Thứ tư, 31/10/2012 09:55 GMT+7

Kinh nghiệm xây dựng cơ chế chính sách tài chính quốc gia phục vụ các hoạt động đổi mới công nghệ

Ngày 30/10/2012, tại Hà Nội, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Trung tâm chuyển giao công nghệ Châu Á - Thái Bình Dương (APCTT) thuộc Ủy ban kinh tế xã hội Liên hợp quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) tổ chức Hội thảo...


Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia đến từ Tập đoàn tài chính công nghệ Hàn Quốc; Trường Đại học Curtin, Malaysia; Trung tâm Bó đuốc (Torch Center), Bộ KH&CN Trung Quốc;… Tham dự Hội thảo còn có 60 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ quản lý các cơ quan của Bộ KH&CN, một số Bộ, ngành, đại diện các Viện nghiên cứu, trường Đại học và doanh nghiệp.

Các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã trình bày các chuyên đề: Hệ thống đổi mới quốc gia NIS khu vực Châu Á - Thái Bình Dương- Vai trò của APCTT; Tổng quan về hệ thống Chương trình đổi mới công nghệ của Việt Nam; Cơ chế chính sách tài chính đổi mới công nghệ quốc gia: Kinh nghiệm và những bài học cho các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Một số vấn đề về tài chính cho đổi mới công nghệ ở Việt Nam; Chia sẻ những bài học và kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc;…

Tại Hội thảo, các chuyên đề và thảo luận tập trung vào những đặc điểm nổi bật về thực tiễn cơ chế chính sách tài chính phục vụ các hoạt động đổi mới công nghệ của một số quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các xu hướng khác nhau về hiện trạng và các mục tiêu hoàn thiện chính sách tài chính phục vụ các hoạt động đổi mới công nghệ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia và quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ rất nhiều gợi ý hữu ích với Việt Nam về các hoạt động đổi mới công nghệ như: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; áp dụng giải pháp hợp tác công tư; tổ chức các hội thảo bàn về vấn đề đổi mới công nghệ; xây dựng cơ chế tài chính đổi mới công nghệ;…

Chủ tịch Trung tâm Chuyển giao công nghệ châu Á - Thái Bình Dương N. Srinivasan cho rằng, nội dung các thành tố then chốt của Hệ thống đổi mới quốc gia gồm chiến lược nghiên cứu phát triển quốc gia, cơ sở hạ tầng trung tâm KH&CN, phát triển kỹ năng và nguồn nhân lực, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phát triển, thúc đẩy kinh doanh mạo hiểm, cơ sở ươm tạo công nghệ, mạng lưới thông tin KH&CN,… Ông N. Srinivasan cũng đưa ra kinh nghiệm và những bài học cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đổi mới công nghệ quốc gia nhằm xây dựng một khung chính sách hệ thống đổi mới trung tâm KH&CN quốc gia với tầm nhìn, chiến lược và sự ưu tiên rõ ràng.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, đổi mới công nghệ từ lâu đã được xem là chìa khoá, là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tạo nền tảng để tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia và hướng nền kinh tế phát triển một cách bền vững. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực đầu tư để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành các kênh tài chính có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Vì thế, việc học hỏi các kinh nghiệm đã được áp dụng, triển khai ở các quốc gia đi trước, đặc biệt là một số quốc gia trong khu vực Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ - những nước có hoàn cảnh khá tương đồng với Việt Nam sẽ thực sự có giá trị và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay.

Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, qua Hội thảo này, các cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp thu thêm những kinh nghiệm quý báu về cơ chế tài chính hỗ trợ đổi mới công nghệ từ các chuyên gia quốc tế, từ đó lựa chọn được những cách thức phù hợp với thực tiễn Việt Nam, góp phần triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ KH&CN trong thời gian tới.

Lượt xem: 1120

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)