Tuy nhiên Bộ trưởng cũng khẳng định, việc huy động đầu tư của DN và xã hội cho KH&CN vẫn đang gặp phải rào cản không nhỏ từ cơ chế tài chính cũng như cơ chế quản lý KH&CN do còn nhiều bất cập. Hạn chế lớn nhất là chúng ta chưa hội nhập được với thế giới về cơ chế quản lý cũng như cơ chế tài chính cho KH&CN, trong khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO.
Hiện nay, các nước đều làm việc theo nguyên tắc các nhà khoa học đề xuất nhiệm vụ vào lúc nào thì phải được cấp kinh phí tổ chức thực hiện ngay. Nhưng tại Việt Nam lại phải lập kế hoạch trước nhiều năm, đến khi được giao kinh phí thì các nhiệm vụ KH&CN đã trở nên lạc hậu, chưa nói đến việc phải điều chỉnh nội dung, kinh phí rất phức tạp về mặt thủ tục. Như vậy khi các nhà khoa học nhận được kinh phí thì không thể thực hiện được đề tài do tốc lộ lạm phát kinh tế và trượt giá. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không được sử dụng cơ chế của Quỹ trong lĩnh vực KH&CN cho cấp phát tài chính đối với các đề tài nghiên cứu mà cấp phát ngân sách qua kho bạc. Vì thế khi các nhà khoa học có ý tưởng muốn nghiên cứu thường phải chờ đợi rất lâu.
“Cần phải hoạt động KH&CN theo thông lệ như các nước phát triển hoặc các nền kinh tế khác đã trải qua có kinh nghiệm xương máu. Chúng ta nên đi theo con đường của các quốc gia khác, không nên làm khoa học theo cơ chế kế hoạch hóa”, Bộ trưởng chia sẻ.
Cấp kinh phí phải theo tiến độ đề tài
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nhiều năm qua, trong tổng kinh phí 2% tổng chi ngân sách cho KH&CN, khoảng 40 - 43% là dành cho đầu tư và phát triển nhưng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp phân bổ kinh phí cho các Bộ, ngành địa phương. Bộ KH&CN hoàn toàn không nắm được tình hình phân bổ cũng như hiệu quả sử dụng của nó.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành địa phương khi nhận kinh phí trực tiếp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì gần như không có báo cáo với Bộ KH&CN. Số kinh phí sự nghiệp khoa học (từ 57 - 60%) còn lại thì Bộ KH&CN cùng với Bộ Tài chính thỏa thuận và thống nhất phương án phân bổ. Hầu hết khoản tiền này được dành chi thường xuyên nuôi bộ máy cán bộ hơn 60 nghìn người tại các viện, các trung tâm nghiên cứu trong cả nước. Trong đó một phần rất ít ỏi (chiếm khoảng hơn 10%) dành cho hoạt động nghiên cứu, tức là các đề tài cấp cơ sở đến cấp nhà nước.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ KH&CN đề xuất việc phân bổ kinh phí cho đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp khoa học. Bên cạnh cơ chế phân bổ như vậy, Bộ KH&CN cũng đề xuất một số giải pháp quan trọng về tài chính bao gồm cấp kinh phí theo tiến độ đề xuất nhiệm vụ và giải ngân kinh phí đó theo cơ chế của Quỹ trong lĩnh vực KH&CN, có thể là thông qua các Quỹ của nhà nước như Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia hoặc Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia. Còn nếu vẫn qua kho bạc thì phải được giải ngân và cấp kinh phí theo tiến độ và áp dụng cơ chế của Quỹ trong lĩnh vực KH&CN, đồng thời không phải quyết toán theo năm mà theo hợp đồng, được chuyển nguồn tự động. Được như vậy các nhà khoa học sẽ giảm bớt rất nhiều thủ tục rườm rà về cơ chế tài chính cho nghiên cứu…
Tự chủ về tài chính, bồi dưỡng nhân lực
Chia sẻ điều này, Bộ trưởng cho biết, hiện giới khoa học là đối tượng duy nhất làm công ăn lương còn chịu thiệt thòi không được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù (phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên…) giống như cán bộ của ngành giáo dục, y tế hay các lĩnh vực khác. Điều kiện làm việc của giới khoa học cũng chưa được đáp ứng đủ, trong khi đó các nhà khoa học chỉ quan tâm đến điều kiện làm việc, tức là họ phải được tin tưởng giao nhiệm vụ, được quyền tự chủ. Tự do tư tưởng, tự do nghiên cứu và được tạo môi trường làm việc tốt nhất như trang thiết bị, phòng thí nghiệm, có thư viện, có hợp tác quốc tế. Và trong chừng mực nào đó thì họ được quyền tự chủ về mặt tài chính khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu như là thông lệ ở các nước phát triển. Vì vậy, trong Đề án “Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN” trình Ban Chấp hành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN cũng đề xuất hai giải pháp lớn: Một là, nhà nước nên giao quyền sở hữu về kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho các nhà khoa học để có thể chuyển nhượng và góp vốn cho các DN, lợi nhuận từ việc chuyển nhượng và góp vốn nhà khoa học sẽ được và hoàn lại cho ngân sách nhà nước đối với phần kinh phí nhà nước đã bỏ ra. Hai là, nên dùng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng là những nhà khoa học đầu ngành, những nhà khoa học được giao nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và các nhà khoa học trẻ có tài năng ở trường Đại học có những đóng góp qua những sáng chế, giải thưởng khoa học được công bố trong nước và quốc tế. Đặc biệt họ có thể tự chủ một khoản kinh phí và tự thỏa thuận trả lương cho người hợp tác, tham gia các hội nghị quốc tế, thuê chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu, sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm mà không phải trả tiền. Nếu giao cho nhà khoa học những quyền như vậy cộng với một chế độ ưu đãi đặc biệt của nhà nước, chắc chắn các nhà khoa học có trình độ cao, tâm huyết và sức sáng tạo sẽ có thể sống được bằng nghề.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, điều quan trọng nhất là làm sao loại bỏ được tư tưởng ám ảnh với các nhà khoa học là phải làm đề tài để sống, mà phải chuyển sang một tư tưởng mới là các nhà khoa học phải sống tốt bằng kết quả nghiên cứu chứ không phải bằng đề tài nghiên cứu của họ.