Thứ ba, 05/11/2024 15:13 GMT+7

Nhu cầu sản xuất và sử dụng mẫu chuẩn, chất chuẩn trong hoạt động đo lường, thử nghiệm tiếp tục tăng

Nhu cầu sử dụng chất chuẩn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay là rất lớn và dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.
Là đánh giá của phần lớn các chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Sản xuất và sử dụng mẫu chuẩn, chất chuẩn trong hoạt động đo lường và thử nghiệm” do Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TĐC), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo được triển khai nhằm tìm hiểu về công tác sản xuất, cung ứng về chất chuẩn, mẫu chuẩn tiệm cận nhu cầu thực tế với đại đa số nhu cầu các phòng thí nghiệm Việt Nam. Đồng thời, cũng là dịp để lãnh đạo cơ quan nhà nước và doanh nghiệp thảo luận về mẫu chuẩn, chất chuẩn và định hướng phát triển lĩnh vực sản xuất mẫu chuẩn, chất chuẩn trong nước, từ đó nâng cao hiệu quả nguồn cung mẫu chuẩn, chất chuẩn trong nước, hỗ trợ các phòng thí nghiệm Việt Nam thuận tiện hơn trong tiếp cận nguồn mẫu đạt chuẩn với kinh phí hợp lý.
 
Toàn cảnh Hội thảo.
Trưởng ban Đo lường Ủy ban TĐC Trần Quý Giầu cho biết, chất chuẩn là một loại chuẩn đo lường đặc biệt có độ đồng nhất và ổn định nhất định đối với một hoặc một số thuộc tính. Chất chuẩn được sử dụng để hiệu chuẩn (HC), kiểm định (KĐ) thiết bị, phương tiện đo, đánh giá phương pháp đo hoặc để xác định giá trị về thành phần, tính chất của vật liệu hoặc chất khác. Đồng thời chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý đo lường, chất lượng đối với chất chuẩn hiện nay như: chất chuẩn phải nhập từ nước ngoài, giá thành lại cao và thời gian vận chuyển kéo dài dẫn đến thời hạn sử dụng ngắn; một số loại chất chuẩn có chất lượng không ổn định nhưng giá thành rẻ, thời hạn sử dụng dài nên dễ trúng thầu, không đảm bảo về đo lường, chất lượng, nhiều phép thử không có mẫu chuẩn hoặc chất chuẩn để thực hiện kiểm soát chất lượng…
Trưởng ban Ban Đo lường Ủy ban TĐC Trần Quý Giầu  trình bày tham luận tại Hội thảo.
Đánh giá vai trò của mẫu chuẩn, bà Hồ Trần Ngọc Quyên, phụ trách phòng thử nghiệm thành thạo Trung tâm Kỹ thuật TĐC 3 nhận định, mẫu chuẩn đóng vai trò quan trọng trong các thử nghiệm và phân tích khoa học. Đây là các mẫu đã được xác định và kiểm chứng với các đặc tính cụ thể, ổn định và chính xác, giúp nhà nghiên cứu có thể so sánh và đối chiếu kết quả của mình một cách chính xác. Nhờ có mẫu chuẩn, các phép đo lường và phân tích trở nên đáng tin cậy hơn, loại bỏ hoặc giảm thiểu sai số và biến động ngẫu nhiên.
Bên cạnh đó, mẫu chuẩn còn đóng vai trò làm thước đo chuẩn mực, đảm bảo tính khách quan và nhất quán trong quá trình thử nghiệm. Khi các phép thử được thực hiện trên mẫu chuẩn, kết quả có thể so sánh và đối chiếu với nhau, ngay cả khi chúng được tiến hành ở những thời điểm và địa điểm khác nhau. “Điều này là quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực như dược phẩm, hóa học, vật liệu, nơi tính chính xác và ổn định là yêu cầu bắt buộc”, bà Quyên nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Đo lường Việt Nam Nguyễn Hùng Điệp, hiện nay, cả nước có trên 167 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm, trong đó có 92 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm được chỉ định phục vụ quản lý nhà nước về ATTP theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ quản lý ngành.
Kiểm nghiệm là nền tảng của hoạt động quản lý an toàn thực phẩm. Cụ thể, đã cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP khoảng 73.380 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản; 421 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là 68.750 sản phẩm…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và trả lời các ý kiến từ các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến thông qua “chat box” về các vấn đề liên quan đến sản xuất và sử dụng mẫu chuẩn, chất chuẩn trong hoạt động đo lường và thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Kết luận tại Hội thảo, ông Trần Quý Giầu đề nghị các đơn vị kỹ thuật trực thuộc Ủy ban TĐC cần tiếp tục thực hiện 5 nội dung chính: rà soát, bổ sung kế hoạch nghiên cứu sản xuất mẫu chuẩn, chất chuẩn trong năm 2025 bảo đảm được công nhận theo TCVN ISO/IEC 17034 và bám sát, đáp ứng theo nhu cầu thị trường, doanh nghiệp; lập kế hoạch sử dụng chất chuẩn, mẫu chuẩn đã được Văn phòng Công nhận chất lượng Việt Nam (BoA) công nhận theo TCVN ISO/IEC 17034 do các đơn vị kỹ thuật thuộc Ủy ban sản xuất và dự kiến sản xuất trong thời gian tới; các tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện đăng ký nhu cầu tham gia Chương trình so sánh liên phòng về đo lường và thử nghiệm thành thạo do Ủy ban TĐC tổ chức; tăng cường tuyên truyền, quảng bá về vai trò của chất chuẩn, mẫu chuẩn và khuyến khích sử dụng chất chuẩn, mẫu chuẩn do các đơn vị thuộc Ủy ban TĐC sản xuất; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất chuẩn, mẫu chuẩn trong hoạt động đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu của pháp luật về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa và TCVN ISO/IEC 17034.
 

Nguồn: Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia

Lượt xem: 385

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)