Thứ sáu, 20/07/2018 10:52 GMT+7

Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 9 về nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân

Trong 2 ngày 12-13/7/2018, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN - VINATOM), Trung tâm Văn hóa và Thông tin Nhật Bản (JICC) và Công ty phát triển năng lượng quốc tế Nhật Bản (JINED) đã tổ chức Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 9 về nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN), Đà Lạt.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Việt - Nhật lần thứ 9 về nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân

 

Tham dự Diễn đàn với chủ đề về “Hiện trạng, xu hướng và thiết kế lò phản ứng nghiên cứu, về phía Việt Nam có lãnh đạo Viện NLNTVN, lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu Viện NCHN, đại diện Trung tâm Hạt nhân TP. Hồ Chí Minh, đại diện Cục Năng lượng Nguyên tử và đại diện Trường Đại học Đà Lạt.

Về phía Nhật Bản có đại diện của Đại sứ quán Nhật Bản, Trung tâm Văn hóa và Thông tin Nhật Bản (JICC), Công ty phát triển năng lượng quốc tế Nhật Bản (JINED), Diễn đàn Công nghiệp nguyên tử Nhật Bản (JAIF), Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA), Công ty Điện lực Chubu và các giáo sư của Học viện Công nghệ Tokyo, Đại học Công nghệ Nagaoka, Đại học Kyoto cùng các nhà nghiên cứu phát triển đến từ các tập đoàn Toshiba, Hitachi và Mitsubishi.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN đã chào mừng các đại biểu tới tham dự Diễn đàn lần này. Theo TS. Nguyễn Hào Quang lò phản ứng nghiên cứu đóng một vai trò rất quan trọng trong chương trình phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình tại mỗi quốc gia. Hiện  nay ở Việt Nam chỉ có một lò phản ứng nghiên cứu duy nhất có công suất 500kW đặt tại Viện NCHN(Đà Lạt). Tuy nhiên, lò này đã vận hành trên 30 năm và việc tiếp tục khai thác lò sẽ bị hạn chế trong nhiều yếu tố nhưthông lượng neutron thấp, các kênh bên trong và thiết bị thí nghiệm xung quanh lò bị giới hạn, v.v…Vì vậy, cần thiết phải xây dựng lò nghiên cứu mới với công suất cao và đa mục đích trong tương lai. TS. Nguyễn Hào Quang hy vọng đây sẽ là dịp để các cán bộ nghiên cứu của Việt Nam học hỏi và trao đổi các kinh nghiệm liên quan đến vận hành, thiết kế, đào tạo và sử dụng lò nghiên cứu. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng là dịp để các nhà nghiên cứu của cả hai bên Việt Nam và Nhật Bản cập nhật thông tin về tình hình liên quan của mỗi bên.
 

TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

 

Tiếp theo, các đại biểu đã được nghe Giáo sư danh dự Masaki Saito, Học viện Công nghệ Tokyo, điểm lại những lần tổ chức Diễn đàn Việt Nhật tại Việt Nam từ trước đến nay.

  • Forum lần thứ 1: 23-24/12/2013, chủ đề “Thủy nhiệt và Truyền nhiệt”, Đại học Bách Khoa Hà Nội, 100 đại biểu.
  • Forum lần thứ 2: 05-06/6/2014, chủ đề “Vật liệu cho Lò phản ứng nước nhẹ”, Đại học Bách Khoa Hà Nội, 120 đại biểu.
  • Forum lần thứ 3: 27-28/11/2014, chủ đề “Lò nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực sử dụng lò nghiên cứu”, Viện Nghiên cứu hạt nhân, 80 đại biểu.
  • Forum lần thứ 4: 27-28/5/2015, chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực cho cấp quản lý”, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, 80 đại biểu.
  • Forum lần thứ 5: 26-27/11/2015, chủ đề “Công nghệ và các chủ đ nghiên cứu hiện nay về Kiểm tra và chẩn đoán không phá hủy, sự xuống cấp (aging degradation) của nhà máy điện hạt nhân”, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, 90 đại biểu.
  • Forum lần thứ 6: 19-20/5/2016, chủ đề “Hướng nghiên cứu và Công nghệ mới về Điện tử hạt nhân, Đo lường & Điều khiển trong nhà máy điện hạt nhân và các ứng dụng bức xạ tại Việt Nam”, Viện Nghiên cứu hạt nhân, 100 đại biểu.
  • Forum lần thứ 7: 24-25/11/2016, chủ đề “Thực trạng sau tai nạn hạt nhân Fukushima”, Đại học Bách Khoa Hà Nội, 90 đại biểu.
  • Forum lần thứ 8: 7-8/12/2017,chủ đề“Ứng phó sự cố hạt nhân và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân”, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, 70 đại biểu.
  • Forum lần thứ 9: 12-13/7/2018, chủ đề “Hiện trạng, xu hướng và thiết kế lò phản ứng nghiên cứu”, Viện Nghiên cứu hạt nhân, 60 đại biểu.

Cho đến nay, sau 6 năm với nhiều đổi thay và thách thức, Giáo sư Saito bày tỏ vui mừng vì sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn được duy trì để Diễn đàn lần thứ 9 diễn ra trên cơ sở lòng tin được xây dựng giữa hai bên. Ông đánh giá cao và cảm ơn nỗ lực của hai phía Việt Nam và Nhật Bản để sự kiện này thành công tốt đẹp.

 

GS. Masaki Saito tại phiên khai mạc Diễn đàn lần thứ 9


Diễn đàn lần này được chia thành 5 phiên trong đó có 8 báo cáo của các đại biểu Việt Nam và 10 báo cáo của đại biểu phía Nhật Bản.

Chủ đề của phiên đầu tiên của Diễn đàn là vấn đề hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu cả hai bên- hiện trạng điện hạt nhân tại Nhật Bản, và nghiên cứu và quan trắc phóng xạ môi trường tại Việt Nam. Phía Nhật cho biết, trước khi sự cố hạt nhân tại Fukushima Daiichi xảy ra, có 54 lò phản ứng hạt nhân hoạt động tại Nhật. Sau đó, họ đã ra quyết định tháo dỡ 18 lò (kể cả 06 lò tại Fukushima Daiichi). Hiện nay, có 9 lò phản ứng nước áp lực đang vận hành và 33 lò có khả năng đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Những thách thức lớn nhất để các doanh nghiệp và công ty điện lực của Nhật có thể đáp ứng được với các tiêu chuẩn mới của các nhà máy điện là chi phí cải tạo bổ sung các thiết bị an toàn. Thực tế, các công ty đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ thẩm định, trong đó cân nhắc đến hiệu quả kinh tế giữa chi phí đầu tư với hiệu quả thu được. Chính vì vậy, hiện nay có một số nhà máy buộc phải tháo dỡ do không thể đảm bảo tính hiệu quả. Hiện tại phía Nhật đã có những điều chỉnh thay đổi về pháp quy. Nhiều ý kiến cho rằng các điều chỉnh pháp quy này mang đặc thù riêng của Nhật Bản, quá nghiêm khắc so với các chuẩn mực mang tính quốc tế. Các doanh nghiệp và công ty điện lực Nhật sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức để có thể đáp ứng được các yêu cầu mới trong bối cảnh hiện nay.

Tiếp theo, ông Lê Như Siêu, Giám đốc Trung tâm Môi trường, Viện NCHN đã  trình bày một số kết quả điển hình về hoạt động nghiên cứu và quan trắc phóng xạ môi trường tại một số tỉnh phía nam Việt Nam. Chương trình nghiên cứu, quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường được lập kế hoạch và khởi phát từ đầu những năm 1980 với các mục tiêu: (1) Thu thập bộ số liệu về nền phông phóng xạ trong các đối tượng môi trường và lương thực thực phẩm, làm cơ sở cho các đánh giá tác động môi trường và tiến đến đánh giá liều chiếu xạ công chúng; (2) Quan trắc, cảnh báo diễn biến tình trạng phóng xạ môi trường tại một số vùng chọn lọc; (3) Nghiên cứu, đánh giá sự dịch chuyển các nguyên tố phóng xạ trong môi trường; và (4) Tạo cơ sở khoa học kỹ thuật để sử dụng các đồng vị phóng xạ môi trường làm chỉ thị nghiên cứu các quá trình môi trường như trầm tích, xói mòn và lan truyền ô nhiễm trong không khí và nước, v.v…

Để đạt đến mục tiêu trên, các Phòng thí nghiệm Chuyên đề về phóng xạ môi trường (PTN) đã được trang bị khá tốt với các hệ phổ kế gamma bán dẫn phông thấp, xạ kế bêta phông thấp, phổ kế alpha và các thiết bị thu góp, xử lý mẫu đã từng bước được thiết lập ở Viện NCHN. Các Phòng thí nghiệm này đã tiến hành nghiên cứu xác lập các phương pháp phân tích phóng xạ có độ nhạy, độ chính xác cao và các nghiên cứu ứng dụng chọn lọc thông qua các đề tài, dự án, nhiệm vụ các cấp; tham gia vào các chương trình đảm bảo chất lượng phân tích IAEA-AQCS, IAEA-MEL, IAEA-RCA và hợp đồng nghiên cứu IAEA-CRP do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và Hợp tác Vùng Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức; cung cấp dịch vụ phân tích phóng xạ môi trường và lương thực thực phẩm cho các đối tác khác nhau. PTN tại Viện NCHN đã được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (VILAS 525) và đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (VIMCERTS 204). 

 

Ông Lê Như Siêu, Trung tâm Môi trường, Viện NCHN báo cáo tại Diễn đàn


Ngoài ra, báo cáo cũng trình bày tóm lược về hiện trạng các nghiên cứu, quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường với việc đã kịp thời ghi nhận và đánh giá được ảnh hưởng của 3 dị thường về phóng xạ trong môi trường không khí (liên quan đến sự cố Chernobyl, tro bay núi lửa Pinatubo, và sự cố Fukushima), đồng thời đề xuất một số phương hướng phát triển tiếp theo trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật này như: Nghiên cứu phát triển các phương pháp phân tích hoạt độ phóng xạ mức thấp trong các mẫu môi trường và lương thực thực phẩm, các nghiên cứu áp dụng chọn lọc và một số kết quả tiêu biểu về xác lập mức phông phóng xạ môi trường trong son khí, rơi lắng, đất, trầm tích, sinh vật (động - thực vật trên cạn và biển), nước (nước mặt, nước ngầm, nước biển), thực phẩm chủ yếu phục vụ cấp chứng thư xuất khẩu nông sản, tiến đến đánh giá liều chiếu trong dân chúng, và suất liều gamma môi trường, các nghiên cứu về thông số vận chuyển một số nhân phóng xạ hiểm từ không khí - đất - nước đến dây chuyền thực phẩm của người trong điều kiện nhiệt đới gió mùa, nghiên cứu rơi lắng tích lũy các nhân phóng xạ nhân tạo do các hoạt động và tai nạn hạt nhân trước đây trên thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam (phân bố vĩ độ, mô hình hồi quy thực nghiệm để đánh giá mật độ tồn lưu, tỷ số các đồng vị phóng xạ nhân tạo trong môi trường, các hệ số hấp thụ, hồi phục trong đất, v.v…).

Từ kết quả, kinh nghiệm nghiên cứu, quan trắc & cảnh báo phóng xạ môi trường trong thời gian qua và căn cứ vào Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020, một số phương hướng đã được đề xuất nghiên cứu và phát triển (hình thành bộ khung số liệu về nền phông phóng xạ môi trường và lương thực, thực phẩm Quốc giatiến đến đánh giá liều công chúng, thiếp lập mạng lưới các Trạm quan trắc phóng xạ môi trường cố định tổng thể, trên cơ sở nâng cấp các Trạm hiện có và xây dựng bổ sung các Trạm mới, v.v...).

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục NLNT đã  trình bày về vấn đề đào tạo sử dụng lò phản ứng nghiên cứu. Sau khi khái quát về lịch sử của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt,  TS. Hoàng Anh Tuấn đã giới thiệu vài nét về ấn phẩm “Các công trình tính toán và thực nghiệm về những đặc điểm của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt”, được xuất bản năm 2016 trên cơ sở hợp tác biên tập giữa Cục và Viện NLNTVN.Theo TS. Hoàng Anh Tuấn, trong những năm tới, rất cần thiết phải tập hợp và xuất bản phiên bản mới của ấn phẩm này. Điều quan trọng khác là phải lập chương trình quản lý tri thức hạt nhân (NKM - Nuclear Knowledge Management) theo hướng dẫn của IAEA để đảm bảo tính bền vững cho phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hạt nhân nói chung và vận hành lò phản ứng nói riêng. Chương trình NKM cần nhất quán với các hoạt động rà soát và phát triển cơ sở hạ tầng lò phản ứng nghiên cứu (INIR-RR mission) mà Cục NLNT, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân,Viện NLNTVN và IAEA dự kiến sẽ hợp tác thực hiện.

 

Toàn cảnh các phiên họp tại Diễn đàn


Các phiên họp tiếp theo của Diễn đàn diễn ra trong không khí cởi mở giữa chuyên gia và các nhà nghiên cứu hai nước, xoay quanh các chủ đề như những kinh nghiệm vận hành lò nghiên cứu JRR-3M của Nhật, hiện trạng vận hành và khai thác lò nghiên cứu Đà Lạt (Việt Nam), khởi động lại các lò nghiên cứu tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) theo các yêu cầu mới của các văn bản pháp quy. Các kinh nghiệm về thiết kế lò nghiên cứu cũng được thảo luận sôi nổi thông qua những báo cáo tham luận của Viện NCHN như một số kết quả chính của việc tính toán thiết kế (khái niệm) lò nghiên cứu mới với công suất cao 15 MW cho đa mục đích, phát triển các chùm nơtron phin lọc cho các nghiên cứu và ứng dụng tại lò nghiên cứu Đà lạt, và báo cáo của đại diện JICC và JAEA về các lò nghiên cứu hỗ trợ việc giới thiệu nhà máy điện hạt nhân, và sử dụng lò phản ứng nghiên cứu JRR-3 bao gồm thiết kế thiết bị trong kỹ thuật chiếu xạ pha tạp silicon.

Nội dung phiên họp 4 và 5 của Diễn đàn tập trung vào việc khai thác lò nghiên cứu cho phân tích kích hoạt neutron, sản xuất đồng vị phóng xạ áp dụng trong y tế, công-nông nghiệp và các ngành liên quan.Tại Diễn đàn này,đại diện của Trường Đại học Đà Lạt cũng trình bày về việc thiết kế chương trình dạy và học theo chuẩn CDIO (Conceiving, Designing, Implementing, Operating), nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân. Chương trình này được xây dựng với sự hợp tác quốc tế, của các giảng viên của trường và các nhà nghiên cứu và giảng viên thỉnh giảng từ Viện NCHN. Thay mặt cho trường, TS.Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ mong muốn sẽ được tham dự nhiều Diễn đàn Việt – Nhật hơn nữa để phát triển mối quan hệ hợp tác đào tạo giữa trường và các Đại học danh tiếng của Nhật Bản.
 

TS. Hồ Mạnh Dũng, Phó Viện trưởng Viện NCHN, phát biểu bế mạc tại Diễn đàn

  

Sau 2 ngày làm việc tích cực với những trao đổi, thảo luận cởi mở và thẳng thắn của từng phiên, tại phiên bế mạc, đại diện phía Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau tổng kết lại các bài trình bày trong Diễn đàn. TS. Hồ Mạnh Dũng, Phó Viện trưởng Viện NCHN, đã tổng kết các nội dung đã trình bày của phía Việt Nam và những ý chính trong trao đổi, thảo luận liên quan. TS. Kiyonobu Yamashita, Cố vấn dự án của Trung tâm hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICC), cũng đã tổng kết các nội dung đã trình bày của phía Nhật Bản. Ông Takehiro Tsuchiya, Tham tán Sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đã bày tỏ lời cảm ơn đến Ban tổ chức diễn đàn, Viện NLNTVN, Viện NCHN và toàn thể các nhà nghiên cứu của cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức thành công Diễn đàn. Sau đó, đoàn đại biểu Nhật Bản đã có chuyến thăm quan lò nghiên cứu Đà Lạt tại Viện NCHN.

Diễn đàn Việt - Nhật là hoạt động được tổ chức thường niên với mục đích hỗ trợ Việt Nam trong việc nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ hạt nhân. Đối với Việt Nam, Nhật Bản sẽ luôn là đối tác tin cậy, hy vọng hai nước vẫn tiếp tục hợp tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong tương lai./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 3354

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)