Tham dự Cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên - Bộ KH&CN; Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO; các Tiểu ban chuyên môn trực thuộc, bao gồm Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB), Chương trình thủy văn quốc tế (IHP), Chương trình công viên địa chất toàn cầu (GeoPark), Chương trình khoa học địa chất quốc tế (IGGP); 02 Trung tâm quốc tế dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ (Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Toán học và Trung tâm Vật lý quốc tế).
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Cuộc họp
Tại Cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng thể về hoạt động của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên và báo cáo về hoạt động của từng Tiểu ban chuyên môn và 02 Trung tâm dạng 2. Năm 2021, trong bối cảnh toàn thế giới phải đối mặt với làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19, hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác UNESCO nói chung và của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên nói riêng đã gặp những thách thức nhất định, tuy nhiên, Tiểu ban cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên trong năm 2021 đã góp phần nâng cao và khẳng định được vai trò của khoa học cơ bản, trong đó nổi bật là việc tổ chức thành công Lễ ra mắt 02 Trung tâm quốc tế dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ và triển khai nhiều hoạt động, sự kiện khoa học có uy tín. Tiểu ban đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tích cực, chủ động tham gia góp ý đối với Dự thảo Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO; tổ chức thành công Chuỗi hoạt động về Khoa học mở với sự tham gia của các chuyên gia đến từ UNESCO, WIPO, Vương quốc Anh và đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học Việt Nam; tham gia cuộc họp trực tuyến của ICC MAB, phối hợp chuẩn bị hồ sơ để một số Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận; hưởng ứng Chiến lược hành động của UNESCO ứng phó với biến đổi khí hậu với việc nhấn mạnh áp dụng kết quả của Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; thực hiện Kế hoạch hành động Lima (2016-2025) về Chương trình Con người và sinh quyển và các Khu dự trữ sinh quyển thế giới; phát động “Thập kỷ Đại dương của Liên hợp quốc”; các hoạt động hội thảo khoa học cấp khu vực về quản trị biển và quy hoạch không gian biển, tiến tới xây dựng khuôn khổ hợp tác Việt Nam và UNESCO trong lĩnh vực Hải dương học; mở rộng mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất toàn cầu tại Việt Nam… Đặc biệt, các Tiểu ban chuyên môn và 02 Trung tâm dạng 2 đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp luận cứ khoa học trong các công bố quốc tế, khẳng định vị thế khoa học của Việt Nam tại UNESCO. Cũng tại Cuộc họp này, các đại diện Tiểu ban chuyên môn và 02 Trung tâm dạng 2 đã cùng chia sẻ một số khó khăn vướng mắc và đóng góp ý kiến về định hướng công tác năm 2022 của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên để hoạt động của Tiểu ban ngày một phát triển và có thể đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn đối với hợp tác của Việt Nam nói chung trong khuôn khổ UNESCO.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, ông Mai Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO và bà Lê Thị Hồng Vân- Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO đưa ra một số ý kiến gợi mở về phương hướng hoạt động trong thời gian tới của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên. Theo đó, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên nên tranh thủ, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO trong triển khai hoạt động của Việt Nam khi Việt Nam là thành viên Hội đồng Chấp hành của UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025; thúc đẩy ký kết hợp tác, triển khai các sáng kiến, dự án vừa được UNESCO thông qua như Khuyến nghị về Khoa học mở, Năm Khoa học cơ bản, bảo đảm an ninh nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, tham gia tích cực vào mạng lưới công viên địa chất toàn cầu,... nhằm thúc đẩy hoạt động của Tiểu ban ngày càng phát triển, qua đó, đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn đối với hợp tác của Việt Nam trong khuôn khổ UNESCO, đồng thời, nâng cao vị thế của ta tại thiết chế đa phương này.
Toàn cảnh Cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao kết quả đã đạt được trong năm 2021 của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên và sự phối hợp chặt chẽ của các Tiểu ban chuyên môn và 02 Trung tâm, sự phối hợp và hỗ trợ hiệu quả của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, của Phái đoàn Việt Nam tại UNESCO và của các Bộ, ngành có liên quan. Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Tiểu ban Khoa học Tự nhiên với các Tiểu ban chuyên môn, cùng tìm cách tháo gỡ các khó khăn về cơ chế hoạt động cũng như về kinh phí để thúc đẩy hoạt động của các Tiểu ban. Trong thời gian tới, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên cần tập trung vào một số trọng tâm như triển khai các hoạt động về khoa học mở nhằm tạo nền tảng để thúc đẩy khoa học mở tại Việt Nam; phát huy các kết quả đã đạt được và khai thác hiệu quả các Trung tâm dạng 2; thúc đẩy sự kết nối với một số trung tâm dạng 2 do UNESCO bảo trợ tại các quốc gia thành viên, đặc biệt là trong ASEAN; triển khai các hoạt động hưởng ứng Năm Khoa học cơ bản 2022 theo Nghị quyết đã được Liên Hợp Quốc (UN) thông qua; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai một số hoạt động nhằm thực hiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... Bộ KH&CN sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ các chương trình khoa học của UNESCO thuộc Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành hỗ trợ các tiểu ban chuyên môn thực hiện các Chương trình hành động đã được UNESCO thông qua đến năm 2025.