Thứ hai, 04/11/2024 14:50 GMT+7

NAFOSTED tham dự phiên họp Hội đồng nghiên cứu toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024

Từ ngày 29/10 - 1/11/2024 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Quỹ Khoa học tự nhiên Quốc gia - Trung Quốc (NSFC) và Quỹ Khoa học Quốc gia - Sri Lanka đồng chủ trì tổ chức Phiên họp thường niên của Hội đồng nghiên cứu toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phiên họp thu hút sự tham dự của đại diện 14 tổ chức chính sách, tài trợ nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các học giả đến từ 3 Đại học (Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học KHCN Hồng Kong - Quảng Châu) của nước chủ nhà Trung Quốc. Đại diện Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) đã tham dự Phiên họp.
Nội dung thảo luận chính trong Phiên họp gồm 05 chủ đề: Quản lý nghiên cứu trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI); Hợp tác, cùng sáng tạo để giải quyết các thách thức toàn cầu; Giới và sự bình đẳng, đa dạng và hòa nhập; Đánh giá nghiên cứu có trách nhiệm; Hợp tác đa phương. 
Tham dự Phiên họp, TS. Phạm Đình Nguyên, Giám đốc NAFOSTED cùng điều phối phiên thảo luận với chủ đề “Quản lý nghiên cứu trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo”. Phiên thảo luận xoay quanh một số chủ đề chính bao gồm lợi ích và bất lợi trong việc áp dụng AI vào nghiên cứu và quản lý nghiên cứu; khả năng nâng cao hiệu quả và tính khách quan trong sử dụng AI trong quản lý tài trợ nghiên cứu; làm thế nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực, rủi ro (lệ thuộc công nghệ và lạm dụng đạo đức), đảm bảo tính công bằng và sự giám sát của con người trong các quyết định tài trợ được hỗ trợ bởi AI; cải thiện kiến thức về AI cho các nhà nghiên cứu và nhân viên của cơ quan tài trợ; vấn đề đạo đức trong xây dựng, thúc đẩy các chính sách cũng như hướng dẫn về AI; phương thức đảm bảo tiếp cận công bằng toàn cầu với công nghệ và hạ tầng AI.
TS. Phạm Đình Nguyên trao đổi tại Phiên thảo luận.
Các thảo luận thể hiện sự đồng thuận về tiềm năng của AI trong việc thúc đẩy ĐMST và hiệu quả trong triển khai nghiên cứu; tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề đạo đức liên quan đến AI, quyền riêng tư dữ liệu, tính minh bạch, tính bảo mật, sự công bằng, và trách nhiệm giải trình; nhấn mạnh hợp tác quốc tế là cần thiết để giải quyết các thách thức chung. Tuy nhiên, có các ý kiến khác nhau đối với một số vấn đề cụ thể - ví dụ sử dụng AI trong nhận xét phản biện (peer review) phục vụ xét chọn tài trợ nghiên cứu. 
Để sử dụng AI có trách nhiệm và tối đa hóa lợi ích tiềm năng của nó, các học giả cho rằng cần thiết phải nâng cao hiểu biết về AI cho các nhà nghiên cứu và các bên liên quan. 
Phiên họp Hội đồng nghiên cứu toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2024 là một trong 05 phiên họp song song ở các khu vực khác nhau trên Thế giới (châu Âu, châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông - Bắc Phi, châu Phi cận Sahara) nhằm chuẩn bị nội dung cho phiên họp thường niên lần thứ 13 Hội đồng nghiên cứu toàn cầu sẽ diễn ra vào năm 2025.
Hội đồng nghiên cứu toàn cầu (GRC)
 
Hội đồng nghiên cứu toàn cầu bao gồm những người đứng đầu các cơ quan tài trợ nghiên cứu trên toàn thế giới, hướng đến mục tiêu:
1. Tăng cường kết nối và hợp tác giữa các cơ quan tài trợ nghiên cứu;
2. Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu và thực hành tốt nhất cho hợp tác nghiên cứu chất lượng cao;
3. Tạo diễn đàn cho các cuộc họp thường kỳ của lãnh đạo các cơ quan tài trợ nghiên cứu;
4. Đáp ứng các cơ hội và giải quyết các vấn đề quan tâm chung nhằm hỗ trợ nghiên cứu và giáo dục;
5. Là nguồn lực cho các tổ chức nghiên cứu có khát vọng tạo dựng môi trường nghiên cứu hàng đầu thế giới;
6. Tìm kiếm cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khoa học toàn cầu và cộng đồng nghiên cứu trên toàn thế giới.
 

Nguồn: Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia

Lượt xem: 349

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)