Thứ sáu, 20/07/2018 10:00 GMT+7

Việt Nam lần đầu thăm chính thức Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, Trung Quốc

Ngày 13/7/2018, Đoàn cán bộ năng lượng nguyên tử do PGS. TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) làm Trưởng đoàn đã thăm quan và làm việc chính thức với Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Phòng Thành tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác theo Bản Ghi nhớ (MOU) về quản lý pháp quy an toàn hạt nhân đã được ký kết giữa Cục ATBXHN và Cục An toàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vào ngày 12/11/2017 tại Hà Nội.

Đoàn Việt Nam thăm quan tổ máy 3 và 4 tại Nhà máy ĐHN Phòng Thành.
 

Hiện tại Trung Quốc có tất cả 56 tổ máy điện hạt nhân (ĐHN), trong đó 43 tổ máy đang hoạt động và 13 tổ máy đang xây dựng. Dự kiến đến năm 2020, số tổ máy của Trung Quốc sẽ là 90 – đứng thứ 2 thế giới về số lượng nhà máy ĐHN, đứng đầu thế giới về số lượng nhà máy ĐHN đang xây dựng. Nhà máy ĐHN Phòng Thành được Trung Quốc xây dựng ngay sát biên giới Việt Nam, cách cửa khẩu Móng Cái khoảng 50 km do Tập đoàn Điện lực Trung Quốc (CGN) làm chủ sở hữu. Nhà máy ĐHN Phòng Thành gồm 06 tổ máy sử dụng công nghệ HPR-1000 của Trung Quốc. Hai tổ máy 1 và 2 đã chính thức đi vào hoạt động lần lượt vào tháng 1 và tháng 10/2016.Tổ máy 3 và 4 được khởi công xây dựng vào ngày 24/12/2015 và 23/12/2916, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2021 và 2022. Theo tính toán, khi tổ máy số 3 đi vào hoạt động, tổng sản lượng điện phát ra là 16.500 GWh/năm tương đương với lượng tiêu thụ của 5,3 triệu tấn than hoặc giảm phát thải 13 triệu tấn CO2, 210.000 tấn SO2 và NOx, đồng thời tương đương với lượng phủ xanh 400.000 héc-ta. Dự kiến tổ máy 5 và 6 sẽ tiếp tục được xây dựng trong thời gian tới.

Tiếp Đoàn cán bộ Việt Nam, ông Fu Miaolei, Kỹ sư trưởng Nhà máy ĐHN Phòng Thành cho biết ông vui mừng được tiếp đón Đoàn cán bộ đầu tiên của Việt Nam thăm quan Nhà máy ĐHN Phòng Thành. Tổ máy số 1 của Nhà máy Phòng Thành là tổ máy đầu tiên sử dụng công nghệ CPR của Tập đoàn điện lực CGN đạt chỉ số vận hành tốt. Đến nay cả hai tổ máy 1 và 2 đều ở trong điều kiện vận hành an toàn và không có hiện tượng thiếu hụt nhiên liệu hay các hiện tượng bất thường xảy ra. Tính đến ngày 30/4/2018, tất cả 24 chỉ số xác định điều kiện vận hành của nhà máy ĐHN theo WANO tại 2 tổ máy này đều đạt được mức độ “tiên tiến” - nằm trong nhóm 25% tổ máy đạt được mức độ này trong tổng số 449 tổ máy ĐHN trên toàn thế giới. Ông cũng cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và vận hành nhà máy ĐHN cho các cán bộ có quan tâm của Việt Nam và hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục đón các đoàn chuyên gia sang thăm nhà máy ĐHN Phòng Thành nhằm thúc đẩy hợp tác về an toàn hạt nhân giữa hai bên.
 

Đoàn Việt Nam thăm quan mô hình mô phỏng hoạt động của Nhà máy  ĐHN Phòng Thành.
 

Sau sự cố Fukushima, Trung Quốc đặc biệt chú trọng hoàn thiện khung pháp luật và pháp quy chặt chẽ đảm bảo an toàn cao nhất cho các nhà máy ĐHN. Luật An toàn hạt nhân của Trung Quốc đã được ban hành vào năm 2017 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018. Trung Quốc đã cải tổ lại cơ cấu tổ chức để nâng cao hơn nữa vấn đề an toàn hạt nhân với sự ra đời của Bộ Sinh thái và Môi trường – chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn hạt nhân và bảo vệ môi trường. NNSA  trực thuộc Bộ này là cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia có chức năng đánh giá an toàn hạt nhân độc lập. Hiện có khoảng 1100 cán bộ đang làm việc cho NNSA tại Trụ sở chính, 06 văn phòng đại diện, Trung tâm An toàn bức xạ và hạt nhân (NSC) và Trung tâm Công nghệ quan trắc môi trường, trong đó NSC chiếm đa số với 600 người. Chính phủ Trung Quốc gần đây đặt mục tiêu sẽ trở thành cường quốc xuất khẩu ĐHN và làm chủ công nghệ ĐHN tiên tiến nhất thế giới. Hầu hết các tổ máy ĐHN của Trung Quốc hiện nay sử dụng công nghệ thế thệ 3./.

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 5300

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)