Thứ bảy, 25/09/2021 14:59 GMT+7

Hội thảo về Các chương trình hợp tác kỹ thuật ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương: Đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển

Ngày 22/9/2021, trong khuôn khổ Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lần thứ 65 đã diễn ra Hội thảo bên lề về Các chương trình hợp tác kỹ thuật ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương: Đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Đây cũng là sự kiện nhằm hưởng ứng ngày Liên hợp quốc về hợp tác Nam – Nam vừa diễn ra vào giữa tháng 9/2021.

Tham dự Hội thảo có ông Hua Liu - Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Vụ trưởng Vụ Hợp tác kỹ thuật; bà Jane Gerardo-Abaya, Giám đốc Vụ Châu Á - Thái Bình Dương cùng hơn 80 đại biểu tham gia trực tuyến và ít nhất 25 đại biểu tham dự trực tiếp. Bà Trần Bích Ngọc - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ đồng thời là Điều phối viên hợp tác của Việt Nam với IAEA đã được mời tham dự Hội thảo với vai trò là một trong ba diễn giả khách mời để chia sẻ về quá trình triển khai chương trình hợp tác kỹ thuật thúc đẩy hợp tác ba bên Việt Nam – IAEA – Lào/Campuchia, minh chứng đóng góp cho sự phát triển hiệu quả và bền vững, cách thức tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ hạt nhân để đóng góp vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
 

Các đại biểu tham dự trực tiếp tại Hội thảo.
 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hua Liu khẳng định trong nhiều thập kỷ, thông qua các chương trình hợp tác kỹ thuật, IAEA đã và đang nỗ lực giúp đỡ các quốc gia thành viên thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường năng lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân, phát triển nguồn nhân lực. Ông cũng nhấn mạnh hợp tác Nam - Nam (South-South Cooperation) là cơ chế hợp tác hiệu quả giúp thúc đẩy sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử tại các quốc gia đang phát triển để tận dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia cũng như tăng cường hợp tác quốc tế. Cơ chế hợp tác Nam - Nam có thể thông qua hợp tác song phương, đa phương và hợp tác giữa các nước láng giềng, v.v. trong các lĩnh vực đào tạo, quản lý công nghệ hạt nhân cũng như các hình thức khác. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của IAEA về hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho các quốc gia để giải quyết các thách thức toàn cầu đang đặt ra, trong đó có đại dịch Covid-19, đồng thời khẳng định các cơ chế hợp tác này đang phát huy hiệu quả và sẽ tiếp tục được IAEA hỗ trợ trong tương lai.

Tại bài trình bày của mình, bà Trần Bích Ngọc đã nhấn mạnh với vai trò là đầu mối quốc gia trong quản lý và thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với IAEA triển khai nhiều dự án hợp tác kỹ thuật quốc gia, khu vực và liên khu vực. Nhờ đó, năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã đạt trình độ nhóm đầu trong khu vực. Trong khi đó, Lào và Campuchia là những quốc gia thành viên mới và bước đầu tham gia vào các chương trình hợp tác của IAEA, đồng thời cũng là các nước láng giềng có quan hệ đặc biệt đối với Việt Nam, có sự khởi điểm về ứng dụng năng lượng nguyên tử tương đồng với Việt Nam hơn 40 năm trước. Do vậy, vào tháng 8/2017, Việt Nam và IAEA đã khởi xướng Dự án hợp tác ba bên giữa Việt Nam - IAEA - Lào và Việt Nam - IAEA - Campuchia nhằm cùng phối hợp hỗ trợ hai nước Lào và Campuchia phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, góp phần tăng cường cơ chế hợp tác kỹ thuật giữa các quốc gia đang phát triển cũng như thúc đẩy hợp tác Nam - Nam.

Kể từ khi khởi xướng đến nay, các bên đã tiến hành một số hoạt động hợp tác theo nhu cầu, điều kiện tài chính và khả năng hỗ trợ của từng bên. Để có cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy triển khai các hoạt động dự án một cách bài bản, các bên thống nhất ký Thỏa thuận dàn xếp (Practical Arrangements) giữa IAEA, Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia trong khuôn khổ Đại hội đồng IAEA lần thứ 63 vào ngày 17/9/2019. Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác được xác định trong khuôn khổ dự án bao gồm: ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, công nghiệp và kiểm tra không phá hủy, an toàn bức xạ và hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu, cơ sở hạ tầng pháp quy, chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ, chiếu xạ, y học hạt nhân, quản lý và quan trắc môi trường biển và trên mặt đất.
 

Bà Trần Bích Ngọc, Điều phối viên hợp tác của Việt Nam với IAEA trình bày tại Hội thảo.
 

Thông qua Dự án ba bên, một mặt Việt Nam có thể hỗ trợ IAEA trong việc hướng dẫn Lào và Campuchia xây dựng dự án, mặt khác có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về ứng dụng năng lượng nguyên tử cho nước bạn trên cơ sở năng lực kỹ thuật hiện tại của quốc gia, cũng như xây dựng hạ tầng pháp quy để sử dụng năng lượng nguyên tử một cách an toàn và an ninh. Do đó, dự án này được IAEA rất quan tâm và coi như hình mẫu để phổ biến nhân rộng đối với các quốc gia khác trong khu vực.

Kể từ khi đươc ký kết, các bên đã bước đầu triển khai một số hoạt động và đạt được những kết quả nhất định. Hợp tác với Lào thu được những kết quả tích cực thông qua triển khai Nghị định thư giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Lào nhằm hỗ trợ Lào xây dựng “Trung tâm thử nghiệm không phá hủy và kỹ thuật hạt nhân”. Trong hợp tác với Campuchia, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã hỗ trợ nước bạn đào tạo nhân viên kỹ thuật trong lĩnh vực y học phóng xạ, đồng thời cử cán bộ của Viện sang Campuchia hỗ trợ bạn xây dựng phòng thí nghiệm hóa phóng xạ cơ bản và phòng thí nghiệm định liều cá nhân.

Bà Trần Bích Ngọc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của IAEA, Việt Nam hiện có nhiều chuyên gia luôn sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với nước bạn các vấn đề về xạ trị, y học hạt nhân, kiểm tra không phá hủy, chiếu xạ khử trùng, đột biến tạo giống lúa, v.v. cũng như các vấn đề về pháp quy hạt nhân. Bà cũng chia sẻ thêm những khó khăn, thách thức trong quá trình hợp tác, trong đó đề cập đến ảnh hưởng của sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ Lào thời gian qua. Bên cạnh đó là những thách thức không nhỏ đặt ra do đại dịch Covid-19 khi Chính phủ các nước đang dành ưu tiên nguồn lực cho vấn đề kiểm soát dịch bệnh và những khó khăn khi cần triển khai các hoạt động đào tạo yêu cầu thực hành tại cơ sở. Đối với Việt Nam, trong thời gian tới, việc bố trí kinh phí cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong bối cảnh đó, bà Trần Bích Ngọc đề nghị IAEA với kinh nghiệm và khả năng tài chính của mình sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam cùng với hai nước láng giềng để tiếp tục tổ chức các hoạt động mà các bên đã đề xuất khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Bà cũng cho biết thêm hiện nay, các cơ quan liên quan của Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực phối hợp với các đối tác hai nước để sớm tổ chức một số hoạt động trực tuyến từ nay đến cuối năm 2021.

Kết thúc cuộc họp, bà Jane Gerado-Abaya thay mặt IAEA gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia IAEA, các điều phối viên hợp tác với IAEA và các chuyên gia quốc tế, đồng thời khẳng định IAEA sẽ nỗ lực cùng với các quốc gia thúc đẩy những dự án quan trọng và ý nghĩa trong thời gian tới.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 1089

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)