Thứ ba, 30/05/2017 15:33 GMT+7

Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” (Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017). Đề án do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm thực hiện các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 về việc phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Mục tiêu của Đề án là: 1. Xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa thông qua việc tổng hợp, hệ thống hóa, việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức trong mọi lĩnh vực, trước hết là hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như pháp luật, y tế, kỹ thuật sản xuất…; 2. Tạo môi trường thuận lợi thu hút mọi người dân và doanh nghiệp tham gia, với vai trò vừa khai thác vừa đóng góp để làm giàu các tài nguyên tri thức số hóa của Việt Nam; 3. Khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê khoa học và công nghệ, khát vọng sáng tạo, cống hiến của mọi người, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức và các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc tạo lập, làm giàu và phổ biến tri thức; 4. Từng bước góp phần phát triển công nghiệp nội dung số của Việt Nam, định hướng việc sử dụng tri thức của người dùng trên môi trường mạng.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án nêu rõ các nhiệm vụ sau:

1. Nhà nước tạo cơ chế huy động các doanh nghiệp tham gia thiết lập hạ tầng để lưu trữ, chia sẻ tri thức, phát triển các ứng dụng đồng thời vừa khai thác vừa làm giàu Hệ tri thức Việt số hóa. Các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về công nghệ thông tin và hạ tầng mạng, có khát vọng và nhiệt huyết đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển hạ tầng với các công cụ quản lý, lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, tri thức làm nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa.

2. Huy động tất cả các nguồn lực, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ tham gia việt hóa, tổng hợp, thống kê, số hóa các nguồn tri thức chung, tri thức cơ bản từ các hệ tri thức của Việt Nam kết hợp với hệ tri thức của nhân loại như các bách khoa toàn thư, Wikipedia… thông qua hình thức tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, các đợt phát động, các hoạt động vinh danh cá nhân, tổ chức và cộng đồng. Từng bước đẩy mạnh các hoạt động này thành phong trào toàn dân.

3. Tổ chức hệ thống hỏi đáp, hệ chuyên gia, trí tuệ nhân tạo… để thu thập nhu cầu thiết thực về tri thức của người dân, đồng thời tạo ra những kiến thức đã được kiểm chứng hoặc cần được kiểm chứng.

4. Tổng hợp và số hóa các tri thức cơ bản sẵn có và tri thức cộng đồng, tạo thành nội dung của Hệ tri thức Việt số hóa. Nguồn tri thức cơ bản sẵn có gồm: Pháp luật, chính sách Nhà nước, thông tin công bố công khai của các cơ quan nhà nước; các tri thức trong lĩnh vực giáo dục như sách giáo khoa, giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo, các khóa học khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), học liệu điện tử; các tri thức từ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bài báo khoa học, kết quả nghiên cứu và sáng chế, thông tin sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; các kỹ thuật, công nghệ hữu ích, các bài học về ứng dụng thành công khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống... Nguồn tri thức cộng đồng được thu thập và liên tục cập nhật gồm: các tri thức khoa học thường thức trong đời sống xã hội như chăm sóc sức khỏe, y tế, phòng chống bệnh dịch, trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, khoa học đời sống,..

5. Chuẩn hóa tri thức trong một số lĩnh vực quan trọng như pháp luật, sức khỏe… để bảo đảm chính xác, tin cậy, trong đó huy động sự vào cuộc của các Bộ, ngành, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các hội, hiệp hội ngành nghề.

6. Tạo điều kiện cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) được chủ động sử dụng các dữ liệu và công cụ của Hệ tri thức Việt số hóa để phát triển các ứng dụng đa dạng và tổ chức các ứng dụng một cách khoa học, dễ khai thác, dễ sử dụng.

7. Thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng Hệ tri thức Việt số hóa để phát triển các công cụ tìm kiếm, dịch thuật, khai phá dữ liệu, quản lý tri thức, ứng dụng trí khôn nhân tạo, tương tác xã hội… để dần từng bước hướng người Việt Nam, trước hết là lớp trẻ dùng các sản phẩm trên môi trường mạng do Việt Nam phát triển.

Về tổ chức thực hiện Để án, tiến độ triển khai như sau: 

Tháng 7 năm 2017, tập hợp khoảng 20 doanh nghiệp có tiềm lực và khát vọng để thành lập một Nhóm nòng cốt triển khai xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa (Nhóm nòng cốt). Nhóm nòng cốt do một doanh nghiệp chủ trì và thống nhất cơ chế hoạt động theo hướng mở, khuyến khích sự tham gia của mọi doanh nghiệp, tổ chức.

Tháng 8 năm 2017, Nhóm nòng cốt phối hợp chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật của hạ tầng và các công cụ cần thiết để khởi tạo Hệ tri thức Việt số hóa. Nhóm nòng cốt lên phương án phát động tất cả cộng đồng tham gia đóng góp nội dung tri thức theo các chủ đề, tham gia việt hóa, tổng hợp, thống kê, số hóa các nguồn tri thức.

Tháng 9 năm 2017, tổ chức Lễ phát động triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”.

Tháng 12 năm 2017, đưa vào sử dụng một số ứng dụng trong lĩnh vực luật, y tế, giáo dục, nông nghiệp và thử nghiệm mô hình tương tác cộng đồng ở một số địa phương.

Năm 2018, tạo lập và phát triển nội dung đa dạng của Hệ tri thức Việt số hóa. Mở rộng xây dựng các ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực trên quy mô toàn quốc. Đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa trên website, ứng dụng di động, ứng dụng thông minh, Internet vạn vật, tài nguyên giáo dục mở, dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông,...

Từ năm 2019, tiếp tục phát triển và thúc đẩy khai thác sâu Hệ tri thức Việt số hóa để trở thành một hệ sinh thái số do người Việt làm chủ, có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam và được sử dụng phổ biến trong xã hội.

Quyết định số 677/QĐ-TTg cũng nêu rõ trách nhiệm thực hiện Đề án: Thành lập Ban chỉ đạo Đề án do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Phó trưởng ban và đại diện Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một số cơ quan, đại diện khối doanh nghiệp và cộng đồng. Ban Chỉ đạo Đề án có nhiệm vụ chỉ đạo, phân công việc tổ chức thực hiện Đề án, đôn đốc, kiểm tra trong quá trình triển khai.

Bộ Khoa học và Công nghệ điều phối chung việc triển khai Đề án; tổng hợp, theo dõi và đánh giá mức độ phát triển của Hệ tri thức Việt số hóa để tham mưu, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện Hệ tri thức Việt số hóa. Thường trực, giúp việc cho Ban chỉ đạo, kết nối các đầu mối của bộ, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp, cộng đồng người dùng; hỗ trợ các nhóm chuyên gia trong công tác tư vấn, chuẩn hóa tri thức.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các hội ngành nghề và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai các nội dung của Đề án.

Thực tế cho thấy không dân tộc nào, quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu không chú trọng tới khoa học và công nghệ, không phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức vững chắc của người dân. Để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất thiết phải tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi người dân, mỗi tổ chức ở tất cả các ngành, các lĩnh vực.

Trong toàn bộ lịch sử phát triển, trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng của tiến bộ xã hội. Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự cạnh tranh giữa các quốc gia không còn dựa vào tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân công giá rẻ, mà dựa vào sức mạnh của tri thức, năng lực sáng tạo. Mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại đòi hỏi phải lựa chọn con đường phát triển rút ngắn, phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức vững chắc của từng người dân.

Đối với mỗi người dân, việc học tập và hiểu biết các kiến thức khoa học và công nghệ đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao khả năng hòa nhập với cộng đồng. Ngày nay, khi tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng và trình độ kỹ thuật cao hơn, mức độ tổng hợp kiến thức rộng hơn. Ngoài việc tiếp nhận các tri thức khoa học từ ghế nhà trường, mỗi người đều phải tiếp tục cập nhật các tri thức mới từ nhiều nguồn khác nhau; đây chính là quá trình học tập suốt đời. Những đặc trưng của học tập suốt đời càng rõ nét và sâu sắc trong kỷ nguyên số với sự ra đời và thống trị của kinh tế tri thức. Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và các tiện ích cho phép phổ biến, chia sẻ thông tin và kiến thức một cách nhanh chóng và thuận tiện. Kho tàng thông tin và tri thức của nhân loại ngày càng được bồi đắp và chia sẻ trực tiếp trên môi trường mạng, tạo ra một ngôi trường khổng lồ cho phép mỗi người tự học tập, tự nghiên cứu theo sở thích và yêu cầu của mình.

Thực tế là, mặc dù vai trò của tri thức khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận, song nhận thức và hiểu biết về khoa học và công nghệ của người dân Việt Nam còn nhiều hạn chế. Điều tra nhận thức công chúng về khoa học và công nghệ (năm 2014 của Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia) cho thấy nhận thức của công chúng, mối quan tâm và sự hiểu biết của họ về khoa học và công nghệ còn rất hạn chế. Công chúng mới chỉ biết đến mà chưa biết sâu những kiến thức khoa học và công nghệ, con đường tiếp cận thông tin về khoa học và công nghệ chủ yếu qua TV và Internet. Trong đó, kênh phổ biến qua Internet đóng vai trò ngày càng nổi trội với sự hỗ trợ của máy vi tính và thiết bị di động cầm tay thông minh (điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ...).

Việc phổ biến tri thức khoa học và công nghệ tới người dân nước ta hiện nay gặp một số khó khăn cần giải quyết. Đó là: Việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là từ các cơ quan nhà nước còn hạn chế; Lượng thông tin trên mạng Internet hiện nay là khổng lồ song không có sự định hướng, chọn lọc, do đó, cần thiết phải xây dựng được hệ thống tri thức số hóa có phân loại, sắp xếp và được kiểm chuẩn độ chính xác, có định hướng nội dung thông tin phù hợp và hữu dụng cho người dân.

Đối với nước ta, việc xây dựng và phổ biến tri thức trong giai đoạn tới sẽ có một số điều kiện thuận lợi, đó là: Lực lượng làm công nghệ thông tin đông đảo và có trình độ tương đối tốt, cập nhật nhanh xu hướng mới; Hạ tầng thông tin tương đối tốt, độ phủ cao tới cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Người dân đã có thói quen tiếp cận và sử dụng thiết bị công nghệ thông tin hiện đại; Khả năng ngoại ngữ được cải thiện. Do vậy, công nghệ thông tin là một công cụ, là phương tiện quan trọng để việc phổ biến tri thức được rộng hơn, hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm trên thế giới xưa và nay cho thấy, từ thời cổ đại, ý tưởng về việc tập hợp hệ tri thức chung của loài người vào một chỗ để khai thác đã được hình thành. Thư viện Alexandria và Pergamon cổ đại Kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ tri thức khoa học và công nghệ trong kỷ nguyên số. Vào thế kỷ 20, đặc biệt là với sự phát triển của công nghệ thông tin, các kho tri thức tổng hợp dần được chuyển sang lưu trữ và cung cấp dưới dạng điện tử, cho phép nhiều người dùng truy cập và sử dụng cùng lúc. Ngày nay, một số quốc gia đã quan tâm và có những chương trình lớn về việc cung cấp băng thông rộng song song với việc tạo lập các hệ tri thức. Ví dụ như tại Trung Quốc với dự án “China National Knowledge Infrastructure - Hạ tầng tri thức quốc gia Trung Quốc” hay tại Ấn Độ với “National Knowledge Commission - Chương trình tri thức quốc gia”. Như vậy, trong bất kỳ thời đại nào, các nước luôn hướng tới việc tập hợp các hệ tri thức của nhân loại một cách toàn diện, đầy đủ nhất với độ chính xác và tin cậy cao, để đáp ứng các yêu cầu về học tập và tìm hiểu các kiến thức mới của người dân.

Trên cơ sở những phân tích nêu trên, có thể thấy chúng ta cần nhanh chóng tăng cường tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học và công nghệ tới người dân một cách thuận tiện, hiệu quả, đơn giản và huy động được mọi nguồn lực trong xã hội tham gia. Yêu cầu đặt ra là: Phổ biến tri thức khoa học và công nghệ tới người dân thông qua ứng dụng tích hợp công nghệ thông tin hiện đại, phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay; Huy động, vận động được toàn xã hội tham gia tích cực với sự vào cuộc chủ động của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương không chỉ ở khâu truyền bá mà ngay từ khâu tạo lập nội dung, kiểm chuẩn nội dung để tạo lập được một Hệ tri thức Việt số hóa khả dụng, hoàn toàn theo nhu cầu thực tế đáp ứng từ kiến thức cơ bản đến kiến thức chuyên sâu; Phát triển và thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ chế cập nhật và tương tác thông tin hai chiều trong thời gian thực giữa người dân ở địa phương với các chuyên gia khoa học và công nghệ. Do đó, việc xây dựng và triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa sẽ đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nêu trên, góp phần nâng tầm tri thức Việt Nam.

Việc xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” sẽ góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập suốt đời, làm chủ tri thức; tăng cường sáng tạo nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy sức mạnh trí tuệ của toàn dân, thúc đẩy quá trình phát triển đất nước.

 

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 15588

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)