VIDEX 2021 với quy mô hơn 130 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài quân đội tham gia như: Tập đoàn Viettel, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Vingroup, Hòa Phát, các tổng công ty như Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Trực thăng Việt Nam, Thành An, Tổng công ty 28, Đông Bắc, Vinaphone, VinaCafe, Airtech, VKIST... Chương trình triển lãm trực tuyến với các gian trưng bày thực tế ảo và hoạt động kết nối giao thương, cung - cầu công nghệ trên không gian mạng vẫn tiếp tục được duy trì đến hết ngày 15/01/2022.
Tại Lễ Khai mạc có sự tham dự của các Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài quân đội, cùng sự tham dự của hơn 30 điểm cầu trong và ngoài nước. Sự kiện còn được phát trực tuyến trên không gian mạng tại địa chỉ www.videx.vn.
Nghi thức Khai mạc Triển lãm – Hội chợ trên không gian mạng VIDEX 2021
Sự kiện gồm hoạt động triển lãm và hội chợ thương mại. Trong đó triển lãm ảo đã trưng bày các thành tựu tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tập trung các ngành như công nghệ thông tin, công binh, hóa học, hậu cần, y dược quân sự... bao gồm các sản phẩm phần cứng, phần mềm; cầu phao dã chiến, máy xúc chuyên dụng, xe cứu hộ; quân trang, trang bị, dụng cụ y tế….Sự kiện còn có sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế như Hàn Quốc, Isarel, giới thiệu các công nghệ thuộc lĩnh vực cơ khí tự động hóa, công nghệ phụ trợ ngành cơ khí kỹ thuật cao, công nghệ cứu hộ, công nghệ lĩnh vực xe điện..., đặc biệt có các sản phẩm nghiên cứu khoa học như kính quang học sử dụng trong quốc phòng, rô bốt tự hành ...
Trong khuôn khổ sự kiện VIDEX 2021, Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đơn vị trực thuộc Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối phối hợp triển khai các nội dung như: Hội thảo quốc tế "Phát triển công nghệ phụ trợ xe điện" với đối tác Hàn Quốc; Hội thảo quốc tế "Giải pháp công nghệ an ninh trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và dân sự" với đối tác Israel, Hội thảo chuyển đổi số; tổ chức các chương trình B2B kết nối gần 50 doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc và Israel trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, xe điện và an ninh quốc phòng.
Các đại biểu tham quan tại gian hàng
1. Hội thảo quốc tế “Phát triển công nghiệp phụ trợ xe điện” diễn ra sáng ngày 15/12 với sự tham dự của các doanh nghiệp Bộ Quốc Phòng; các Sở KH&CN và Trung tâm R&D Automoble, Chungnam Techno Park tại đầu cầu Hàn Quốc.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế Phát triển công nghiệp phụ trợ xe điện tại điểm cầu Hà Nội
Tại Hội thảo đã diễn ra hai phiên hoạt động: Phiên Hội thảo với các tham luận đến từ Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật DMK Việt Nam, Trung tâm R&D ô tô Chungnam Technopark, Công ty TNHH Nagoya Vietnam Industry, Công ty TNHH Giải pháp Ô tô Việt Nam, Khoa Cơ khí ô tô – Đại học Bách khoa Hà Nội và Phiên kết nối B2B giữa 23 doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, xe điện và an ninh quốc phòng với 50 doanh nghiệp Việt Nam.
Tại phần thảo luận, các khách mời cho rằng: Việt Nam là quốc gia đi sau trong ngành xe điện. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh công nghệ liên quan tới xe điện đang được phát triển rất nhanh với mức độ hoàn thiện ngày càng cao, mang lại hiệu quả cao hơn về các mặt kinh tế - môi trường so với trước đây. Hàn Quốc là quốc gia có nền công nghiệp xe điện và phụ trợ xe điện phát triển, đồng thời cũng là quốc gia có lượng vốn FDI đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, môi trường – văn hóa – công nghệ của Hàn Quốc với Việt Nam có nhiều nét tương đồng do đó có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác song phương. Với các giải pháp công nghệ, sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ xe điện của các doanh nghiệp Hàn Quốc, chúng ta sẽ có một nền tảng để học hỏi, kế thừa, rút ngắn trong việc phát triển xe điện. Đây là cơ hội để kết nối, hợp tác kinh doanh đối với các doanh nghiệp cả hai bên. Các khách mời cũng mong muốn trong tương lai hai nước sẽ tiếp tục có các cuộc kết nối, trao đổi, và cụ thể hơn là tạo ra được nhiều sản phẩm ứng dụng tại Việt Nam.
Về phía Hàn Quốc, Chungnam Techno Park, chia sẻ mong muốn hợp tác giữa hai nước sẽ tập trung vào: 1) hỗ trợ hợp tác phát triển và sản xuất các công ty xe điện thương mại nhỏ và các công ty phụ tùng ô tô, 2) hỗ trợ xuất khẩu xe điện nhỏ và các công ty phụ tùng ô tô vào Việt Nam, 3) thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa các công ty ô tô Hàn Quốc và các công ty ô tô Việt Nam, 4) thiết lập mối quan hệ trao đổi công nghệ và hợp tác lẫn nhau giữa các công ty ô tô.
2. Hội thảo - Tọa đàm: Kinh tế - quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số ngày 15/12 gồm 02 phiên: tại phiên Hội thảo, các diễn giả trình bày về giải pháp công nghệ số phục vụ quản trị doanh nghiệp; quyền sở hữu trí tuệ trong ứng dụng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hiện nay; cơ hội và thách thức trong việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời đại chuyển đổi số; cũng như chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số tại Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty Đại Thành…..
Các diễn giả tại phiên Tọa đàm
Tại phiên Tọa đàm, các diễn giả cho rằng, Việt Nam có dân số trẻ có thể thấy qua tỷ lệ người sử dụng internet đông nên dễ thích nghi và tận dụng thế mạnh để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của tương lai, đặc biệt được thể hiện rõ trong giai đoạn dịch bệnh Covid đang diễn ra ngày càng phức tạp trên thế giới. Việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp được định nghĩa là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới. Hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm từ việc số hoá dữ liệu quả lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự động hoá, tối ưu hoá các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp, người lãnh đạo, quản lý đóng vai trò quan trọng, quyết định. Vấn đề chia sẻ dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số cần được phân loại dữ liệu để quản lý, sử dụng và phải gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ.
Các diễn giả cũng kiến nghị Nhà nước và Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; đồng bộ, tích hợp và liên thông giữa các cơ quan nhà nước, giữa nhà nước với doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ để lan tỏa đẩy nhanh và mạnh ứng dụng công nghệ, công nghệ số vào sản xuất; tăng cường cơ sở hạ tầng; ưu tiên ngân sách, hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp chuyển đổi số.
3. Hội thảo quốc tế Giải pháp công nghệ an ninh của Israel trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và dân sự nhằm thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ an ninh của Israel trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và dân sự cũng là chủ đề thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý và doanh nghiệp trong khuôn khổ Triển lãm - Hội chợ “Kinh tế - quốc phòng trong kỷ nguyên công nghệ số” trên không gian mạng (VIDEX 2021) diễn ra ngày 16/12 nhằm giới thiệu về các ngành kinh tế mũi nhọn Israel bao gồm cả an ninh quốc phòng và tìm ra giải pháp tối ưu, thúc đẩy việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ đặc biệt trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu và làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe giới thiệu các công nghệ từ đại diện 08 doanh nghiệp của Israel và Việt Nam. Các công nghệ được giới thiệu gồm: Ứng dụng công nghệ bay không người lái trong quốc phòng và phục vụ phát triển kinh (Công ty Cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp MAJ); Máy bay không người lái cho Quân sự và Dân sự (Công ty Airobotics); Hệ thống giám sát chiến thuật (Công ty IAI/Elta Isarael); Thiết bị cứu nạn cứu hộ tác chiến (Công ty HTI - Đại diện Công ty San tại Việt Nam); Đào tạo cho An ninh bảo mật, kiểm thử và đánh giá hệ thống bảo mật (Công ty Misoft - Đại diện Công ty Cyberbit); Khôi phục dữ liệu từ các thiết bị điện tử (Công ty Cellebrite); Nhận diện khuôn mặt dựa trên AI (Công ty Corsight); Thu chặn dữ liệu (Công ty HTI - Đại diện Công ty Jenovice tại Việt Nam). Hội thảo là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp Irsael giới thiệu các giải pháp công nghệ, sản phẩm trong lĩnh vực bảo vệ an ninh và lĩnh vực dân sự; thúc đẩy cơ hội kết nối, hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Israel. Thông qua sự kiện lần này các đối tác giữa hai nước có thể tìm thấy những cơ hội hợp tác thiết thực.
Xuyên suốt sự kiện, hoạt động kết nối B2B tìm kiếm chuyển giao công nghệ đã kết nối gần 50 doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Hàn Quốc và Israel trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, xe điện và an ninh quốc phòng. Các phiên kết nối tại nhiều điểm cầu trực tuyến đã diễn ra rất sôi nổi và thu được nhiều kết quả khả quan, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn công nghệ một cách hiệu quả, ngược lại doanh nghiệp Hàn Quốc và Israel có cơ hội tăng tốc xúc tiến giới thiệu công nghệ tại thị trường Việt Nam.
VIDEX 2021 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài quân đội giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, mở rộng giao thương, kết nối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Có thể nói đây là hoạt động kinh tế - chính trị lần đầu tiên được tổ chức trên không gian mạng kết hợp trực tiếp, mang tính tiên phong, đi đầu giới thiệu về tiềm lực khoa học - công nghệ quân sự và dân sự, công trình nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và các đóng góp quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp quốc phòng, quốc phòng kết hợp kinh tế./.