Hội đồng nghiệm thu khoa học và công nghệ cấp tỉnh có 09 thành viên, do đồng chí ThS. Nguyễn Toàn Thắng - Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình làm Chủ tịch Hội đồng.
Đề tài Nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040” được xây dựng với mục tiêu chính:
Đầu tư nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển các trụ cột kinh tế, đưa KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nâng cao năng lực, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0, công nghệ số tạo chuyển biến đột phá về năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2040.
Thay mặt đơn vị chủ trì nhiệm vụ: ThS. Ngô Văn Dương – Thư ký khoa học nhiệm vụ trình bày tóm tắt các nội dung của Đề tài:
Hiện trạng phát triển KH&CN: Đề tài xác định rõ được những nguồn lực phát triển KH&CN; Kết quả quản lý nhà nước về KH&CN giai đoạn 2011-2019; đã đánh giá được kết quả triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ và vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, Đề tài đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với phát triển KH,CN&ĐMST tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040.
Các Mục tiêu chính cần được thúc đẩy:
(i) Tăng cường tiềm lực: Tăng cường đầu tư cho các tổ chức KH&CN công lập, hệ thống phòng thí nghiệm/kiểm nghiệm đạt chuẩn VILAS; phát triển 10 DN KH&CN; phát triển thêm 05 tổ chức KH&CN; Chi ngân sách sự nghiệp KH&CN đạt 1,0% tổng chi ngân sách vào năm 2030;
(ii) Đẩy mạnh hoạt động KH,CN&ĐMST: tăng tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP lên 45%; số văn bằng về SHTT tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2019; tăng cường phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST lên mức 3/7 vào năm 2030; Số doanh nghiệp đổi mới công nghệ tăng trung bình 10-15%/năm,…
(iii) Hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đổi mới phương thức hoạt động về KH&CN;
Về Định hướng phát triển KH,CN&ĐMST tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2021-2030, cần phải bám sát Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XXII và Nghị quyết số 105/NQ-HĐND về phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, theo đó phát triển KH,CN&ĐMST phải gắn với phát triển 03 trụ cột kinh tế (Công nghiệp, nông nghiệp và du lịch) và 03 đột phá chiến lược (Chuyển đổi số, phát triển nhân lực chất lượng cao và phát triển hạ tầng kĩ thuật).
Định hướng và Giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST của tỉnh trong giai đoạn tới tập trung: Đổi mới cơ chế quản lý, hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển KH,CN&ĐMST; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ; phát triển tổ chức và tiềm lực KH&CN; Định hướng các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN; Tăng cường nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ phục vụ phát triển các ngành kinh tế - xã hội thông qua 05 nhóm Chương trình KH&CN cụ thể:
- Chương trình KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Chương trình KH&CN phục vụ phát triển ngành công nghiệp;
- Chương trình KH&CN phục vụ phát triển du lịch, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng đô thị thông minh, y dược, nâng cao chất lượng sống và sức khỏe cộng đồng;
- Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn
Các thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả của Đề tài đã được xây dựng một cách bài bản, khoa học và có luận cứ rõ ràng. Ban chủ nhiệm Đề tài đã tiến hành các nghiên cứu sâu, với nhiều đánh giá cụ thể thực tiễn, cũng như tổng hợp kinh nghiệm để đưa ra các quan điểm, mục tiêu, định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2040 cho tỉnh Ninh Bình. Dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2040 có sự kế thừa, phát huy những kết quả đạt được từ thực hiện Chiến lược giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn 2020, đồng thời đã đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế của Chiến lược giai đoạn trước.
Để Đề tài được hoàn thiện hơn, các đại biểu góp ý cần tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung: các hạn chế trong thống kế hoạt động ứng dụng công nghệ; đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp,…; cân nhắc điều chỉnh bố cục báo cáo cho phù hợp; bổ sung các cứ liệu về các Nghị quyết đã được ban hành trong năm 2021; bổ sung một số căn cứ để xác định các chỉ tiêu cần đạt trong định hướng tới năm 2030, tầm nhìn 2040; nhanh chóng xuất bản cuốn sách tham khảo về phát triển KH,CN&ĐMST tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2040;
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS Lê Tất Khương tiếp thu các ý kiến đóng góp của các Hội đồng, Đề tài tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để hoàn thiện Báo cáo tổng hợp và các sản phẩm của Đề tài trong thời gian sớm nhất, đáp ứng yêu cầu về thời gian, tiến độ của tỉnh./.