành trong việc tập trung nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy KH&CN và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Về 5 lực lượng làm khoa học và công nghệ, Bộ trưởng cho biết: Bên cạnh đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách KH&CN, nhà khoa học làm việc tại viện nghiên cứu và trường đại học, nhà khoa học trong doanh nghiệp, người dân đam mê nghiên cứu còn có lực lượng nhà khoa học làm việc ở nước ngoài. Do vậy, vai trò của các cơ quan đại diện là rất quan trọng.
Đối với hội nhập quốc tế về KH&CN, Bộ trưởng cũng thông báo tới Đoàn đến thời điểm hiện tại chúng ta đã hợp tác KH&CN với tất cả các nước lớn, các đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện. Để thực hiện việc hội nhập quốc tế và đuổi kịp các nước trong lĩnh vực KH&CN, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&CN xây dựng mạng lưới đại diện KH&CN ở nước ngoài. Hiện tại Bộ KH&CN đã có đại diện KH&CN ở 12 quốc gia và vùng lãnh thổ với 21 địa bàn.
Bộ trưởng đề nghị các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ KH&CN về hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN; hỗ trợ, giúp đỡ các đại diện về KH&CN ở các nước này hoàn thành tốt công việc được giao.
Ông Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Sanh Châu thay mặt các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi lời cảm ơn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đến Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh về sự hợp tác tốt đẹp giữa hai Bộ trong thời gian qua. Chúc mừng thành tích của Bộ KH&CN đạt được, ông Phạm Sanh Châu cho rằng, những nỗ lực Bộ KH&CN đã và đang triển khai trong thời gian qua càng khẳng định vai trò “then chốt” của KH&CN và những đóng góp của KH&CN trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà.
“Những thông tin chia sẻ thẳng thắn cũng như “đặt hàng” cụ thể từ phía Bộ KH&CN sẽ giúp Đoàn có thêm nhiều thông tin để kết nối trong quá trình triển khai nhiệm vụ tại nước ngoài và trên từng địa bàn cụ thể” - ông Phạm Sanh Châu khẳng định.
Nhân dịp này, một số Trưởng đại diện cũng đã trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác ngoại giao về KH&CN, thông qua đó nêu lên các ý kiến cũng như phương thức phối hợp giữa Bộ KH&CN với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và ông Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chụp ảnh lưu niệm với Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước khi lên đường nhận nhiệm vụ nhiệm kỳ mới