Nhãn là loại quả mang tính mùa vụ, chín tập trung, nhanh chóng bị suy giảm do các hiện tượng mất nước, nâu hóa, nứt vỏ quả, thối hỏng, dập nát... Ngoài ra, để hạn chế hiện tượng thối hỏng của quả nhãn sau thu hoạch, hiện nay người ta chủ yếu sử dụng SO2 và một số hóa chất bảo vệ thực vật nên không an toàn cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các lý do này chính là trở ngại lớn khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các thị trường xa. Do vậy, với khối lượng sản phẩm ngày càng gia tăng, để ổn định chất lượng, hạn chế tổn thất và kéo dài thời gian tồn trữ cho quả nhãn sau khi thu hoạch thì ngoài giải pháp chọn tạo giống mang tính cơ bản, việc tìm ra các giải pháp đồng bộ tác động ở cả giai đoạn cận và sau thu hoạch là rất cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Do vậy, từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2015, nhóm nghiên cứu do TS. Phạm Xuân Liêm tại Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học kỹ thuật Châu Á-Thái Bình Dương dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ cận và sau thu hoạch để bảo quản nhãn tại Hà Nội và Sơn La”.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
1. Đã xây dựng được quy trình công nghệ xử lý cận và sau thu hoạch nhãn. Trong đó:
- Đối với quá trình xử lý cận thu hoạch đã tiến hành phun chất điều hòa sinh trưởng GA3 có nồng độ 60 ppm kết hợp với α-NAA 40 ppm ở giai đoạn rụng quả sinh lý lần 2 (trước thu hái truyền thống 1 tháng), cải thiện màu sắc vỏ quả nhãn, tăng tỷ lệ giữ quả trên cây, tăng khối lượng, kích thước quả do đó làm năng suất của cây trồng đạt 120–130% so với đối chứng. Sau đó trước thời gian thu hái truyền thống khoảng 7–10 ngày phun AVG (Retain) ở nồng độ 830ppm giúp làm chậm thời gian thu hoạch so với đối chứng khoảng 10 ngày, đồng thời quả nhãn vẫn giữ được chất lượng dinh dưỡng và cảm quan tốt, không có sự khác biệt so với những quả nhãn không áp dụng xử lý cận thu hoạch.
- Sau khi quả nhãn đã được xử lý cận thu hoạch tiếp tục tiến hành xử lý sau thu hoạch: Quả nhãn sau khi thu hái được làm lạnh bằng nước lạnh 5±10C trong 2 phút, vận chuyển về nơi tập kết, xử lý sơ bộ, sau đó được nhúng trong hỗn hợp dung dịch PAG 0,1% kết hợp với axit oxalic 0,2% trong thời gian 2 phút rồi để ráo và bao gói trong túi LDPE có đục lỗ 1% diện tích túi (đường kính lỗ 4mm). Sau thời gian bảo quản, quả nhãn vẫn giữ được chất lượng dinh dưỡng, trạng thái, màu sắc và hương vị đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường; duy trì được chất lượng ổn định trong thời gian 5-7 ngày ở điều kiện phòng với tỷ lệ hư hỏng <10%.
2. Đã xây dựng được 2 tiêu chuẩn cho quả nhãn trên 2 giống nhãn chín muộn HTM-1, PH-M99-1.1 cụ thể như sau:
- Tiêu chuẩn nguyên liệu của quả nhãn tươi sau khi đã tác động các biện pháp xử lý cận thu hoạch:
Đối với quả nhãn chín muộn HTM-1: được thu hái sau khi cây tắt hoa hoàn toàn 140 ngày, quả có khối lượng đạt 11-12g, hàm lượng chất rắn hòa tan tổng số 20- 21%. Khi đó, phần xù xì trên vỏ quả chiếm khoảng 20% toàn bộ vỏ quả, vỏ quả có màu vàng sáng, vị ngọt đậm, giòn, cùi dày, có màu trắng đục, có nhiều nếp nhăn, mọng nước và dễ dàng tách vỏ ra khỏi phần thịt quả.
Đối với quả nhãn chín muộn PH-M99-1.1: được thu hái khi cây tắt hoa hoàn toàn 130 ngày, quả có khối lượng đạt 14-15g, hàm lượng chất rắn hòa tan tổng số 19- 20%. Khi đó, bề mặt vỏ mịn, màu nâu vàng, vị ngọt, có độ mềm tay, dễ dàng tách vỏ ra khỏi phần thịt qủa, vỏ dày.
Đồng thời đã đưa ra được các chỉ tiêu hóa lý, chỉ tiêu về dư lượng các chất nhiễm bẩn như kim loại nặng, vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... cho quả nhãn tươi.
- Tiêu chuẩn chất lượng cơ sở (TCCS) cho quả nhãn sau bảo quản: tiêu chuẩn này được áp dụng cho quả nhãn bảo quản ở điều kiện phòng với chất lượng cảm quan, hóa lý, và an toàn thực phẩm.
3. Đã xây dựng được mô hình đồng bộ xử lý cận và sau thu hoạch áp dụng các kết quả nghiên cứu trên quy mô 1 ha đối với phần cận thu hoạch và 1 tấn đối với phần sau thu hoạch ở mỗi tỉnh.
Quả nhãn sau khi áp dụng mô hình đã cho năng suất đạt 130% so với quả nhãn không áp dụng mô hình, đồng thời đã kéo dài được thời gian bảo quản ở điều kiện thường gấp hai lần và lãi suất từ mô hình đã tăng hơn 20% so với những quả nhãn không áp dụng mô hình. Kết quả từ mô hình cho thấy không có sự sai khác so với các kết quả nghiên cứu.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12327/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia./.